Gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người. Do đó, xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng.
Hội thảo khoa học “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”
Ngày 17-12, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo khoa học “Xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Tại đây, các đại biểu nhìn nhận, trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và toàn cầu hóa, đòi hỏi phải nhận thức sâu sắc về vị trí, vai trò của gia đình với tư cách là “tế bào” vững chắc xã hội, là môi trường lành mạnh để xây dựng nguồn lực con người. Coi xây dựng gia đình văn hóa là một trong những nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước nói chung, TP.HCM nói riêng.
TS. Phạm Minh Lý – Đại học Quốc gia TP.HCM cho rằng, cần giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ Việt Nam không chỉ là trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể, nhà trường hay xã hội mà còn là của gia đình. Giáo dục gia đình đóng vai trò cực kỳ quan trọng trong việc khắc họa hình ảnh thế hệ thanh niên thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
“Với truyền thống yêu nước được nuôi dưỡng từ tấm bé, thế hệ trẻ sẽ biết phát huy truyền thống hào hùng của dân tộc, của Đảng, của các thế hệ cha anh. Lòng yêu nước của thanh niên thời nay thể hiện ở chỗ sẵn sàng dấn thân vì sự nghiệp cách mạng, tình nguyện vì cộng đồng, đến những nơi gian khó, đảm nhận những việc mới, việc khó với ý chí quyết tâm đưa quê hương vươn lên”, ông Phạm Minh Lý nhấn mạnh.
ThS. Hoàng Thị Ngân – Trường Đại học Văn hóa TP.HCM cũng cho rằng, cần xây dựng mỗi trường học phải thực sự là một trung tâm văn hóa giáo dục, rèn luyện con người về lý tưởng, phẩm chất, nhân cách, lối sống; giáo dục truyền thống văn hóa cho thế hệ trẻ.
Thực tế cho thấy, mức độ phát triển văn hóa, xã hội hiện nay chưa tương xứng với sự tăng trưởng kinh tế nhanh chóng và tiến bộ về khoa học công nghệ, đã ảnh hưởng đến một số giá trị tinh thần, đạo đức, lối sống con người. Không ít những gia đình Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn, đang bế tắc, thậm chí tan vỡ, ảnh hưởng đến mối quan hệ các thành viên trong gia đình và sự phát triển của thế hệ trẻ. Do vậy, xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững theo quy luật phát triển mang tính đặc thù luôn giữ một vị trí đặc biệt. Đặc biệt, TP.HCM là đô thị lớn của cả nước, đang hướng đến một đô thị thông minh thì yếu tố con người được xác định là trung tâm.
Bà Phạm Phương Thảo – nguyên Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM nhận định, xây dựng gia đình văn hóa trong điều kiện hội nhập và phát triển với những biến động phức tạp về lối sống, tâm lý xã hội là công việc đòi hỏi phải có sự quan tâm đúng mức, nhất là việc nâng cao nhận thức và tổ chức triển khai các hoạt động sao cho hiệu quả, thiết thực, tránh phô trương hình thức. Đây trách nhiệm chung của mỗi cá nhân, các gia đình và của toàn xã hội. Trong đó cần coi trọng tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác gia đình, xây dựng và triển khai chiến lược, chương trình, mục tiêu phát triển gia đình.
“Cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp nên xác định công tác gia đình là một trong những nội dung quan trọng trong kế hoạch, chương trình phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Trên cơ sở đánh giá tình hình về công tác gia đình, việc phòng chống các tệ nạn xã hội, bạo lực trong gia đình, công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, thực hiện bình đẳng giới…, mà đề ra nhiệm vụ giải pháp phù hợp”, bà Phạm Phương Thảo nói.
Trên cơ sở xây dựng gia đình văn hóa, HĐND TP cũng định hướng các cấp, các ngành phải đưa nội dung xây dựng văn hóa gia đình và gia đình văn hóa vào chiến lược phát triển kinh tế – xã hội và chương trình kế hoạch công tác hàng năm của các đơn vị trên địa bàn TP. Chính quyền TP xây dựng các tiêu chí cụ thể nhằm đánh giá đúng và thực chất các hoạt động gắn kết việc xây dựng gia đình văn hóa với các phong trào khác như xây dựng khu dân cư, ấp văn hóa, ấp, khu phố văn hóa. Tập trung các hoạt động giám sát việc nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân và công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em… Những công tác này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho từng chương trình của TP trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Theo ban tổ chức, hội thảo lần này thu hút 52 tham luận. Nội dung các tham luận là chất liệu cho công tác tham mưu Thành ủy trong việc xây dựng gia đình phát triển bền vững.
Nguyễn Trinh
Bình luận (0)