Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xây bể chứa thu gom nước mưa?

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiều ý kiến đồng tình xây bể chứa nước ngầm nhưng bể đó phải chứa nước mưa, nước chưa qua xử lý thì sẽ phát huy tác dụng, hạn chế tốn kém chi phí đầu tư cũng như quỹ đất ngầm.

Theo Sawaco, các thủy đài hình nấm tại TP.HCM sẽ phá dỡ để xây bể chứa nước ngầm

Bể chứa nước ngầm ở công viên lớn thuộc TP.HCM đã được đề cập đến từ lâu, song vẫn chỉ là… kế hoạch. Nhiều năm nay, ý tưởng cải tạo, xây dựng các bể chứa ngầm cũng là một trong những đề tài được các nhà khoa học đặc biệt quan tâm bởi tính khả thi và cơ sở pháp lý của nó.

Ủng hộ xây bể chứa

Mới đây, Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco) cho biết sẽ thực hiện bể chứa nước ngầm nhằm khắc phục những bất cập trong cấp nước hiện nay. Dự kiến sắp tới đây, Sawaco sẽ xây dựng các bể chứa nước ngầm tại các công viên và tại vị trí của thủy đài hình nấm bỏ hoang nhiều năm. Trước hết, thủy đài hình nấm nằm trên đường 3-2 (Q.10) sẽ được tháo dỡ và thực hiện xây bể ngầm trong tháng 7 này.

Giải pháp bể chứa ngầm tại TP.HCM được các chuyên gia, nhà khoa học ủng hộ vì sẽ tiết kiệm quỹ đất, không gian và cũng là một hành động ứng phó với biến đổi khí hậu ngày một diễn biến bất thường.

Tiến sĩ Nguyễn Minh Hoàng (Liên hiệp Các hội KHKT TP.HCM) chia sẻ, việc Sawaco triển khai xây dựng bể chứa nước ngầm trước mắt là khắc phục được những bất cập trên mạng lưới cấp nước tại TP.HCM. Thực tế lâu nay, một số địa phương vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu nước sạch hoặc nước cung cấp rất yếu. Hiện nhà máy nước của TP đặt tại Thủ Đức, Củ Chi thì khu vực cuối nguồn như Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè… tình trạng nước yếu là không tránh khỏi. Vì vậy, xây dựng bể ngầm phục vụ nguồn nước cho các địa phương này là thật sự cần thiết.

Tiến sĩ Hoàng cũng phân tích, nước mạnh hay yếu ở đầu và cuối nguồn cũng cho chất lượng nguồn nước không như nhau. Ông đưa ra ví dụ, nước ở đầu nguồn thường thừa hóa chất diệt khuẩn, còn ở cuối nguồn thì thiếu. “Với điều kiện về mạng lưới cấp nước của TP.HCM hiện nay, ý tưởng về bể chứa ngầm này có đủ cơ sở pháp lý và chắc chắn sẽ thành công, tuy nhiên cần nghiên cứu kỹ về quy mô cũng như hình thức đầu tư”, ông Hoàng lưu ý.

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng giám đốc Sawaco cũng cho biết, các bể ngầm này sẽ có hệ thống bơm, kết nối với các đường ống, là trạm bổ sung hóa chất diệt khuẩn nhằm khắc phục tình trạng thiếu thừa hóa chất diệt khuẩn như lâu nay. Ông Giang thông tin thêm, hiện Sawaco đang hoàn tất các thủ tục trình Chính phủ để có thể bổ sung, điều chỉnh lại quy hoạch cấp nước của TP.HCM đến năm 2025 đã được phê duyệt trước đó.

Phải là bể thu gom nước mưa

Với diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu tại Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng, các nhà khoa học lo lắng về áp lực liên quan đến tài nguyên nước trong những năm tới. TP.HCM sẽ có nguy cơ thiếu nước ngọt cung cấp cho các công trình cấp nước TP khi nước sông Đồng Nai, Sài Gòn bị mặn xâm nhập… Vì vậy, bể chứa nước ngầm là một trong những biện pháp khá an toàn trước tình hình thiếu hụt tài nguyên nước mà thế giới đã cảnh báo.

Bà Lê Ánh Ngọc (Phân viện Khoa học Khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu) đưa ra hướng khắc phục về cấp nước trước tình hình biến đổi khí hậu với các giải pháp như: Đảm bảo an ninh nguồn nước cấp; Đa dạng hóa các nguồn dự trữ nước cấp; Hạn chế khai thác tài nguyên nước ngầm, giảm sụt lún đất; Thúc đẩy các cơ chế quản lý nguồn nước liên vùng; Nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong quá trình xử lý và phân phối nước; Tăng cường khả năng chống chịu của mạng lưới cấp nước trước các điều kiện thời tiết khắc nghiệt… Để thực hiện tốt các giải pháp này, TP.HCM phải giảm thất thoát nước xuống dưới 25%, xây hồ xử lý nước thô, tiền xử lý nước, thu gom tái sử dụng nước mưa, quy hoạch đất xây dựng hồ trữ nước thô… “Bể chứa ngầm của Sawaco phải là bể chứa nước thô, thu gom nước mưa thì mới đạt hiệu quả kinh tế, xã hội”, bà Ánh khẳng định.

Kiến trúc sư Phan Trọng Bình (TP.HCM) cho biết, tại các nước phát triển, bể chứa nước ngầm là một trong những điều kiện để hình thành khu quy hoạch. Tuy nhiên, TP.HCM cũng cần cân nhắc kỹ với các bể chứa có dung tích nhỏ vừa xây dựng tốn kém lại không đạt hiệu quả phục vụ. “Nếu đầu tư bể chứa nước thì bể phải đạt từ 5.000m3 trở lên”, ông Bình nói.

Cùng quan điểm với bà Ánh, ông Bình băn khoăn là sẽ không giải quyết được vấn đề gì nếu đây hoàn toàn là những bể chứa nước sạch đã qua xử lý. Ông Bình tiếp: “Nó phải là những hồ dự trữ nguồn nước trước khi xử lý (nước mưa chẳng hạn), bởi nước sạch mà dự trữ lâu thì chất lượng của nó cũng giảm”.

Bài, ảnh: T.Anh

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)