Biết xây dựng hình ảnh thanh lịch sớm ngay từ môi trường ĐH, sinh viên sẽ được đánh giá cao khi bước vào môi trường lao động. Muốn thanh lịch đòi hỏi sinh viên phải nỗ lực để xây dựng được hình ảnh vừa “tốt gỗ”, vừa “tốt nước sơn”.
Sinh viên Trường ĐH Mở TP.HCM đặt câu hỏi với TS. Tô Nhi A tại buổi nói chuyện
TS. Tô Nhi A (chuyên gia tư vấn tâm lý) đã nhấn mạnh điều này tại buổi nói chuyện với sinh viên về chủ đề: “Thanh lịch trong môi trường học đường” do Trường ĐH Mở TP.HCM vừa tổ chức.
Mặc áo quần ngắn đi học có kém thanh lịch?
Tại chương trình, một sinh viên đặt vấn đề: “Mặc áo hai dây, quần ngắn đi học là thể hiện cá tính hay kém thanh lịch và liệu có phù hợp với môi trường học đường?”. Trao đổi với sinh viên về vấn đề này, TS. Tô Nhi A cho rằng, không chỉ đơn giản là chiếu xem việc mặc áo hai dây, quần ngắn trong môi trường ĐH có vi phạm nội quy hay không. Thực tế, nội quy trong môi trường ĐH có nhiều tầng bậc. Bên cạnh nội quy chung trường dành cho tất cả sinh viên thì giảng viên đứng lớp cũng đưa ra thêm những quy định riêng. Và giảng viên biết cách đưa ra những quy định riêng với sinh viên mà không đi ngược lại quy định của trường. Trong đó sẽ có những giảng viên không đồng tình nhưng cũng có giảng viên không phản đối việc sinh viên mặc trang phục ngắn đến trường. Tuy nhiên, dù được chủ động lựa chọn trang phục hay không thì theo bà Nhi A, sinh viên phải chắc chắn tự tin rằng hình ảnh mình xây dựng không đi ngược lại với các giá trị đạo đức, nội quy và gắn kèm với trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho bản thân như không phải chịu đựng những cái nhìn tiêu cực, lời bình phẩm thiếu chuẩn mực… từ cộng đồng. Từ đây, bà Nhi A nhấn mạnh, việc sinh viên thanh lịch trong trường không chỉ đơn thuần vì đáp ứng nội quy của trường mà qua đó nâng cao giá trị bản thân. Bởi nếu không thanh lịch, các em cũng có thể vẫn trải qua 4 năm ĐH thông thường nhưng chất lượng đời sống của sinh viên, chất lượng các mối quan hệ sẽ không được như mong muốn. Chính vì vậy, sinh viên cần có trách nhiệm trong việc xây dựng hình ảnh thanh lịch mà trước hết bắt đầu bằng việc định vị bản thân thông qua hình ảnh bên ngoài.
Qua kinh nghiệm nhiều năm làm công tác tuyển dụng cho nhiều công ty, bà Nhi A chỉ ra, có tới 80% sinh viên trượt tuyển dụng ngay ở vòng… gửi email, do các em chưa biết cách viết email. Khi đã vượt qua vòng gửi email, để gặp trực tiếp tối đa 20 phút với nhà tuyển dụng, nếu sinh viên không chứng minh, thể hiện được hình ảnh thanh lịch, trong đó bao gồm hình ảnh bên ngoài và cả sự chuyên nghiệp của mình với kiến thức, tác phong, thái độ nghiêm túc sẽ không thể chinh phục được nhà tuyển dụng. “Khi phỏng vấn tuyển dụng, ấn tượng đầu tiên sẽ là hình thức bề ngoài. Tiến được vào giai đoạn 3 tháng thử việc, ứng viên mới bộc lộ con người bên trong. Vẻ đẹp bên trong sẽ được định vị thông qua hình ảnh bên ngoài, đó là lý do sinh viên nên xây dựng tốt hình ảnh bên ngoài. Và một vẻ đẹp thanh lịch bền vững khi sinh viên vừa “tốt gỗ” lẫn “tốt nước sơn”, không nên quá chú trọng hình thức bên ngoài mà bỏ quên nét đẹp bên trong hoặc ngược lại”, bà Nhi A nói.
Không thể “đùng một cái” trở nên thanh lịch
TS. Tô Nhi A nhận định, thông thường chúng ta sẽ chịu ảnh hưởng của kinh nghiệm và xu hướng đám đông khi lựa chọn hướng để trở nên thanh lịch. Trong thực tế có rất nhiều hình tượng đều ổn và thanh lịch, việc của sinh viên là chọn được hình tượng mình thấy phù hợp nhất, chất lượng nhất làm mục tiêu. Hiểu được điều này, các em sẽ thấy thanh lịch không còn đơn thuần là câu chuyện hình ảnh nữa mà là cả quá trình định vị bản thân, nhận thức được mình là ai và mình đang hướng tới điều gì… Về mục tiêu, bà Nhi A khuyến khích sinh viên hướng tới hình ảnh chuyên nghiệp của một người lao động, vì các em đều đang trong lứa tuổi lập thân, lập nghiệp. “Như tôi đã nói, doanh nghiệp trước tiên thông qua hình ảnh bên ngoài để lựa chọn ứng viên. Điều này đòi hỏi sinh viên phải xây dựng hình ảnh bên ngoài lẫn bên trong ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đợi đến khi tốt nghiệp, đi xin việc rồi mới cố gắng chỉn chu là quá muộn. Bởi vì chúng ta chỉ ổn định về mặt cốt cách khi điều đó được lặp đi lặp lại thường xuyên đủ để xây thành thói quen”, bà Nhi A chia sẻ.
Đặc biệt, thanh lịch không chỉ dừng lại ở xây dựng hình ảnh bản thân, sinh viên còn cần xây dựng hình ảnh đẹp cho ngôi trường mình học, gia đình mình sinh sống thông qua thói quen sinh hoạt hằng ngày, lời ăn tiếng nói giao tiếp, thái độ hòa nhã với cộng đồng cũng như xây dựng hình ảnh đẹp cho môi trường làm việc sau này. Bà Nhi A nhấn mạnh cần có lộ trình trong xây dựng hình ảnh thanh lịch và nhắn nhủ sinh viên rằng “không thể đùng một cái trở thành người thanh lịch”. Điều này đòi hỏi các em sự kiên nhẫn, tránh bỏ dở giữa chừng vì nản lòng hoặc đặt mục tiêu quá sức. Đồng thời sinh viên cần sự chủ động và quyết tâm cao để xây thói quen tích cực, hình ảnh thanh lịch. Thực tế, theo bà Nhi A, điều kiện để trở nên thanh lịch không ở đâu xa, chỉ cần các em chịu khó bám nội quy của trường là đã có thể tu rèn bản thân vì nội quy này đủ độ phủ để sinh viên xây dựng hình ảnh thanh lịch như mong muốn.
Việt Ngân
Bình luận (0)