Tạp Chí Giáo Dục TP.Hồ Chí Minh
Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xây dựng chiến lược riêng để tạo bản sắc, thu hút học sinh trong tuyển sinh

Tạp Chí Giáo Dục

Nhiu trưng hc khu vc ni thành, trung tâm thành ph, đang xây dng chiến lưc riêng đ to bn sc, thu hút hc sinh trong tuyn sinh.

Nhiều trường học ở nội thành đang thay đổi chiến lược để tạo thương hiệu riêng nhằm thu hút học sinh

Nếu như cách đây 5 năm, các trường học ở khu vực trung tâm thành phố luôn được xem là “điểm nóng” trong tuyển sinh đầu cấp khi số học sinh có mong muốn nguyện vọng học tại trường luôn vượt gấp nhiều lần so với chỉ tiêu tuyển sinh thì vài năm trở lại đây, thực tế tuyển sinh lại trái ngược lại.

St gim gn 1/3 sĩ s

Nhiều năm trước, Trường Tiểu học Phan Văn Trị (quận 1) dù không thực sự quá “hot” song khu vực giao thông thuận tiện, địa bàn dân cư đã tạo sức hút trong tuyển sinh cho trường. Thời điểm đông học sinh nhất, trường với sĩ số gần 1.500 học sinh. Tuy nhiên, chỉ sau vài năm sụt giảm, hiện nay sĩ số học sinh toàn trường là 500 em. So với tổng diện tích sàn của trường thì tương đương 25m2/học sinh, vượt xa so với chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT (tối thiểu 10m2/học sinh), sĩ số học sinh dao động 25 em/lớp.

Tương tự, tại Trường Tiểu học Hòa Bình (quận 1), thời điểm này trường vẫn còn dư đến 5 phòng học do… 3 năm liên tiếp tuyển không đủ chỉ tiêu lớp 1. Từ con số hơn 1.400 học sinh vào những năm 2020, năm học 2024-2025 trường chỉ còn 770 học sinh và 25 lớp.

Tuyển không đủ chỉ tiêu hiện đang là thực trạng ở nhiều trường học tại các khu vực trung tâm thành phố trong vài năm trở lại đây. Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM trong 2 năm liên tục, năm học 2023-2024 và năm học 2024-2025, các địa bàn trung tâm đang trong thực trạng tỷ lệ học sinh nhập học thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh.

Trong đó, riêng quận 1, năm học 2023-2024, tỷ lệ học sinh nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh ở bậc mầm non chỉ đạt 88,07%, lớp 1 đạt 67,7% và lớp 6 đạt 85,49%. Đến năm học 2024-2025, tỷ lệ này tính chung ở các bậc học còn là 64,06%.

Kế đó là quận 4, tỷ lệ trong năm học 2023-2024 lần lượt là 86,94% với mầm non, 70,36% với lớp 1 và 89,13% với lớp 6; Năm học 2024-2025, tỷ lệ chung là 64,94%.

Ở quận 3, tỷ lệ học sinh nhập học so với chỉ tiêu tuyển sinh chỉ đạt 52,67% trong năm học 2024-2025. Các quận huyện như quận 6, 5, Phú Nhuận… cũng chung thực trạng tương tự.

Theo thầy Lê Hồng Thái – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phan Văn Trị, thực trạng sụt giảm sĩ số học sinh của trường cũng như địa bàn nhiều quận trung tâm đến từ nhiều nguyên nhân, từ việc địa bàn ít học sinh trong độ tuổi, cho đến sự phát triển đồng đều về chất lượng giáo dục ở nhiều khu vực khác đã thay đổi quan điểm phụ huynh trong việc tìm trường học cho con.

Trước đây phụ huynh thường có quan điểm quận 1 hay một số quận trung tâm là chất lượng giáo dục sẽ tốt nhất. Vì thế nhiều phụ huynh dù ở các quận huyện xa nhưng vẫn tìm cách để xin cho con được học ở trường học tại quận trung tâm. Song hiện nay, phụ huynh thường chọn cho con học ở trường gần nhà, vì chất lượng giáo dục gần như đã không còn khoảng cách giữa các quận, huyện, mà việc học ở gần nhà giúp phụ huynh thuận lợi hơn trong đưa đón, con có điều kiện tốt hơn để rèn luyện, vui chơi cùng gia đình vì đỡ mất thời gian di chuyển xa xôi…

Thay đi chiến lưc đ to thương hiu riêng

“Nghĩ khác, làm khác” là khẩu hiệu của Trường Tiểu học Phan Văn Trị trong năm học 2024-2025, trước thực trạng chỉ tiêu tuyển sinh của trường vài năm nay sụt giảm, không đủ chỉ tiêu đặt ra.

Thầy Lê Hồng Thái – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, sĩ số học sinh ngày càng ít khiến nhà trường rất vất vả trong việc huy động các nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất, xây dựng chiến lược, bắt buộc trường phải thực hiện xã hội hóa. Trong khi đó, để có thể xã hội hóa được thì phải có sự đồng thuận, chia sẻ từ phía phụ huynh, phải để phụ huynh thấy được sự thụ hưởng của con trong hoạt động giáo dục của nhà trường.

“Nghĩ khác, làm khác – tức là từ đội ngũ cán bộ quản lý cho đến giáo viên phải dám bước ra ngoài vùng an toàn để dám bứt phá trong cách tổ chức các hoạt động giáo dục và rèn luyện. Phải mạnh dạn đổi mới trong dạy học, kiểm tra đánh giá, tổ chức hoạt động giáo dục, tạo nét riêng biệt cho nhà trường. Chỉ có thể thông qua những đặc trưng riêng có của trường thì mới có thể giữ chân học sinh ở lại trường và thu hút học sinh trong tuyển sinh” – thầy Thái nói.

Trước thực tế không tuyển đủ chỉ tiêu tuyển sinh trong vài năm liên tiếp, năm học này Trường Tiểu học Hòa Bình, quận 1 đã thực hiện thay đổi chiến lược tuyển sinh nhằm quảng bá hình ảnh và thu hút học sinh.

Cô Tống Thị Mai Hương – Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bình cho biết, năm học 2022-2023, trường có 29 lớp – được xếp vào trường loại 1 song đến năm học 2023-2024 chỉ còn có 27 lớp do không tuyển đủ lớp 1 đầu vào, và đến năm học 2024-2025 thì số lớp còn có 25 lớp.

“Hiện nay trường đã xây dựng kế hoạch để giới thiệu, quảng bá trường rộng rãi đến đông đảo phụ huynh từ việc thiết kế tờ rơi về thông tin tuyển sinh, cơ sở vật chất của trường cho đến việc đến các trường mầm non trong khu vực quận để tổ chức hoạt động 1 ngày làm học sinh tiểu học cho trẻ biết về trường nhiều hơn. Nhà trường hy vọng đến năm học 2025-2026, sĩ số học sinh sẽ kéo lên 28 lớp để đảm bảo các hoạt động giáo dục” – cô Hương bày tỏ.

Dù là trường chuẩn quốc gia, cơ sở vật chất rất… xịn sò như sân bóng, khu chơi cát, chơi nước… song Trường Mầm non Sơn Ca 14, quận Phú Nhuận cũng rơi vào tình cảnh tuyển không đủ số trẻ. Cô Lê Cẩm Linh – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, đầu năm số trẻ nhập học rất… lèo tèo nhất là ở lứa tuổi từ 6-18 tháng. Đầu năm có khi chỉ nhận được 5, 6 trẻ nhưng lớp vẫn phải đảm bảo có 2 cô chăm trẻ. “Nhà trường đã phải kiến nghị Phòng GD-ĐT cho nhận trái tuyến và tuyển sinh liên tục trong cả năm thì mới có thể có trẻ đến trường…”.

Một lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM thừa nhận thực trạng nhiều địa bàn trung tâm thành phố đang dần… ế học sinh khi vài năm trở lại đây tỷ lệ học sinh nhập học thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu tuyển sinh. Các địa bàn như quận 1, quận 3 trong năm học 2024-2025 chỉ tuyển được trên 50% so với chỉ tiêu, phần nào gây khó khăn cho trường trong tổ chức hoạt động giáo dục, bị động trong xây dựng chiến lược giáo dục.

Vị này phân tích: Từ sau dịch Covid-19 đã tác động đến biến động sĩ số học sinh ở nhiều địa bàn, đặc biệt là các địa bàn trung tâm. Bên cạnh đó, sự đồng đều về chất lượng giáo dục ở nhiều địa phương đã góp phần giữ chân phụ huynh địa phương cho con em theo học. Đặc biệt, việc TP.HCM thực hiện tuyển sinh theo tiêu chí về nơi ở hiện tại, phân bổ trường học theo địa bàn gần nhà tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phụ huynh học sinh cũng đã góp phần thay đổi tư duy, quan điểm của phụ huynh trong chọn trường học cho con.

Vài năm trước, có khi phụ huynh ở quận 8, Thủ Đức, Gò Vấp cũng phải tìm nhiều cách để cho con được học ở các trường điểm tại quận 1, quận 3. Thế nhưng hiện nay, quận nào cũng có những trường xây dựng theo hướng trường tiên tiến, hội nhập và hầu hết các trường học trên địa bàn từng quận huyện đều nỗ lực xây dựng chiến lược phát triển đặc thù của trường, do đó đã thu hút và giữ chân được học sinh.

“Trước thách thức hiện nay đòi hỏi từng trường phải xây dựng được những nét riêng bứt phá của từng trường về chiến lược giáo dục, chương trình hoạt động giáo dục để nâng cao chất lượng giáo dục, tạo môi trường để học sinh được trải nghiệm. Có như vậy mới tạo ra sức hút riêng trong tuyển sinh” – lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM nhấn mạnh.

Đ Giang Quân

Bình luận (0)