Đây là chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại phiên họp thường kỳ về tình hình kinh tế xã hội tháng 10, 10 tháng năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp tháng 11-2022.
Hoạt động của SCB ít nhiều ảnh hưởng đến kinh tế, trật tự an toàn xã hội của TP.HCM. Ảnh: H.Tr
Tại phiên họp, các sở ngành, chuyên gia kinh tế đánh giá kết quả kinh tế xã hội TP đạt được nhiều điểm sáng. Tuy nhiên, TP đang chịu tác động bất lợi từ tình hình kinh tế chung của thế giới và cả trong nước, đòi hỏi cần nhìn thẳng vào khó khăn để tính toán mục tiêu, kịch bản, chính sách cho năm sau, thậm chí cho năm 2024.
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch Đầu tư TP, tình hình phát triển kinh tế xã hội tháng 10 và 10 tháng đầu năm 2022 các lĩnh vực tiếp tục có mức tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ 10 tháng ước đạt 899.384 tỷ đồng, tăng 29,9% so với cùng kỳ. Hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa của TP duy trì tốc độ tăng trưởng tốt. Tổng thu ngân sách Nhà nước 10 tháng là 392.790,653 tỷ đồng, đạt 101,61% dự toán năm và tăng 22,33% so cùng kỳ…
Nhiều bất lợi cho phát triển kinh tế
Các sở ngành, các chuyên gia đều đánh giá tình hình kinh tế xã hội có nhiều điểm sáng nhưng vẫn có những khó khăn.
Ông Bùi Tá Hoàng Vũ – Giám đốc Sở Công thương TP – cho biết, doanh số, doanh thu hàng hóa và dịch vụ có sự tăng trưởng khá, trong đó bán lẻ có tính chất dẫn dắt tốc độ tăng trưởng của cả khối. Mặt khác, chương trình bình ổn tiếp tục phát huy tác dụng; lĩnh vực xuất nhập khẩu cũng có sự gia tăng tích cực. Tuy nhiên, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 10 giảm so với tháng 9, phản ánh thị trường hàng xuất khẩu TP.HCM đang gặp khó khăn, đặc biệt là ngành dệt may khi thị trường các nước bị tác động bởi lạm phát và đứt gãy cung ứng. Bên cạnh đó, cung ứng xăng dầu vẫn thiếu. Có những ngày có trên 100/550 cửa hàng mở cửa phục vụ trong tình trạng thiếu xăng, trong khi trung bình mỗi ngày TP tiêu thụ đến hơn 6.800m3.
Ông Trần Du Lịch – Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia – đánh giá, thời điểm này năm ngoái TP.HCM còn bàn chương trình phục hồi, do đó những gì đạt được ở hiện tại là nhiều hơn so với kỳ vọng. Tuy nhiên đây cũng là thời điểm TP không được may mắn. Cả nước và TP đang đương đầu với những vấn đề lớn, trong đó có tác động không thuận lợi từ thế giới. Dự báo kinh tế toàn cầu quý 4 năm nay đến năm 2023 rất khó khăn bởi lạm phát, điều kiện chung các nền kinh tế gãy đổ chuỗi cung ứng và tăng giá logistics ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu. TP.HCM lại đang thiết lập các biện pháp kỷ cương trên thị trường tài chính, bất động sản là cần thiết nhưng trong ngắn hạn sẽ có tác động không thuận lợi, nhất là tâm lý chờ đợi của nhà đầu tư. Tâm lý chờ đợi làm chững lại xu hướng chạy đua sau đại dịch. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước lâu nay vừa kiểm soát lạm phát, vừa muốn giữ giá trị đồng tiền, vừa thúc đẩy tăng trưởng, giảm lãi suất nhưng hiện giờ ưu tiên kiểm soát lạm phát, bảo vệ giá trị đồng tiền.
Từ thực tế này, ông Lịch lo ngại: “Nếu như dòng vốn nền kinh tế chững lại trong 2 quý thì ảnh hưởng không chỉ năm 2023 mà còn ảnh hưởng đến cả năm 2024. Bởi kinh nghiệm nhiều năm từ TP cho thấy, trong bối cảnh chung, chính sách vĩ mô thuận lợi thì TP.HCM hưởng lợi, phát triển nhanh, ngược lại sẽ chịu tiêu cực hơn cả nước”.
Để giải quyết tình hình, ông Lịch góp ý, trong khi chờ đợi Quốc hội ban hành một cơ chế hoàn thiện về phân cấp, phân quyền; theo phạm vi thẩm quyền của TP cái gì có thể làm được thì nên làm ngay. Cụ thể, nên rà lại từng bộ phận quyền hạn, trách nhiệm bộ máy hành chính các cấp và làm tốt các nhiệm vụ, khắc phục các tồn đọng. Đây là mấu chốt để năm 2023 vươn lên.
Cò theo ông Trương Minh Huy Vũ – Giám đốc Khu Công nghệ Phần mềm, ĐH Quốc gia TP.HCM; Tổ phó Tổ tư vấn chính sách cho TP.HCM – thì, quan trọng nhất lúc này là TP.HCM nên tính toán mục tiêu, kịch bản, chính sách cho năm sau, thậm chí cho năm 2024. Thời gian gần đây các ngân hàng Trung ương liên tục tăng lãi suất; hoạt động xử lý sai phạm một số tập đoàn lớn; áp lực trả nợ trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt trái phiếu doanh nghiệp bất động sản đang diễn ra, TP cần nhìn thẳng vào tình hình đang xấu đi đột ngột để hành động.
Tập trung phát huy kinh tế nội địa
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đánh giá kết quả tháng 10 và 10 tháng năm 2022 có nhiều điểm nổi bật. Trong đó tăng trưởng 10 tháng xoay quanh mức 9,97% cho thấy khả năng cả năm TP sẽ đạt được tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đề ra. TP tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh; các hoạt động văn hóa xã hội được triển khai theo chương trình, đạt nhiều kết quả; ra mắt Cổng dịch vụ công TP – đây là tiền đề hướng tới mục tiêu vận hành hệ thống hành chính trên nền tảng số vào năm 2025.
Đặc biệt trong tháng 10, Quốc hội đã thống nhất với báo cáo tổng kết Nghị quyết 54 của TP và theo hướng cho kéo dài thêm 1 năm để TP.HCM tiếp tục thực hiện các nội dung của nghị quyết này.
Tuy nhiên, TP đang đối diện với các bất lợi, tiêu cực. Trong đó, hoạt động của SCB ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế, an ninh, trật tự an toàn xã hội của TP nói riêng và cả nước nói chung, tác động trực tiếp đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính, bất động sản. Cung ứng xăng dầu cũng tạo ra tâm lý không yên tâm, thiếu tin tưởng, ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt, đời sống của người dân, hoạt động kinh tế xã hội của TP. Ngoài ra, xu hướng giảm tăng trưởng, lạm phát tăng, chi phí lãi suất cao của thế giới cũng bắt đầu ảnh hưởng. Một số ngành công nghiệp, sản xuất suy giảm. Giải ngân đầu tư công thấp…
Thực tế này, ông Mãi đặt ra yêu cầu thời gian tới các sở ngành, địa phương phải tập trung nỗ lực tháo gỡ điểm nghẽn để giải phóng sức lực, tiềm lực, phát huy kinh tế nội địa của TP. Trong đó, rà soát các đề án để phân bổ nguồn lực thực hiện, tập trung thực hiện các giải pháp về giải ngân đầu tư công, gắn với đẩy nhanh chương trình phục hồi nền kinh tế. Bên cạnh đó, tập trung mạnh hơn nữa công tác cải cách hành chính, nâng cao chất lượng công vụ trên tinh thần đề cao trách nhiệm từng đơn vị. Tập trung tháo gỡ khó khăn theo trọng tâm, trọng điểm các dự án bất động sản, các vướng mắc về quy hoạch, vướng mắc trong doanh nghiệp Nhà nước để phát huy nội lực. Đẩy mạnh các hoạt động thương mại dịch vụ, đặc biệt là du lịch dịp cuối năm. Hoàn thiện đề án sắp xếp các khu chế xuất, khu công nghiệp; hiện đại hóa, số hóa đào tạo nhân lực logistics.
Chủ tịch TP cũng đề nghị tiếp tục theo dõi và xử lý vấn đề xăng dầu, triển khai chương trình bình ổn giá. Tập trung triển khai đề án giao thông công cộng, giải quyết các vấn đề bức xúc trước mắt như kẹt xe, xe đỗ lòng đường, bãi đỗ xe, thu phí xe vào nội đô…
“Các sở ngành, quận huyện và TP.Thủ Đức chuẩn bị xây dựng kế hoạch năm 2023 trên tinh thần đánh giá đúng, thực chất những khó khăn, diễn biến đang diễn ra…”, Chủ tịch Mãi nhấn mạnh.
Minh Phương
Bình luận (0)