Chương trình tư vấn “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” lần 8 năm học 2022-2023 do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức vừa diễn ra tại Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám (Q.10). Chương trình có sự đồng hành của Sở GD-ĐT TP.HCM cùng nhiều trường THPT, trung tâm GDNN-GDTX; trường TC, CĐ trên địa bàn TP.HCM.
Ông Nguyễn Võ Đăng Khoa (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) tư vấn cho học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám
Đăng ký nguyện vọng phụ thuộc nhiều yếu tố
Tư vấn cho các em học sinh, ông Nguyễn Võ Đăng Khoa (chuyên viên Phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở GD-ĐT TP.HCM) cho biết học sinh tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập phải tốt nghiệp THCS. Theo đó, học sinh đăng ký vào trường THPT thường sẽ thi 3 môn là toán, ngữ văn và ngoại ngữ; riêng học sinh đăng ký vào trường THPT chuyên sẽ thi thêm môn chuyên. Học sinh đăng ký vào trường THPT chuyên có 4 nguyện vọng (2 nguyện vọng vào trường chuyên lớp chuyên, 2 nguyện vọng vào trường chuyên nhưng lớp không chuyên). Trong khi đó, học sinh đăng ký vào trường THPT thường chỉ có 3 nguyện vọng. Ông Khoa cho biết thêm, việc đăng ký nguyện vọng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như đam mê, năng lực, điều kiện gia đình, khoảng cách địa lý… Chẳng hạn, đối với học sinh Trường THCS Cách Mạng Tháng Tám, có thể đăng ký nguyện vọng vào Trường THPT Nguyễn Khuyến, Trường THCS-THPT Diên Hồng… Việc chọn trường gần nhà không chỉ giúp các em tiết kiệm thời gian đi lại mà còn thuận tiện cho việc học hành, thi cử. Nếu chọn trường xa, các em đi lại khó khăn, thậm chí không thể theo học suốt 3 năm THPT. “Hàng năm có nhiều trường hợp học sinh đăng ký nguyện vọng vào một ngôi trường quá xa nhà. Khi trúng tuyển, các em không biết làm sao nên nhờ Sở GD-ĐT TP.HCM “giải cứu”. Tuy nhiên, Sở GD-ĐT TP.HCM không thể giúp các em được vì tất cả đều đã cập nhật trên hệ thống, không cho các em thay đổi trường. Nếu chấp nhận học, các em phải đi học rất xa, còn không học thì các em phải chuyển sang hướng đi khác”, ông Khoa cho hay.
Một học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn
Theo ông Khoa, cách đặt nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên, bởi điểm đầu vào của trường cho nguyện vọng 1 thường cao hơn nguyện vọng 2 và 3. Do đó, các em nên đặt mỗi nguyện vọng cho 1 trường để khi chẳng may rớt nguyện vọng 1 còn nguyện vọng 2, rớt nguyện vọng 2 còn nguyện vọng 3. Trường hợp học sinh đặt 3 nguyện vọng vào 1 trường, nguy cơ không trúng tuyển vào lớp 10 công lập rất cao, vì như vậy có nghĩa là điểm chuẩn của 3 nguyện vọng đều như nhau, rớt nguyện vọng 1 có nghĩa là rớt luôn nguyện vọng 2 và 3.
Chương trình “Tuyển sinh, hướng nghiệp học sinh sau THCS” do Tạp chí Giáo dục TP.HCM tổ chức với mục đích đưa các thông tin chính thống về kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại TP.HCM đến phụ huynh và học sinh cuối cấp THCS. Bên cạnh đó, chương trình còn hỗ trợ học sinh trong việc hướng nghề, hướng trường cũng như hiểu rõ những chính sách, nguyện vọng, điểm chuẩn vào các trường THPT công lập. Từ đó giúp các em lựa chọn được hướng đi đúng đắn sau THCS, thực hiện ước mơ nghề nghiệp trong tương lai… |
Ông Khoa lưu ý thêm, học sinh rớt 4 nguyện vọng vào trường THPT chuyên vẫn có thể xét xuống 3 nguyện vọng trường THPT thường. Nếu không trúng tuyển 7 nguyện vọng, các em vẫn còn hướng đi khác đó là học ở các trường THPT ngoài công lập, trung tâm GDNN-GDTX; trường TC, CĐ… “Học sinh không học các trường THPT chuyên, trường THPT thường không có nghĩa là các em học không giỏi mà do các em không phù hợp. Việc chọn hướng đi khác vừa giúp các em rút ngắn thời gian học vừa giảm áp lực. Khi có nhu cầu các em có thể học liên thông lên CĐ, ĐH như những học sinh học trường THPT công lập”, ông Khoa nói.
Lên chiến lược sớm cho mùa thi
Trong chương trình tư vấn, ThS. Nguyễn Trần Phước (chuyên gia tư vấn tâm lý) đã chia sẻ “bí kíp” giúp các em học sinh trúng tuyển vào ngôi trường yêu thích. ThS. Phước cho rằng ngay từ bây giờ học sinh nên lên chiến lược cho mùa thi. Theo đó, các em đặt cho mình mục tiêu dựa vào sở thích, năng lực, sau đó xây dựng kế hoạch học tập với phương pháp học và thời gian biểu hợp lý, lựa chọn tài liệu chính thống. Khi học, các em nên tập trung vào kiến thức nền tảng, tập thói quen ghi chú lại thông tin quan trọng. Bên cạnh đó, các em cũng có thể lập nhóm học tập để trao đổi, chia sẻ bí quyết học tập và giải đề thi.
Phụ huynh học sinh lắng nghe thông tin tư vấn từ các chuyên gia
Theo ThS. Phước, việc học quan trọng nhưng các em cũng nên cân bằng với việc nghỉ ngơi hợp lý để có sức khỏe tốt, tâm lý thoải mái. Đặc biệt, các em nên tập cho mình thói quen vượt qua nỗi sợ bằng cách tập thể dục thể thao, xem phim, nghe nhạc… Việc ăn uống cần điều độ, đủ chất. Trong kỳ thi, các em không nên dùng những chất kích thích như cà phê, rượu, bia…, thay vào đó các em có thể uống nhiều nước. Bên cạnh đó, các em nên ngủ đúng giờ, đủ giấc. Thường vào kỳ thi, nhiều học sinh do áp lực bài vở nên học bài rất khuya, sáng lại thức sớm đi thi. Việc này không những làm đầu óc không tập trung mà còn ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả thi. Vì vậy, dù bận rộn đến cỡ nào thì các em cần dành thời gian nghỉ ngơi, ngủ đúng giờ, đủ giấc để đầu óc luôn minh mẫn, tỉnh táo làm bài hiệu quả.
ThS. Phước cho biết thêm, một trong những động lực giúp các em học sinh vượt qua áp lực để thi tốt là sự đồng hành của cha mẹ. “Thay vì phụ huynh bắt con thi vào trường này, trường kia, phải đạt điểm cao… thì hãy ở bên cạnh hỗ trợ con bằng cách khuyến khích, động viên, nấu cho con những món ăn ngon, đủ chất để con có sức khỏe tốt. Có như vậy con sẽ cảm thấy tự tin hơn khi bước vào mùa thi”, ThS. Phước lưu ý.
Bài, ảnh: Kiều Khánh
Bình luận (0)