Thí sinh nghe phổ biến quy chế thi trong kì thi ĐH, CĐ 2014. Ảnh: L.Sâm
|
Một số thống kê cho thấy, nhiều năm qua, số học sinh (HS) đậu thủ khoa trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ thường là các em ở nông thôn. Có một số thủ khoa là con em trong các gia đình nghèo ở vùng sâu, vùng xa…
Nhiều người cho rằng HS ở tỉnh có nhiều động lực để học tập, nhằm vươn lên vượt qua hoàn cảnh, thoát khỏi cuộc sống khó khăn, để có thể giúp cho bản thân và gia đình có cuộc sống tốt hơn. Cũng có người nói, HS ở nông thôn ít chịu tác động, ảnh hưởng của lối sống đô thị, như thiên về tiêu dùng, hay bị các trò chơi lôi kéo, lại thường được gia đình quan tâm, kèm cặp nhiều hơn… Những ý kiến đó hẳn có nhiều điểm đúng nhưng không phải là đúng tất cả và để đi tìm câu trả lời đầy đủ, thỏa đáng về hiện tượng này cần có một sự nghiên cứu thấu đáo. Có như vậy mới có biện pháp tác động, giáo dục hợp lý và hiệu quả hơn.
Ở bài viết này, bằng góc nhìn của một người trưởng thành từ một HS ở nông thôn, tôi xin có một số trao đổi như sau:
Trước hết, có thể thấy động lực học tập của HS ở nông thôn thường cao hơn, tốt hơn HS ở đô thị. Dù cuộc sống đã được nâng lên rất nhiều nhưng ở nông thôn vẫn có một khoảng cách đáng kể so với thành thị, cả về phương diện vật chất lẫn tinh thần. Chẳng hạn, chế độ dinh dưỡng, phương tiện đi lại, nghe nhìn, điều kiện hưởng thụ văn hóa… của người thành thị nói chung (trong đó có HS) thường cao hơn đáng kể so với ở nông thôn. Muốn thoát khỏi tình trạng đó, gần như không có con đường nào khác là phải tích lũy kiến thức bằng việc học tập, để từ đó tìm được công việc tốt hơn ở các đô thị và chuyển về đó sống và làm việc; hoặc chí ít cũng có thể tìm được công việc phù hợp ở nông thôn mà dần thoát khỏi việc đồng áng.
Về mặt nhu cầu thể hiện mình, HS ở nông thôn thường rõ hơn. Ở quê lên thành phố học, thường có sự thua thiệt nhiều mặt (ngoài vật chất, còn có cả hiểu biết, sự sành điệu…) nên các em ở tỉnh thường phải thể hiện (tích cực) năng lực của mình bằng kết quả học tập. Trong khi động cơ, động lực học tập của HS thành thị thường không cao thì nhu cầu thể hiện mình cũng không thật rõ nét (trừ nhu cầu thể hiện “ta đây” theo kiểu tiêu cực), nên có sự chênh lệch về kết quả học tập so với HS ở tỉnh cũng là điều dễ hiểu. Như vậy, do động lực lẫn nhu cầu của HS thành thị không thật cao nên dẫn đến sự cố gắng không nhiều.
Tuy nhiên, trên thực tế, cũng không nên xem điều này là một lợi thế của HS ở nông thôn. Bởi xét về năng lực, không có cơ sở nào để nhận định đối tượng nào vượt trội mà cơ bản là tương đương nhau; ở trên chỉ mới xét đến động cơ và nhu cầu học tập, nhưng vấn đề điều kiện học tập cũng rất quan trọng. Với một SV có gia đình ở thành phố, không phải vất vả tìm chỗ trọ, không phải lo việc ăn uống, sinh hoạt, không phải bận tâm nhiều đến việc làm thêm, thì thời gian dành cho việc học nhiều hơn hẳn so với SV ở các tỉnh về thành phố học. Do đó, nếu năng lực và sự cố gắng tương đương nhau thì ai có điều kiện tốt hơn sẽ dễ thành công hơn… Vấn đề đặt ra là, dù phần đông HSSV ở tỉnh có thành tích học tập khá tốt nhưng bao nhiêu trong số học thành tài trở về phục vụ địa phương? Hay nhiều người có điều kiện rồi thì làm việc ở các đô thị, chỉ một số rất ít vì những lý do khác nhau, trong đó có cả lý do không đủ năng lực để trụ lại các đô thị, mới về tỉnh công tác? Từ đây, các địa phương cần xem xét lại chính sách hỗ trợ nguồn nhân lực và trọng dụng nhân tài, mà nguồn nhân lực trước hết phải xét từ HSSV là người của địa phương, thay vì xét chọn một cách rộng rãi. Trong đó, bên cạnh chính sách cử tuyển (sau khi xét chọn kỹ càng HS ở các trường phổ thông trên địa bàn), cần có chế độ hỗ trợ hợp lý (với những điều kiện phù hợp) để giữ chân những cán bộ tương lai của địa phương. Chẳng hạn, vừa qua, một số tỉnh/thành đã hỗ trợ người của tỉnh/thành mình học bác sĩ với mức chi tương đương với lương cơ bản của bác sĩ; nếu ở các ngành khác cũng thực hiện tương tự thì nhiều người sẽ yên tâm học tập và trở về quê công tác, các địa phương cũng không phải vất vả “cầu hiền tài” mà lực lượng cán bộ cũng từ đó được nâng lên…
ThS. Nguyễn Minh Hải
Thúc đẩy động lực thành giá trị vật chất
Động lực học tập là một điều kiện quan trọng để mỗi người có thể chiếm được một đỉnh cao tri thức cho riêng mình. Ở nước ta hiện nay, có một sự khác biệt về động lực học tập của HSSV giữa các vùng miền. Nhà nước, nhất là các tỉnh, cần tác động để động lực đó biến thành những giá trị vật chất thúc đẩy sự phát triển của khu vực nông thôn, để chất lượng sống của khu vực này ngày càng được nâng cao, thay vì động lực học tập chỉ đủ để nhiều người cố vươn lên và… “thoát đi”, chứ không phải là động lực để cùng xây dựng quê hương mình ngày càng giàu đẹp.
|
Bình luận (0)