Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Xăng dầu đứng đầu về gian lận thương mại

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

“Mặt hàng xăng dầu nằm trong nhóm nóng về gian lận thương mại”. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ chống buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại tổ chức sáng 29-8, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Hùng Dũng cho biết như trên.
Theo Ban Chỉ đạo 127 Trung ương (BCĐ 127 TW), trong 10 năm qua, cả nước đã kiểm tra hơn 3,5 triệu vụ việc liên quan đến buôn lậu hàng hóa, xử lý gần 2 triệu vụ vi phạm gian lận thương mại, thu trên 28.252 tỉ đồng.
Theo ông Dũng, dù lực lượng chức năng đã triển khai nhiều biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả… nhưng tình hình buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp, nóng nhất là ở các tỉnh, thành như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh, Lạng Sơn, An Giang, Tây Ninh, Quảng Trị… Tại khu vực các tỉnh phía Bắc nổi lên việc nhập lậu hàng điện tử, điện lạnh, xe máy, xe đạp, phụ tùng ô tô, xe máy, điện thoại di động… Tuyến biên giới Tây Nam là hoạt động nhập lậu thuốc lá, đường cát, bột ngọt, rượu ngoại, tân dược…
Riêng mặt hàng xăng dầu, gian lận về đo lường và chất lượng là phổ biến. Người vi phạm dùng các thủ đoạn như gắn chip điện tử, trộn dầu hỏa vào xăng, dùng xăng A83 bán thành A92… Người buôn lậu thường vận chuyển hàng lậu vào ban đêm, dùng phương tiện có công suất lớn, sử dụng mạng thông tin hiện đại để liên lạc và theo dõi chặt chẽ các lực lượng chống buôn lậu. Họ dùng thủ đoạn quay vòng hóa đơn, chứng từ; mua bán hóa đơn để hợp thức hóa hàng nhập lậu, gian lận trong việc kê khai giá trên hóa đơn bán hàng để giảm thuế giá trị gia tăng.
Nguyên nhân dẫn đến những bất cập trên là do công tác chống hàng giả, gian lận thương mại còn thiếu kinh nghiệm; chính sách pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại chưa hoàn thiện, nhiều lĩnh vực còn chồng chéo, không đồng bộ, thiếu cụ thể; một số văn bản pháp luật chưa bổ sung cho phù hợp…
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng, BCĐ 127 TW đang đề nghị Chính phủ xem xét phê duyệt “Chương trình Quốc gia chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại giai đoạn 2011-2015, tầm nhìn đến 2020”. Chương trình này sẽ nâng cao năng lực thực thi cho lực lượng kiểm tra, kiểm soát, tránh tình trạng chồng chéo, tạo thành mạng lưới rộng khắp, nâng cao hiệu quả của công tác này từ trung ương đến các địa phương.
TRÀ PHƯƠNG
Pháp luật

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)