6 tháng đầu năm, giá xăng dầu liên tục tăng. Té nước theo… xăng, nhiều mặt hàng khác cũng vịn vào giá xăng dầu để tăng giá. Không chỉ tăng 5-7% mà có khi lên tới 20, thậm chí 40%. Người tiêu dùng có thể “nhịn” mặc đẹp, cắt giảm các khoản chi tiêu không quá cần thiết nhưng không thể nhịn ăn, nhịn uống. Theo đó, khi giá các mặt hàng thiết yếu tăng theo xăng dầu, bữa ăn của người dân cũng vì vậy mà teo dần. Ngày 11-7 vừa qua, bắt đầu những đợt giảm giá của xăng dầu. Tuy nhiên các mặt hàng thiết yếu vẫn cứ neo giá cũ, cao ngất ngưởng…
Giá cả hàng hóa leo thang khiến người tiêu dùng phải cân đo đong đếm trong các khoản chi tiêu
“Mỗi lần đi chợ là một giá”
Đó là bức xúc của chị Lê Thị Đào (P.Phú Mỹ, Q.7, TP.HCM). Chị Đào kể, cả hai vợ chồng đều đi làm từ 7 giờ sáng đến 5 giờ 30, thậm chí 6 giờ chiều mới về đến nhà. Vì vậy, mỗi tuần chị chỉ đi chợ một lần để mua đồ ăn cho cả tuần.
“Cũng là loại cá đó, cũng người đó bán mà mỗi lần tôi mua đều tăng 10 ngàn đồng/kg. Tôi hỏi người bán thì nhận được câu trả lời là giá xăng dầu tăng, chủ ghe bán giá cao nên chị cũng phải bán giá cao. Chị cũng muốn bán giá cũ để bán được nhiều, tăng giá thế này mọi người mua ít hơn nhưng nếu bán giá cũ thì chị không có lời… Không chỉ cá, thịt mà trứng, rau – củ – quả cũng đều tăng giá từ 10-15%. Mấy tháng nay, tiền chợ của gia đình tôi đều tăng từ 100-300 ngàn đồng/tuần. Tuần trước tôi đi chợ hết 2 triệu đồng, tuần này là 2,2 triệu đồng…”, chị Đào cho biết.
Khảo sát tại một số chợ truyền thống như Bà Chiểu, Thị Nghè (Q.Bình Thạnh), Thái Bình (Q.1), Bàn Cờ, Vườn Chuối (Q.3)… cho thấy giá các mặt hàng đều được điều chỉnh tăng từ 3 ngàn đến gần 10 ngàn đồng/kg tùy loại.
Tại chợ Bà Chiểu, hành khô 25 ngàn đồng/kg; tỏi Trung Quốc 30 ngàn đồng/kg; bắp cải trắng 18 ngàn đồng/kg; cà rốt 26 ngàn đồng/kg; đậu ve 45 ngàn đồng/kg. Giá mặt hàng tươi sống như thịt, hải sản cũng cao ngất ngưởng. Tại chợ Thị Nghè, ba rọi heo loại thường 140 ngàn đồng/kg; sườn non 190 ngàn đồng/kg; tôm thẻ lớn 180 ngàn đồng/kg; cá trê 80 ngàn đồng/kg; cá kèo 160 ngàn đồng/kg.
So với chợ truyền thống, hệ thống một số siêu thị sau khi kết thúc đợt 1 thực hiện chương trình khuyến mãi, giảm giá để kích cầu tiêu dùng (từ ngày 15-6 đến 15-7-2022) nhằm chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng thì giá cả các mặt hàng đã cao trở lại.
Như hệ thống siêu thị Co.opmart, rau các loại có giá từ 17 ngàn đến gần 20 ngàn đồng/kg; su su gần 17 ngàn đồng/kg; bí đao 17,5 ngàn đồng/kg; bầu hơn 18 ngàn đồng/kg; bông cải xanh 60 ngàn đồng/kg. Giá thịt heo từ 110 ngàn đến hơn 200 ngàn đồng/kg các loại, như nạc dăm 145 ngàn đồng; thịt vai 110 ngàn đồng; dựng heo 174 ngàn đồng; ba rọi rút sườn 247 ngàn đồng. Hải sản như tôm sú ngộp 335 ngàn đồng/kg, cá hú 94 ngàn đồng/kg, cá mó nhỏ 86 ngàn đồng/kg.
Trứng gia cầm là mặt hàng thường xuyên bình ổn song cũng tăng giá. Trứng vịt Ba Huân loại 1 tăng đến 31,5 ngàn đồng/vỉ 10 trứng so với trước kia là 29,5 ngàn đồng; 18,9 ngàn đồng/vỉ 6 trứng so với trước kia chỉ 17,7 ngàn đồng.
Chị Thanh Giang (P.Long Trường, TP.Thủ Đức) tâm tư: “Chưa bao giờ giá thực phẩm lại cao đến vậy. Tôi mua 200g đậu ve, 1 quả mướp, 100g nấm rơm hết 50 ngàn đồng. Chi phí đắt đỏ buộc các gia đình phải tính toán, chi tiêu dè xẻn trong từng bữa ăn. Đối với những gia đình có thu nhập thấp, cuộc sống thời bão giá khiến gánh nặng cơm áo gạo tiền mỗi ngày càng nặng hơn”…
Không để tình trạng “cứ lên là không chịu xuống”
Từ đầu năm đến nay, giá xăng được điều chỉnh tăng nhiều lần đẩy mức bán lên hơn 30 ngàn đồng/lít. Việc điều chỉnh giá gần đây vào ngày 11-7 giảm 3 ngàn đồng/lít được kỳ vọng để kéo giảm đà tăng giá của hàng hóa trên thị trường nhưng thực sự chưa đủ sâu để các tiểu thương điều chỉnh ngay giá bán.
Bà H. bán thịt heo tại chợ Vườn Chuối (Q.3) chia sẻ, giá cả tăng ai cũng than, tiểu thương cũng muốn giảm khi giá xăng giảm nhưng thực sự rất khó. Nguồn hàng lấy từ chợ đầu mối giá vẫn cao, chưa kể chi phí vận chuyển, thuê mặt bằng nên giá bán chưa thể điều chỉnh. “Hiện mỗi ký thịt tôi nâng trung bình 10 ngàn đồng. Đây là mức nâng vừa phải vì tôi vẫn muốn giữ chân khách hàng”, bà H. nói.
Ở góc độ doanh nghiệp, một số đơn vị cho rằng, giá xăng dầu hiện nay mới giảm được khoảng 10% không nhiều so với các lần nâng giá. Trong khoảng thời gian giá xăng dầu tăng, doanh nghiệp phải trả cước vận chuyển, nhiên liệu sản xuất cao nên việc giảm giá dịch vụ là chưa thể vì chưa bù hết lỗ. Ở góc độ quản lý, một số người nhìn nhận khi hầu hết hàng hóa đang vận hành theo cơ chế thị trường thì việc tăng hay giảm giá phụ thuộc rất lớn vào cung – cầu. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay khi nhiều mặt hàng đã thiết lập mặt bằng giá mới thì việc giảm giá sau khi xăng dầu hạ nhiệt là rất khó. Đây là nghịch lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng – Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng – bày tỏ đáng tiếc hiện nay tình trạng chung giá cả hàng hóa “cứ lên là không xuống”. “Đứng về mặt công bằng xã hội là không ổn vì khiến đời sống người tiêu dùng thêm căng thẳng”, ông Hùng nhấn mạnh.
Chị Nguyễn Ngọc Trâm (P.7, Q.3) kể lại: “Ngày 14-7, tôi quay lại Trung tâm bảo hành máy tính Phong Vũ (Q.3) lấy máy. Tôi phải thanh toán hóa đơn gần 1 triệu đồng cho linh kiện và phí dịch vụ sửa màn hình laptop. So với trước đó khoảng 6 tháng, cũng sửa màn hình nhưng tôi chỉ trả bằng 1/2 số tiền này. Tôi thắc mắc vì sao giá cao hơn gần gấp đôi so với trước đó dù lỗi máy tính 2 lần đều giống nhau là hở góc màn hình thì nhân viên trung tâm giải thích giá cả các loại linh kiện tăng, cước vận chuyển tăng do xăng dầu tăng bắt buộc phí sửa chữa phải tăng…”. |
Theo ông Hùng, giá xăng dầu đã giảm một mức, theo lẽ tự nhiên hàng hóa khác cũng phải giảm nhưng điều này không xảy ra. Xăng dầu tăng giá kéo theo giá cả hàng loạt hàng hóa khác tăng theo khiến người tiêu dùng chịu nhiều thiệt thòi vì túi tiền bỏ ra nhiều hơn và chỉ còn biện pháp “thắt chặt hầu bao, hạn chế chi tiêu”. Trong bối cảnh này, vai trò của Nhà nước là phải quan tâm, có giải pháp kéo giá cả hàng hóa trên thị trường xuống, nhất là những mặt hàng liên quan xăng dầu để giảm ảnh hưởng đến đời sống người tiêu dùng.
Về chính sách bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Hùng cho biết, theo Chỉ thị 30 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Công thương làm đầu mối cùng các bộ ngành liên quan, kể cả Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã hoàn thành đề án sửa đổi luật, đang trình Chính phủ thông qua để tiếp tục trình Quốc hội.
“Chúng tôi kỳ vọng việc sửa đổi luật lần này nếu được Quốc hội thông qua sẽ có nhiều thay đổi phù hợp và đi vào cuộc sống để quyền lợi người tiêu dùng được bảo vệ tốt hơn”, ông Hùng cho hay.
Minh Phương
Bình luận (0)