Chiều 26-9, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có buổi làm việc với UBND TP.HCM về công tác cải cách hành chính. Tại đây, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, các cấp, các ngành của TP đang ra sức xây dựng đội ngũ công chức hết sức tử tế với người dân…
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (bìa phải) trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho UBND TP.HCM vì những kết quả tích cực, xuất sắc trong cải cách hành chính. Ảnh: Q.Huy |
Xử lý nghiêm cán bộ hành dân
Về thái độ phục vụ của đội ngũ công chức, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến thừa nhận, vẫn còn một số tồn tại. Cụ thể, một số cán bộ, công chức, viên chức (CB-CC-VC) chưa làm hết trách nhiệm khi giải quyết công việc liên quan đến cá nhân, tổ chức, thậm chí còn thể hiện thái độ vô cảm, chưa đúng chuẩn mực. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, thanh tra công vụ và xử lý CB-CC có vi phạm pháp luật chưa thường xuyên, hiệu quả thấp.
Để khắc phục tình trạng này, theo ông Tuyến, TP.HCM đã đề ra mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử và xây dựng TP trở thành TP thông minh. Đến năm 2020, sẽ thực hiện 100% dịch vụ công cấp độ 4 (cấp độ thuận tiện nhất cho người dân khi làm các thủ tục – PV) và liên thông điện tử; tất cả các văn bản tại 24 quận, huyện đều thông qua mạng điện tử, không còn văn bản giấy. Đồng thời, UBND TP sẽ sớm đề xuất Ban Thường vụ Thành ủy xây dựng Đề án mô hình các dịch vụ trực tuyến (liên thông điện tử) theo hai giai đoạn (giai đoạn 2016-2018 và giai đoạn 2019-2020) để xây dựng bộ phận tiếp nhận và trả kết quả theo cơ chế một cửa liên thông điện tử TP theo từng nhóm ngành và lĩnh vực…
“Việc đề ra các giải pháp cải cách hành chính là rất cấp bách cho người dân TP hiện nay. Không chỉ trong y tế mà còn trong giao thông, giáo dục và nhiều lĩnh vực khác. Trọng tâm trong cải cách hành chính là tập trung cải cách hiệu quả thủ tục hành chính, xây dựng đội ngũ CC hết sức tử tế với dân. TP sẽ xử lý nghiêm những cá nhân, cơ quan, đơn vị tùy tiện ban hành những thủ tục gây khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Đồng thời, sẽ công bố, công khai các thủ tục hành chính bằng nhiều hình thức; nâng trách nhiệm xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân về quy định hành chính”, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Cần sự đột phá về tiền lương cho CC
Tại cuộc họp, Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng khẳng định: Để cải cách hành chính, TP sẽ kiên trì đề xuất với Chính phủ nhiều chính sách đột phá, trong đó tập trung về tiền lương và thu nhập. Hiện tại khối lượng công việc của CB-CC-VC TP gấp vài chục lần, thậm chí hàng trăm lần nơi khác nhưng tiền lương vẫn thế, trong khi yêu cầu là phải đáp ứng người dân, phải nhanh gọn, thuận tiện.
“Phải nâng tiền lương, thu nhập của người lao động lên thì công tác cải cách hành chính mới thành công. Và không chỉ ở TP.HCM mà cả nước cần phải đột phá tiền lương và thu nhập cùng với xã hội hóa dịch vụ công, chuyển cho doanh nghiệp làm nếu đáp ứng được, từ đây bộ máy Nhà nước sẽ được tinh giản, số lượng lương cũng giảm đi”, Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng phát biểu.
Từ thực tế và kiến nghị của TP.HCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình khẳng định, với những đột phá trong cải cách hành chính của TP.HCM đã góp phần phát triển kinh tế – xã hội TP và lan tỏa đến nhiều địa phương khác.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra những hạn chế của TP.HCM như chỉ số cải cách hành chính năm 2015 tụt hạng so với các năm trước, chỉ xếp thứ 18/63, giảm 12 bậc; việc tổ chức thực hiện thủ tục hành chính trong các lĩnh vực còn bất cập, nhất là trong lĩnh vực đất đai. Đặc biệt, việc thực hiện tinh giản biên chế còn chậm. 7 tháng đầu năm 2016 chỉ tinh giản 129 người. “UBND TP cần quán triệt và nghiêm túc thực hiện tinh giản biên chế theo chỉ đạo của Bộ Chính trị và quy định của Chính phủ”, Phó Thủ tướng chỉ đạo.
Cũng theo Phó Thủ tướng thì, TP.HCM cần đơn giản hóa và công khai thủ tục hành chính, nhất là những thủ tục liên quan đến người dân và doanh nghiệp; niêm yết thủ tục hành chính ở bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Thực hiện việc xin lỗi công dân đối với trường hợp hồ sơ trễ hẹn do lỗi của cơ quan hành chính và giải thích cụ thể với trường hợp trả lại hồ sơ. Và trên hết cần sớm khắc phục những nhược điểm, hạn chế trong thực hiện cải cách hành chính, nhất là về tinh thần trách nhiệm, kỹ năng tác nghiệp và thái độ ứng xử của CB-CC tại các bộ phận một cửa, một cửa liên thông; xử lý kịp thời vi phạm pháp luật…
Lê Quang Huy
Bình luận (0)