Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xăng giả nhiều tác hại hơn chuyện cháy xe

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Xăng giả khiến nhiều người lo ngại đến vấn đề cháy nổ phương tiện, tuy nhiên những tác hại khôn lường từ nhiên liệu bị làm giả này còn lớn hơn nhiều.

Trong câu chuyện đại gia Trịnh Sướng sản xuất và phân phối xăng giả ra thị trường với số lượng lên đến 6 triệu lít mỗi tháng, rất nhiều người tiêu dùng đã lo sợ tình trạng cháy xe như từng xảy ra tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo kỹ sư Trần Đại, chủ gara Hoàng Yến, thời gian qua, chúng ta không ghi nhận được vụ cháy xe nào.

“Thực chất, họ đã thực hiện đúng quy trình pha xăng, nên thành phẩm cuối vẫn là xăng và vì các loại động cơ đốt trong được thiết kế để chịu được quá trình cháy nổ của xăng bên trong động cơ nên khả năng cháy xe là rất thấp” – ông Đại nói.

Quy trình quản lý xăng dầu thiếu chặt chẽ tạo kẽ hở cho các hoạt động gian lận trong kinh doanh xăng dầu (Ảnh minh họa)

Đánh giá nguy cơ cháy xe là không đáng kể, ông Đại nhấn mạnh đến hai tác hại lớn mà xăng giả gây ra cho người tiêu dùng lẫn môi trường, thậm chí tác hại đối với những người không đụng tới xăng giả.

Ông cho biết, về bản chất, xăng là một hỗn hợp của nhiều loại hydrocarbon với khối lượng từ 5-10 là thành phần chính. Khối lượng carbon càng ít thì càng nhẹ và càng dễ bay hơi. Trong hỗn hợp xăng “tiêu chuẩn” có rất ít thành phần chứa ô-xy như methanol, ethanol (thành phần được pha vào xăng sinh học).

Những thành phần có gốc ô-xy trong xăng chỉ đảm nhận nhiệm vụ chính là giúp hỗn hợp dễ cháy (khi bugi đánh lửa), còn năng lượng chính cho động cơ vẫn được tạo ra từ các thành phần hydrocarbon. Để xăng “vừa dễ cháy, vừa khó cháy”, benzen được thêm vào xăng với vai trò chất chống cháy nổ và làm tăng chỉ số octan.

Đối với sản phẩm xăng, các quốc gia có các tiêu chuẩn khác nhau tương ứng với quy trình pha chế xăng và thành phẩm đưa ra thị trường. Chẳng hạn xăng MON (Motor Octan Number) luôn có trị số rất thấp. Xăng RON (Research Octan Number) được dùng ở châu Âu và hầu hết các quốc gia. Trị số octan trong xăng RON càng cao thì giá thành càng đắt.

Ở Mỹ, xăng được biểu thị theo trị số PON (Pump Octan Number) và đôi lúc gây ra nhầm lẫn khi người tiêu dùng so sánh giá xăng. Xăng RON 98 tại châu Âu tương đương với loại xăng PON 93 tại Mỹ. Xăng RON 95 tại Việt Nam thì sản phẩm tương đương tại Mỹ là PON 91.

Làm xăng giả thực chất là việc dùng các loại dung môi hydrocarbon cao (khối lượng carbon cao hơn hydro) và rẻ tiền (hiểu đơn giản là xăng chất lượng thấp, ví dụ aceton, các loại dung môi để pha vào sơn) trộn với xăng đã được pha chế theo quy trình chuẩn. Thành phẩm sau pha chế vẫn đúng là xăng về mặt khoa học, nhưng trị số octan đã giảm.

Cách để các đối tượng làm giả xăng lấy lại trị số octan đã mất là pha thêm toluene và đây chính là tác nhân gây ung thư khi thải ra môi trường dưới dạng khí thải sau quá trình đốt hỗn hợp xăng giả trong động cơ.

Những đứa trẻ trong đô thị, người già không chạy xe… tất cả chúng ta – những người đang từng ngày thở chung bầu không khí – đều phải nhận nguy cơ này từ những kẻ làm xăng giả. Chưa kể, thành phần hydrocarbon rẻ tiền được các đối tượng làm xăng giả sử dụng là một thành phần hỗn tạp nên việc kiểm soát khí thải và những chất độc hại tuôn ra môi trường là bất khả.

Công thức pha chế xăng giả được các đối tượng áp dụng, theo điều tra của công an, là thu mua dung môi chất lượng thấp, chỉ số RON chỉ từ 60-87% để pha vào xăng RON 95 tiêu chuẩn theo tỷ lệ từ 30-50% và chất tạo màu để ra thành phẩm xăng A92 giả. Xăng RON 95 giả được tạo ra bằng cách pha 35% dung môi với 40% xăng RON 95 và các chất tạo màu.

Rõ ràng, hàm lượng xăng thực sự trong xăng giả là rất thấp nên hậu quả trực tiếp là giảm hiệu suất động cơ do đốt loại nhiên liệu không chuẩn. Với cùng một khoản tiền, người tiêu dùng mua phải xăng giả sẽ đi được quãng đường ngắn hơn và động cơ xe sẽ phải chịu đựng nhiều chất thải hơn, gây ô nhiễm dầu bôi trơn và gây hao mòn động cơ.

6 triệu lít xăng giả mỗi tháng được đưa ra thị trường tương ứng với một lượng lớn động cơ đã bị hủy hoại, hàng ngàn tỷ đồng bị mất oan ức và biết bao nhiêu triệu người đã bị đầu độc qua đường thở.

“Sản xuất và phân phối xăng giả, tưởng là chuyện thuần túy kinh tế, vì gây thiệt hại lên túi tiền của người tiêu dùng, nhưng tôi xem đó là hành vi giết người và hủy hoại môi trường, dù chúng ta có thể không thấy hậu quả ngay lập tức” – kỹ sư Đại kết luận.

Theo Thành Nhân/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)