Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xây dựng đề án phát triển GD-ĐT TP.HCM: Đặc biệt chú ý đến đào tạo nguồn nhân lực

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 8-9, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thị Thu đã có buổi làm việc với lãnh đạo Sở GD-ĐT TP để nghe báo cáo đề cương “Đề án tổng thể phát triển GD-ĐT TP đến năm 2020 – tầm nhìn đến năm 2030”.

Hạn chế lớn nhất của ngành giáo dục TP hiện nay là quá tải trường lớp. Ảnh: Q.Huy

Tại đây, TS. Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở GD-ĐT TP – cho biết, đề cương của đề án được lấy ý kiến của các sở ngành liên quan.

Mục tiêu của đề cương là xây dựng ở góc độ giáo dục (GD) phổ thông và GDNN, hướng tới GDĐH nhằm góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Sau khi được TP phê duyệt, Sở GD-ĐT TP sẽ làm việc với các chuyên gia trong và ngoài nước. Trong đó, ưu tiên các chuyên gia ở những nước có nền GD phát triển tiên tiến, tương đồng về GD với Việt Nam để lấy ý kiến phản biện, xây dựng hoàn chỉnh đề án.

Báo cáo cụ thể, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT – nêu rõ, đề cương xây dựng trong khuôn khổ các trường thuộc Sở GD-ĐT quản lý, không bao gồm các trường ĐH và các trường trực thuộc Sở LĐ-TB&XH. Cụ thể từng mục của đề cương, bao gồm đánh giá về cơ sở vật chất, trường lớp, đội ngũ nhà giáo… dựa trên mục tiêu tổng quát của GD cả nước và mục tiêu riêng về GD-ĐT của TP.HCM. Theo đó, GD-ĐT TP tầm nhìn đến năm 2030 sẽ phát triển như thế nào về cơ sở vật chất; trường lớp; đội ngũ cán bộ quản lý; nhà giáo và mục tiêu cụ thể của các bậc học theo từng năm. Đưa ra các giải pháp cho các cấp học, bậc học, kinh phí, nguồn nhân lực…

Đại diện Sở Kế hoạch – Đầu tư góp ý thêm, Sở GD-ĐT cần xác định rõ đề cương này làm theo dạng đề án gì? Đề án đặc thù hay đề án quy hoạch tổng thể phát triển ngành? Nếu làm theo đề án quy hoạch, Sở GD-ĐT cần bám theo Thông tư 01…

Từ các ý kiến này, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Thu khẳng định, đây là một đề án lớn và đặc biệt quan trọng của TP. Vì vậy, Sở GD-ĐT cần phải rà soát lại thật kỹ, bổ sung các con số từ trường lớp, giáo viên, cán bộ quản lý đến tỷ lệ các trường lớp được đầu tư xây mới trong từng giai đoạn đã đạt được bao nhiêu phòng học mới, có nhà vệ sinh đạt chuẩn cho giáo viên và học sinh hay không? Riêng về khối các trường ĐH, trong đề cương cần có chuyên đề riêng vì khối này khác với GD phổ thông. Phải có được số liệu so sánh 5-10 năm trước GDĐH phát triển như thế nào và trong giai đoạn hiện nay ra sao? Bên cạnh đó, trong đề cương cũng phải nêu được những hạn chế, khó khăn mà GD-ĐT TP đang gặp từ phân cấp quản lý khối phòng GD của các quận, huyện đến việc số trường ngoài công lập tăng nhưng tỷ lệ đạt chuẩn không cao…

Bà Thu lưu ý: “Trong đề cương, Sở GD-ĐT phải đặc biệt chú ý tới mục đào tạo nguồn nhân lực cho TP, dành một mục riêng cho công việc này. Vì thành công của đề án phụ thuộc nhiều vào mục này. Bên cạnh đó, trong đề cương phải chú trọng tới các môn học chính khóa nhưng không thể tách rời môn lịch sử. Lịch sử phải là môn học chính khóa trong nhà trường phổ thông tại TP.HCM”.

Mặt khác, bà Thu cũng cho rằng, trong các nội dung của đề cương, Sở GD-ĐT chưa nêu rõ phần hạn chế, khó khăn. Do đó, sở cần phải phân tích cụ thể những khó khăn, hạn chế đang gặp phải. Giải pháp khắc phục và những phương án chi tiết cho các mục tiêu đề ra của GD-ĐT TP đến năm 2030. “Đề cương phải thực sự là “trí tuệ” của TP đô thị đặc biệt”, bà Thu nhấn mạnh.

Lê Quang Huy

Bình luận (0)