Trưa 11/4, giá xăng A92 tiếp tục tăng thêm 500 đồng/lít. Dù xăng tăng nhẹ nhưng cánh xe ôm, taxi mặt buồn hiu vì đồng tiền kiếm được sẽ bị giảm.
Tăng 500 đồng cũng đủ lo
Anh Trương Minh Thành và anh Nguyễn Văn Sáng, chạy xe ôm góc đường An Dương Vương – Nguyễn Duy Dương (Q.5, TP.HCM) tỏ ra bất ngờ và lo lắng khi biết tin xăng tăng lên 12.000 đồng/lít.
Anh Thành cho biết, với người khác, xăng tăng vài trăm đồng chẳng đáng kể nhưng đối với cánh chạy xe ôm, xăng chỉ nhích thêm một chút cũng khiến các anh lo lắng vì số tiền mình kiếm được sẽ bị… trừ bớt vào tiền xăng. “Xăng từ 11.000 đồng tăng 11.500 đồng rồi bây giờ là 12.000 đồng/lít nhưng tôi không dám tăng giá tiền. Người biết chuyện và theo dõi thông tin thường xuyên có thể cảm thông khi mình tăng giá xe ôm nhưng đối với các bà nội trợ tiết kiệm từng đồng tăng thêm vài ngàn đồng cũng là chuyện lớn” – anh Thành bày tỏ.
Mỗi lần giá xăng lên, dù ít hay nhiều cánh xe ôm đều lo. Khách đi xe ôm đa số biết hết giá cả, chỉ cần tăng lên 1.000 đồng – 2.000 đồng/cuốc là họ có thể bỏ xe ôm chọn phương tiện khác. Không ít lần các anh phải giải thích khan cả tiếng cho khách hiểu việc tăng giá xe là do xăng tăng nhưng rồi lại… chạy giá cũ.
Ông Mai Tuấn Dũng, nhà ở phường 21, quận Bình Thạnh, chạy xe ôm trước cổng công viên Tao Đàn cho biết, không ít lần ông phải năn nỉ, giải thích mà khách vẫn cằn nhằn, khó chịu bỏ đi vì chê đắt.
“Có lúc giá xăng lên 19.000 đồng/lít tôi vẫn phải cắn răng chở khách đi với giá cũ để giữ mối. Ban đầu khách không chịu giá mới, tôi không chạy nhưng khách bỏ đi hoài cũng không được nên đành phải chở. Một số người nghĩ đơn giản xăng tăng 500 đồng – 1.000 đồng không đáng nhưng tụi tui lo sốt vó vì mấy đồng lẻ đó” – chú Dũng nói.
Tương tự, tài xế taxi cũng buồn ra mặt trước tin xăng lên giá.
Tài xế taxi phần lớn sống bằng phần trăm lợi nhuận từ số tiền chở khách hằng ngày. Khi giá xăng tăng họ phải bỏ tiền túi ra để bù vào tiền chênh lệch.
Anh Trần Phương, tài xế taxi của Petrolimex cho biết, mỗi ngày anh đổ khoảng 25 lít xăng để chở khách, nghĩa là chỉ cần xăng lên 500 đồng/lít anh sẽ lỗ 12.500 đồng/ngày. “Định mức doanh thu là cố định nên xăng tăng giá anh em tài xế sẽ phải chịu lỗ. Muốn thay đổi định mức cũng phải vài tháng nên tụi tui đành “chịu trận” – anh Phương cho biết.
Ông Võ Ba, Giám đốc Future Taxi nói việc tài xế taxi phải chịu thiệt khi xăng tăng giá là có thật. Tuy nhiên, ông Ba giải thích từ lúc xăng lên 19.000 đồng/lít công ty có điều chỉnh phần trăm doanh thu cho các anh em tài xế nên việc “lỗ” của tài xế Future Taxi là không đáng kể. "Trong thời gian tới công ty sẽ xem xét để thay đổi phần trăm lợi nhuận cho các tài xế vì hiện tại mỗi ngày công ty mất khoảng 6 triệu đồng từ việc tăng 500 đồng/lít xăng".
Xăng tăng, mua gạo dự trữ
Người dân tại TP.HCM có đủ kinh nghiệm ứng phó với việc giá xăng tăng giảm thất thường.
Chiều 11/4, theo ghi nhận của VietNamNet tại một số cây xăng trên đường Trần Phú (Q.5), Hai Bà Trưng (Q.1), Paster (Q.3)… phần lớn khách đổ xăng có vẻ không chú ý đến việc xăng tăng giá.
Khi được hỏi giá xăng lên 12.000 đồng/lít ảnh hưởng gì đến việc đi lại và cuộc sống, nhiều người cho rằng “không đáng là bao” vì họ đã… quen với việc xăng lên xuống thất thường.
Chị Ngọc Hiền, nhà ở đường Cao Lỗ, Q.8 cho biết chỉ sợ xăng lên 19.000 đồng/lít như trước đây chứ xăng 12.000 đồng người dân vẫn chấp nhận được.
Theo anh Lê Tấn Tài, nhân viên cửa hàng xăng dầu Petrolimex số 102 Trần Phú, P.4, Q.5, hầu hết khách vào đổ xăng đều không để ý đến giá tăng. Từ lúc xăng ở mức 11.000 đồng/lít và bây giờ 12.000 đồng/lít chưa thấy khách than phiền hay thắc mắc.
Nhiều người dân không để ý giá xăng đã tăng. Ảnh: Thái Phương
|
Một bộ phận người dân xem việc tăng giá xăng là không đáng kể. Mối lo của họ là gạo sẽ tăng vì thế không ít người lo xa đã mua gạo dự trữ phòng giá gạo tăng "hùa" theo xăng.
Chị Lê Thị Thanh, công nhân một công ty may mặc ở Q.7 nói chị đang mua gạo về dự trữ. Chị kể, trước đây chị cũng nghĩ giá xăng lên 1.000-2.000 đồng không lo vì chị ít đi xe máy. Vậy mà ngay sau đó giá gạo sốt lên gần 20.000 đồng/kg làm ai cũng trở tay không kịp.
Tuy nhiên, không phải người dân nào cũng xem việc xăng tăng thêm 500 đồng/lít là "chuyện nhỏ".
Anh Nguyễn Văn, cán bộ làm việc tại Q.10 cho biết công việc của anh liên quan đến các dự án rừng. Anh thường xuyên phải đi công tác xa bằng xe máy cả tháng trời nên giá xăng ảnh hưởng không nhỏ đến túi tiền của một viên chức quèn như anh.
Thái Phương (Vietnamnet)
Bình luận (0)