Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em phụ nữ nhất là những người có vóc dáng và khuôn mặt khiếm khuyết. Tuy nhiên, với mong muốn đẹp nhanh và thiếu hiểu biết nên gần đây có người phải nhập viện trong tình trạng mù mắt, đột quỵ do biến chứng từ việc tùy tiện bơm chích chất làm đầy.
Bệnh nhân nữ tên L. điều trị tại BV Nhân dân 115 (ảnh BV cung cấp) |
Theo BS Phạm Thị Việt Dung – Khoa Tạo hình thẩm mỹ (BV Xanh Pôn), khi tiêm trúng vào mạch máu, chất làm đầy (filler) có thể gây thuyên tắc động mạch mắt gây mù mắt và đột quỵ nếu thuyên tắc động mạch máu não.
Biến chứng từ chất làm đầy
Cuối tháng 9 năm nay, BV Chợ Rẫy tiếp nhận một ca bị hoại tử môi và mặt bị biến dạng do tiêm silicon. Theo lời kể của người nhà, vốn tự ti với đôi môi mỏng của mình nên cô H. 23 tuổi ngụ ở Q.3 đến bơm môi tại một tiệm spa từ giới thiệu của người quen. Sau hơn 1 tháng khi soi gương thấy môi dưới sùi lên nhiều nốt trắng rất lạ, cô H. gọi điện thắc mắc thì được khuyên là dùng thức ăn mát để thanh lọc cơ thể sẽ hết. Tuy nhiên sau đó một tuần đôi môi lại bắt đầu sưng to mọng đỏ, mưng mủ và chảy dịch do vỡ loét. Trước đó một bệnh nhân (BN) nữ 34 tuổi cũng phải nhập viện vì biến chứng chất làm đầy khi nâng mũi tại một spa gần nhà. Theo lời kể của BN, thời gian đầu sau khi bơm chất làm đầy môi căng mọng như ý muốn tuy nhiên sau đó có triệu chứng bất thường như nổi cục lồi lõm, miệng bị lệch sang một bên. Nguy hiểm hơn là tình trạng đột quỵ, liệt nửa người của một BN nữ tên L. SN 1994 ở Q.6 do tiêm chất làm đầy với mục đích nâng mũi cao hơn. Khai báo với các BS Khoa Bệnh lý mạch máu não (BV Nhân dân 115 TP.HCM ), L. cho biết sau khi học lớp thẩm mỹ cô gái 22 tuổi đã “thực hành tại chỗ” bằng cách nhờ người khác bơm chất làm đầy để nâng cao mũi. Hậu quả là sau khi ngấm chất làm đầy, mắt L. bị mờ dần, tay chân bên phải yếu hơn trước. Lo sợ bị biến chứng nhân viên tại cơ sở thẩm mỹ đã đưa BN đến BV Nhân dân 115 TP.HCM để khắc phục sự cố.
Như vậy ngoài việc bơm môi để tìm vẻ đẹp cấp tốc cho khuôn mặt của mình, nhiều phụ nữ còn nuôi hy vọng nâng mũi bằng chất làm đầy mà không cần phẫu thuật. Mong muốn của họ là khắc phục được những khuyết điểm vốn có từ cha sinh mẹ đẻ để tự tin hơn với những nét đẹp mới dù đó là “hàng giả”. Cũng có người dù đã là người hoàn hảo về nhan sắc nhưng vẫn chưa bằng lòng khi so sánh vẻ đẹp của diễn viên, nghệ sĩ nên sẵn sàng bỏ ra một khoản tiền để “y sao bản chính” cho thật giống thần tượng. Theo TS.BS Nguyễn Huy Thắng – Trưởng khoa Bệnh lý mạch máu não (BV Nhân dân 115) chất làm đầy (filler) là một chất được tiêm vào cơ thể người có nhu cầu làm đẹp bằng phương pháp không xâm lấn. Mục đích của filler là làm phẳng da hay tăng thể tích của một bộ phận nào đó trong thời gian ngắn. Sở dĩ hiện nay nhiều người hào hứng với phương pháp filler là do ưu điểm cho hiệu quả tức thì, không cần đụng dao kéo. Nhưng thực tế cho thấy, filler chỉ có hiệu quả trong vòng 4-6 tháng. Muốn duy trì kết quả, cần tiếp tục điều trị, giá mỗi lần thực hiện khoảng 10-20 triệu đồng.
“Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”
BS Việt Dung cảnh báo, hiện nay việc bơm chất làm đầy được chia làm 2 nhóm: nhóm được cấp phép và nhóm không được cấp phép. Chính vì không được cấp phép nên các cơ sở làm chui do các nhân viên thiếu tay nghề và cả bằng cấp để bơm chất làm đầy. Nhưng trường hợp bị biến chứng xảy ra nếu nhẹ thì viêm loét, mưng mủ còn nặng thì bị tai biến, đột quỵ do chất làm đầy chảy tràn vào mạch máu gây tắc nghẽn động mạch. Với các chị em, cái kết thường gặp là mũi bị sưng to, môi hoại tử, ngực nhiễm trùng, biến dạng tuyến sữa… Nhiều trường hợp phải cắt bỏ hoàn toàn phần ngực và tái tạo bộ phận mới. Còn với đàn ông, đa phần dùng filler tiêm vào dương vật nhằm tăng kích thước để thể hiện bản lĩnh. Hậu quả khiến bộ phận này gặp phản ứng viêm, nhiễm trùng, phải cắt bỏ.
Theo BS Dung, dù được khuyến cáo thường xuyên nhưng nhiều người nhất là chị em phụ nữ vẫn làm là do nhu cầu làm đẹp tăng và nghĩ việc tiêm chích dễ thực hiện, ít bị xâm lấn. Các cơ sở thẩm mỹ, tiệm spa sẵn sàng nhận lời với khách hàng bởi cách kiếm tiền nhẹ nhàng và khách hàng lại dễ nghe theo. Muốn phòng tránh được các hậu họa do làm đẹp từ chất filler, các BS thẩm mỹ phải được đào tạo bài bản, có giấy phép hành nghề theo quy định từ ngành y tế. Những cơ sở làm chui do tay nghề kém nên tỷ lệ biến chứng như sưng mắt mũi, đột quỵ tăng. Thay vì đến các cơ sở thẩm mỹ và spa không có chức năng, khách hàng phải tìm đến những phòng khám thẩm mỹ uy tín. Lúc thực hiện nên biết cơ sở thẩm mỹ đó tiêm chất gì, được cấp phép hay bị cấm và ai là người thực hiện cho mình. Nguy hiểm hơn có người còn tin theo quảng cáo trên mạng mà không cần biết thực hư thế nào khi làm đẹp – BS Việt Dung khuyến cáo.
Theo lời khuyên của các chuyên gia thẩm mỹ, tốt nhất là không nâng mũi hay làm đẹp với filler vì hiệu quả thấp mà biến chứng lại cao. Trước khi phẫu thuật thẩm mỹ, khách hàng cần tìm gặp BS uy tín, có tay nghề để được tư vấn kỹ và đi đến quyết định cuối cùng cũng giống như uống thuốc: “Đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng”.
Ngọc Quang
Bình luận (0)