Chiếm tới gần 40% chi phí cấu thành, nhưng dù giá xăng dầu đã trải qua 8 lần giảm sâu liên tiếp, giá cước các loại hình vận tải không những “án binh bất động” mà còn tăng vọt.
Các hãng taxi truyền thống vẫn giữ giá cước dù giá xăng đã giảm 8 lần. ẢNH: ĐỘC LẬP
Vận tải hàng hóa giảm nhỏ giọt, giá tàu xe tăng gấp đôi
Từ đầu năm đến nay, cùng nhịp lao dốc của giá dầu thô thế giới, giá xăng dầu trong nước cũng được điều chỉnh đi xuống liên tục. Tổng cộng sau 8 lần giảm giá, giá xăng dầu hiện nay đã thấp hơn 40 – 49% so với đầu năm nay.
Tuy nhiên sau 4 tháng giá nhiên liệu lao dốc “không phanh”, giá cước các loại hình vận tải hầu như đứng yên tại chỗ, thậm chí tăng gấp đôi.
Chị Trần Thanh Linh (ngụ Q.Gò Vấp) sửng sốt khi liên hệ mua vé xe khách từ TP.HCM về Quy Nhơn ngày 29.4, được báo giá 1,4 triệu đồng 2 vé (chiều đi và chiều về ngày 3.5), tương đương 700.000 đồng/vé, trong khi bình thường giá chỉ dao động từ 220.000 – 250.000 đồng/vé. “Nhà xe bảo giờ vẫn còn giãn cách xã hội, xe ít, mỗi xe lại không được chở nhiều người nên có vé đi là tốt lắm rồi, đừng mong có giá bình thường. Giá vé thế này cao gấp đôi, gấp ba lần bình thường, còn cao hơn cả vé tết…”, chị Linh thở dài.
Tương tự, xe khách loại giường nằm từ Quảng Ngãi vào TP.HCM riêng trong hai ngày 30.4 và 1.5 tăng thêm 100.000 đồng/vé. Anh Ngọc Linh (Quảng Ngãi) chia sẻ mới nghe có thông báo đầu tháng 5 học sinh, sinh viên sẽ đi học trở lại sau thời gian nghỉ vì dịch Covid-19 nên mua vé cho 3 đứa con quay trở lại TP.HCM. Cô con gái lớn vào sớm hơn nên đi đúng dịp lễ, phải mua vé với giá 450.000 đồng/người loại vé giường nằm.
2 đứa nhỏ đi sau lễ là 350.000 đồng/người, bằng với giá vé ngày thường trước dịch và cả năm 2019.
“Đối với loại xe giường nằm này, nhà xe vẫn bán đủ 34 vé cho 34 khách theo số lượng ghế của xe, không hạn chế theo lệnh giãn cách đối với các loại hình vận tải hành khách nói chung. Hỏi họ xăng dầu giảm sao giá vé không giảm? Họ bảo đợt này dịch bệnh chỉ tăng có 100.000 đồng/vé chứ bình thường ngày lễ sẽ tăng nhiều hơn. Tôi khảo sát hết từ vé xe, vé tàu hay vé máy bay thì không có loại nào giảm dù giá xăng dầu giảm mạnh; vẫn như trước đây hoặc thậm chí chỉ tăng cao hơn”, anh Ngọc Linh nói. Tương tự, các hãng taxi tại TP.HCM cũng chưa có thông báo gì về việc giảm giá cước.
Giá cước vận tải hàng hóa thì giảm chậm và nhỏ giọt. Sau nhiều kỳ xăng dầu giảm sâu, các doanh nghiệp (DN) vận tải hàng hóa tại TP.HCM mới bắt đầu rục rịch giảm giá cước. Ông Nguyễn Ngọc Thanh, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ vận tải Kim Phát cho biết đối với loại hình vận tải hàng hóa bằng container, giá cước vận tải đã giảm khoảng 3 – 10% tùy từng tuyến đường vận chuyển.
Cụ thể, một chuyến hàng từ nội đô TP.HCM chạy tới Phú Mỹ, Bình Chánh, An Sương trước đây có giá 160.000 đồng/tấn, nay giảm còn 130.000 – 140.000 đồng/tấn, tương đương mức giảm 100.000 – 200.000 đồng mỗi chuyến hàng. Ông Thanh phân bua, trong bối cảnh khó khăn như vậy, việc giá xăng giảm cũng một phần giúp các DN đỡ “khó thở”.
Cụ thể, giá nhiên liệu xăng dầu chỉ chiếm khoảng 30% chi phí vận chuyển nên giá xăng giảm 10% thì DN cũng chỉ giảm được khoảng 3 – 4% giá cước. Đơn cử, một chuyến xe hàng chạy từ cảng Sài Gòn về tới An Sương chi phí khoảng 2 – 2,1 triệu đồng/chuyến, nếu giảm 10% giá dầu thì sẽ giảm khoảng 60.000 đồng/chuyến.
DN nào cũng than khó
Theo ông Nguyễn Ngọc Thanh, giá nhiên liệu chiếm khoảng 30 – 35% cấu thành chi phí, hiện các DN vận tải hàng hóa đang gặp rất nhiều khó khăn, chịu nhiều loại phí, lỗ nặng triền miên nên việc giảm giá xăng dầu thời gian qua cũng chỉ giúp cho DN vận tải bằng container đỡ bớt một phần nhỏ khó khăn, thậm chí chưa đủ để hòa vốn.
Cước vận tải không giảm nên giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng neo cao. Người dân thu nhập giảm, mất việc nhưng mặt bằng giá trên thị trường không giảm khiến họ càng khó khăn, bức xúc |
Vì thế dù giá xăng dầu đang có xu hướng giảm mạnh, nhưng các DN vận tải bằng container vẫn rất khó để giảm giá cước nhiều hơn. “Thực tế hiện nay DN vận tải chỉ chủ yếu chạy các cuốc ngắn, nội thành.
Hàng hóa chạy liên tỉnh hay xuất, nhập khẩu gần như chẳng có đơn nào. Xe cộ để không, vừa tốn chi phí nằm bãi mà vẫn phải đóng phí bảo trì đường bộ, chưa kể thiếu nhân viên, tài xế, chi phí lương bổng cũng phải tăng lên nhiều. Xu hướng chung giá nhiên liệu giảm, các DN kinh doanh, sản xuất cũng gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh nên chúng tôi buộc phải giảm giá để chia sẻ phần nào gánh nặng cho nhau chứ thực tế rất khó khăn, xẻ thịt mình chia ra thôi”, ông Thanh thở dài.
Xăng dầu giảm liên tục nhưng các DN vận tải vẫn viện mọi lý do để không giảm giá cước. ẢNH: ĐẬU TIẾN ĐẠT
Đại diện một DN taxi tại TP.HCM cũng than: Thời gian qua là giai đoạn vô cùng khó khăn đối với các DN taxi truyền thống. Việc cạnh tranh với các công ty cung cấp phần mềm gọi xe công nghệ khiến các hãng taxi đã phải cố gắng giữ giá cước ở mức thấp nhất có thể.
Ngay cả khi giá xăng tăng, các DN taxi cũng “không dám” tăng giá cước. Không chỉ vậy, dịch Covid-19 khiến taxi phải dừng hoạt động gần 1 tháng, nay vừa hoạt động trở lại được vài ba ngày, chưa biết giá xăng dầu có ổn định không nên chưa thể điều chỉnh được. “Giá cước vận tải còn phụ thuộc vào nhiều chi phí khác ngoài xăng.
Chưa kể giá xăng liên tục thay đổi theo chu kỳ ngắn – 15 ngày mỗi đợt, trong khi các DN taxi mỗi lần điều chỉnh lại phải mất tiền, mất thời gian đưa hàng ngàn phương tiện đi kẹp lại đồng hồ, kê khai lại giá. Các công đoạn này thường phải mất khoảng 1 tuần, chi phí tiêu tốn vài trăm triệu, nếu yêu cầu liên tục thay đổi giá cước theo sự điều chỉnh lên xuống chóng mặt của giá xăng dầu thì thật sự rất khó cho các DN”, vị này nói.
Kiếm lời bù lại thời gian “ngủ đông”?
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính), cho rằng giá xăng dầu chiếm từ 30 – 37% chi phí của ngành vận tải nên khi giá nhiên liệu biến động thông thường sẽ khiến giá cước vận tải thay đổi theo. Tuy nhiên hiện nay, các DN vận tải đã bị giảm sút mạnh về doanh thu khi nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa giảm mạnh trong thời gian qua nhưng các chi phí cố định, thường xuyên của DN lại không giảm. Bên cạnh đó, hiện quy định của Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 nên các xe ô tô ghế ngồi chỉ được phép chở khách không quá 50% công suất. Điều này là nguyên nhân chính khiến giá thành vận tải không thể giảm được.
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong lại có góc nhìn khác. Ông đánh giá các lý do DN đưa ra chỉ là biện minh để phục vụ mục đích kinh doanh kiếm lợi nhuận, không theo mục tiêu của thị trường. Việc điều chỉnh lại đồng hồ trên xe taxi khá dễ dàng và các DN hoàn toàn có thể sử dụng giá cước in sẵn, thay đổi nhanh chóng thay vì dán cố định trên xe. Bên cạnh đó, hiện nay các quy định giãn cách xã hội vẫn đang được triển khai, chỉ một số ít nhà xe được cấp phép hoạt động trở lại nên rất dễ dẫn đến tình trạng độc quyền, “đục nước béo cò”, tận dụng thời gian này để kiếm lời bù lại cho khoảng thời gian thị trường đóng băng khi dịch Covid-19 bùng nổ.
ĐỒ HỌA: ĐÔNG XUÂN
“Cơ quan quản lý phải vào cuộc, kiểm tra, kiểm soát, nếu có tình trạng lợi dụng độc quyền để tăng giá vé, lợi ích nhóm thì phải xử phạt thật nghiêm”, vị này đề xuất.
Cước vận tải không giảm nên giá cả hàng hóa tiêu dùng cũng neo cao. Người dân thu nhập giảm, mất việc nhưng mặt bằng giá trên thị trường không giảm khiến họ càng khó khăn, bức xúc. Theo các chuyên gia, người tiêu dùng nên thực hiện quyền của mình, chỉ lựa chọn những doanh nghiệp, các hãng có mức giá hợp lý, tẩy chay những đơn vị nâng giá, neo giá cao bất hợp lý. Chỉ có như vậy, thị trường vận hành mới công bằng và sòng phẳng.
Theo Hà Mai – Mai Phương/TNO
Bình luận (0)