Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết sẽ tham mưu chính sách đãi ngộ cho ứng viên ở xa về tham gia tuyển dụng ở các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa, nhằm thu hút viên chức về tuyển dụng, đặc biệt là vị trí giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất.
Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ thực hiện phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên tiểu học từ nơi thừa sang nơi thiếu để giải bài toán thiếu giáo viên.
Năm học 2024-2025, TP.HCM cần tuyển 1.386 giáo viên tiểu học ở 21 quận, huyện và TP.Thủ Đức. Nhằm đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp trong năm học mới, song song với triển khai sớm công tác tuyển dụng từ các địa phương, ông Nguyễn Bảo Quốc – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết, TP.HCM xây dựng linh hoạt các giải pháp bố trí, sử dụng giáo viên…
Trong đó Sở GD-ĐT TP.HCM sẽ tích cực tham mưu chính quyền địa phương ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, để quan tâm, chăm lo đội ngũ giáo viên tương xứng với vai trò và tầm quan trọng của giáo viên trong sự nghiệp giáo dục. Đặc biệt là chính sách đãi ngộ cho ứng viên ở xa về tham gia tuyển dụng vị trí công tác đối với các vùng còn gặp khó khăn ở các huyện ngoại thành, vùng sâu, vùng xa để thu hút viên chức về tuyển dụng, đặc biệt là vị trí giáo viên tiếng Anh, tin học, mỹ thuật, âm nhạc, giáo dục thể chất.
Bên cạnh đó, phối hợp tham mưu ban hành nghị quyết về chính sách đối với viên chức là giáo viên cấp tiểu học các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật trên địa bàn TP.HCM trước yêu cầu đổi mới giáo dục hiện nay khi triển khai Chương trình GDPT 2018; xây dựng định mức kinh tế, kỹ thuật, dịch vụ để hỗ trợ giáo dục tiểu học tại TP.HCM.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Bảo Quốc, Sở GD-ĐT TP yêu cầu phòng GD-ĐT tham mưu UBND TP.Thủ Đức và các quận, huyện tổ chức tuyển dụng giáo viên, thực hiện rà soát, bố trí, sử dụng giáo viên bảo đảm đủ giáo viên dạy đúng, đủ các môn học theo quy định; khắc phục tình trạng thiếu hoặc bố trí, sử dụng giáo viên không phù hợp với chuyên ngành đào tạo đối với cấp tiểu học; thực hiện phương án điều chuyển, biệt phái giáo viên từ nơi thừa sang nơi thiếu; thực hiện các giải pháp để bảo đảm có đủ giáo viên dạy học các môn tiếng Anh, môn tin học theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT.
Chủ động xây dựng các phương án để có nguồn tuyển dụng giáo viên tại địa phương thông qua hình thức đào tạo mới, đào tạo lại, đào tạo liên thông; đào tạo nâng trình độ chuẩn và một số giải pháp khác phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.
Đối với các trường liên cấp tiểu học – THCS, cần thực hiện biên chế cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên đảm bảo cơ cấu, thành phần, số lượng theo các quy định. Trong đó bố trí giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp đảm nhiệm dạy học phù hợp cho từng cấp học và phân công, sử dụng cán bộ quản lí, giáo viên, nhân viên rõ ràng, hợp lí đảm bảo hiệu quả hoạt động của tổ bộ môn, quy chế sinh hoạt chuyên môn, nhà trường.
Năm học 2023-2024, bậc tiểu học TP.HCM có nhu cầu thực tế cần tuyển 2.228 giáo viên, song chỉ tuyển được 999 giáo viên, thiếu 1.229 giáo viên, thiếu chủ yếu ở các môn học ngoại ngữ, tin học, giáo dục thể chất, âm nhạc, mỹ thuật.
Tuy vậy, thực tế tuyển dụng này kéo dài từ năm học 2018-2019 đến năm học 2023-2024 khi tính trong 5 năm liên tục, TP.HCM chỉ tuyển được 62,88% nhu cầu tuyển dụng thực tế đối với giáo viên tiểu học, và là một trong những khó khăn của TP khi thực hiện nhiệm vụ giáo dục bậc tiểu học.
Yến Hoa
Bình luận (0)