UBND TP.HCM vừa tổ chức họp về tình hình kinh tế – xã hội (KT-XH) năm 2022, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2023. Tại đây, ông Phan Văn Mãi – Chủ tịch UBND TP đề nghị các sở ngành, quận huyện xây dựng kế hoạch năm 2023 với tinh thần đánh giá sát tình hình thực tế để xác định được trọng tâm và đưa ra giải pháp.
Ngành may mặc đang gặp nhiều khó khăn do thiếu đơn hàng
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư TP, năm 2022, dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng KT-XH TP vẫn đạt được những kết quả rất tích cực. Các lĩnh vực kinh tế có mức tăng trưởng khá, môi trường đầu tư kinh doanh có nhiều chuyển biến tích cực. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) TP tăng 9,44% so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 17,3% so với cùng kỳ. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 120.000 tỷ đồng, tăng 171,2% so với cùng kỳ. Thu ngân sách Nhà nước vượt dự toán giao. Trong 19 chỉ tiêu KT-XH, dự kiến có 14/19 chỉ tiêu cơ bản đạt và vượt kế hoạch.
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn những hạn chế. Tình hình tài chính, tiền tệ, chứng khoán, bất động sản gặp nhiều khó khăn, dự báo có thể kéo dài. Tình trạng khan hiếm xăng, dầu cục bộ trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp. Tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 đạt thấp. Trong 19 chỉ tiêu KT-XH, có 2/19 chỉ tiêu dự kiến không đạt…
Còn nhiều khó khăn
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP – cho biết, những ngành sản xuất thâm dụng lao động nhiều bị ảnh hưởng bởi lạm phát, ví dụ như đồ gỗ, da giày, dệt may, kể cả đồ điện tử khiến chỉ số IIP trong tháng 10 giảm mạnh so với tháng trước. Thời gian tới phải tập trung hỗ trợ mạnh hơn nữa ngoài những chương trình của TP về hỗ trợ chính sách vĩ mô, nhất là hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận dòng vốn để sản xuất.
Nói về khó khăn của ngành dệt may, ông Nguyễn Hồ Thiện Nhân – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp TP – chia sẻ, từ quý 4/2021 đến tháng 7-2022 số lượng đơn hàng dệt may nhiều do nhu cầu sau dịch. Tuy nhiên, hiện tại do lạm phát tăng cao, đặc biệt là tại các thị trường xuất khẩu chính của ngành dệt may như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản lượng tiêu thụ giảm rõ rệt, trong đó Mỹ giảm 30-40%, châu Âu giảm 60%, lượng tồn kho tăng 20-25% dẫn đến quý 4/2022 và quý 1/2023 khách hàng hạn chế, không có đơn hàng mới. Đơn hàng tháng 11 và tháng 12 năm nay dự kiến thiếu khoảng 35-50%, hoặc có đơn hàng nhưng cạnh tranh gay gắt về giá. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, giảm quy mô sản xuất trong 6 tháng cuối năm. Mặt khác, do xung đột giữa Nga – Ukraine, giá dầu thế giới có thể bị đẩy lên cao cũng ảnh hưởng nhiều đến dệt may, nhất là chi phí logistics, nhiên liệu. Xuất khẩu dệt may của Việt Nam sang Nga chiếm tỉ trọng 90-95%. Tuy nhiên từ khi xung đột xảy ra, hàng dệt may Việt Nam xuất sang Nga âm 40-42% so với lúc trước.
Đánh giá chung về tình hình KT-XH của TP, ông Trần Du Lịch – thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia – cho biết, điểm sáng lớn nhất là 9 tháng năm 2022 phục hồi kinh tế khá toàn diện ở các mặt, từ công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch… nhưng đến tháng 10 lại có dấu hiệu chựng lại. Điểm nghẽn hấp thụ vốn trên tất cả các mặt vẫn là chủ yếu. Bên cạnh đó, tâm lý thị trường không được tốt.
Mặc dù còn những khó khăn, song ông Lịch cho rằng TP không phải không có dư địa để phát triển.
Tình hình xăng dầu, cơ bản bớt khó khăn Thông tin về tình hình xăng dầu, ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP – cho biết, sau rất nhiều nỗ lực của TP cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, đến nay cơ bản khó khăn đã giảm bớt. Tính đến chiều 19 và 20, chỉ còn 18 cửa hàng thiếu xăng, so với giai đoạn cao điểm là 137 cửa hàng thiếu nên tình hình này cũng đã được cải thiện. P.V
|
“Như vấn đề nhà ở, hiện nay thị trường bất động sản có chững lại đối với các “ông lớn”, các dự án phục vụ cho giới đầu cơ nhưng dự án thị trường nhà ở thì không khựng lại. Vấn đề là TP có đưa được các dự án ra thị trường không. Trường hợp “một ông lớn” không làm được nhưng “chục ông nhỏ” sẽ sẵn sàng làm và TP phải gỡ được điểm nghẽn”, ông Lịch nói.
Về giải pháp chung, theo ông Lịch, từ nay đến cuối năm TP cần chủ động phối hợp với Bộ Tài chính giữ ổn định được thị trường trái phiếu doanh nghiệp, hoạt động thương mại, gỡ khó cho thị trường bất động sản. Bên cạnh đó phải ổn định thị trường xăng dầu, tránh ảnh hưởng đến tâm lý người dân. Đồng thời, tập trung hoàn thiện nghị quyết mới thay Nghị quyết 54 của Quốc hội. Đây là mấu chốt về thể chế để TP có kế hoạch trong tương lai.
Tập trung giải quyết thủ tục hành chính
Từ thực tế đang diễn ra trên địa bàn TP, ông Mãi nhấn mạnh: “Mặc dù có khó khăn nhưng vẫn còn dư địa, phải tìm dư địa để tập trung phát triển. Chúng ta không say sưa với những kết quả 9 tháng 2022. Phải nhìn thấy những cái phát sinh trước mắt, đánh giá cho đúng để có giải pháp chứ không thể bị động”.
Từ nay đến cuối năm các sở ngành, quận huyện phải tích cực thực hiện chủ đề trọng tâm của năm 2023 trong giải quyết thủ tục hành chính. Cần chia ra 3 nhóm để làm. Trong đó đối với nhóm không thể thực hiện được thì trả lời cho tổ chức cá nhân biết; nhóm giải quyết được thì giải quyết đúng thẩm quyền và tiến độ; nhóm cần phải thống nhất với các sở ngành thì báo cáo UBND TP giải quyết hoặc UBND TP báo cáo Chính phủ, các bộ ngành.
“Thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trách nhiệm hành chính của mỗi cơ quan, mỗi công chức là phải tập trung tháo gỡ, thúc đẩy công việc. Nếu làm tốt thì chúng ta cũng tạo ra được động lực mới đóng góp cho tăng trưởng, vì vậy phải hết sức quan tâm”, ông Mãi chỉ đạo.
Theo Chủ tịch UBND TP, đối với giải ngân đầu tư công đến hiện tại mới được 31% nên phải tiếp tục rà soát lại nhiệm vụ trên từng địa bàn xem còn vướng chỗ nào để trực tiếp tháo gỡ. Đối với các công trình trọng điểm, trong đó có Vành đai 3, trước mắt ngày 31-11 TP phải phê duyệt dự án kể cả giải phóng mặt bằng và xây lắp. Các sở ngành, địa phương liên quan phối hợp với Sở Quy hoạch Kiến trúc hoàn thành hồ sơ, đảm bảo tiến độ phê duyệt dự án.
Minh Phương
Bình luận (0)