Năm học 2022-2023, giảng dạy di sản văn hóa là một trong những yêu cầu quan trọng được TP.HCM đặt ra với các nhà trường, qua nhiều hình thức. Điều này từng bước hiện thực hóa “Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh” bao trùm trong trường học, để trường học thực sự trở thành môi trường học đường đậm đà bản sắc văn hóa Việt Nam.
Học sinh Trường TH Hiệp Phú (TP.Thủ Đức) học ở Dinh Độc Lập
“Mang bảo tàng đến trường học”
“Mang bảo tàng đến trường học” là hình thức đang được nhiều trường học trên địa bàn TP.HCM áp dụng. Trong đó, trường học sẽ đặt hàng với các bảo tàng, xây dựng các chuyên đề giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh nhà trường và nội dung chương trình giáo dục và đưa vào trường học như một cách thức đổi mới hoạt động giáo dục…
“Trong hoạt động giáo dục học sinh về chủ quyền biển đảo Việt Nam, cùng với việc nhà trường sưu tầm, tìm kiếm các tư liệu để giới thiệu đến học sinh thì nhà trường đặt hàng với bảo tàng để xây dựng, tổ chức chuyên đề này phù hợp nhất. Khi tổ chức dưới sân trường, những tư liệu như panô, áp phích được bảo tàng mang xuống trường trưng bày là cách giáo dục trực quan, khiến học sinh rất thích thú, mở rộng kiến thức cho các em, tăng hiệu quả giáo dục”, cô Lê Thị Ngọc Anh – Hiệu trưởng Trường THPT Hiệp Bình chia sẻ.
Trong khi đó, Trường TH Hiệp Phú (TP.Thủ Đức) vừa tổ chức đưa học sinh đến học tập trải nghiệm tại Dinh Độc Lập và Bến Nhà Rồng. Việc đổi mới không gian học tập gắn liền với giáo dục lịch sử đã khiến học sinh vô cùng thích thú, hào hứng.
“Đưa học sinh tiểu học đến với bảo tàng hay các di tích lịch sử trên địa bàn TP là hoạt động rất ý nghĩa. Điều này không chỉ đưa các bài học gắn liền với thực tiễn, tích hợp các môn học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục học sinh, bồi đắp cho các em lòng yêu quê hương đất nước, tự hào với truyền thống cách mạng của cha ông trên chính quê hương mình. Ngoài ra, đây cũng là cách cụ thể hóa việc xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong nhà trường” – đại diện nhà trường cho hay.
Đẩy mạnh giảng dạy di sản văn hóa trong trường học
Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu thông tin, năm học 2022-2023, Sở GD-ĐT và Sở Văn hóa và Thể thao TP sẽ phối hợp đẩy mạnh việc giảng dạy di sản văn hóa cho học sinh trong trường học và ở bảo tàng, cả trên môi trường số. Nhằm kết nối hoạt động giáo dục nhà trường với thực tiễn cuộc sống; xây dựng Không gian Văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học; giáo dục truyền thống yêu nước, tìm hiểu lịch sử dân tộc, thấm nhuần tư tưởng của Bác “dân ta phải biết sử ta” cho học sinh; giảng dạy hiệu quả môn học Giáo dục địa phương và Hoạt động trải nghiệm – hướng nghiệp; đẩy mạnh chuyển đổi số…
Cụ thể, trong năm học các nhà trường sẽ chủ động lựa chọn nội dung, hình thức giảng dạy di sản văn hóa phù hợp. Lồng ghép nội dung dạy học di sản văn hóa vào các môn học, nhất là với các môn học như: lịch sử, địa lý, âm nhạc và trong các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt tập thể, các hoạt động văn nghệ, thể thao có liên quan đến chủ đề di sản. Song song sưu tầm tài liệu, tranh ảnh, băng đĩa về các di sản có liên quan đến bài học, xây dựng hệ thống tư liệu về di sản cho chủ đề dạy học.
Bên cạnh đó, các trường sẽ phối hợp với các bảo tàng để thực hiện chương trình giáo dục, xây dựng “trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Hướng dẫn, giới thiệu học sinh tự tìm hiểu, khai thác thông tin về di sản văn hóa thông qua tư liệu, hiện vật; đẩy mạnh hoạt động chăm sóc di tích, hoạt động giáo dục tại di tích, tổ chức học sinh tham quan bảo tàng.
TP.HCM sẽ đẩy mạnh việc giảng dạy di sản văn hóa trong nhà trường
Về phía các bảo tàng, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM thông tin, sẽ phối hợp với trường học trên địa bàn TP đưa học sinh đến bảo tàng và đưa di sản văn hóa đến với học đường theo cách tiếp cận mới. Có chế độ miễn giảm vé vào cổng cho học sinh TP đến tham quan, học tập, đa dạng hình thức giáo dục tại bảo tàng. Đồng thời thực hiện hỗ trợ chuyên môn cho nhà trường để xây dựng kế hoạch tổ chức phục vụ hoạt động ngoại khóa mang tính trải nghiệm, đưa trò chơi dân gian, nghệ thuật trình diễn dân gian có sự tham gia của nghệ nhân cho học sinh.
Bảo tàng cũng sẽ xây dựng riêng chương trình tham quan kết hợp tổ chức hoạt động mang tính giáo dục thông qua trò chơi, giao lưu với nghệ nhân, nhân chứng, chuyên gia, trải nghiệm, hướng nghiệp… trong thời gian 2 tiết học, đảm bảo nhẹ tính học thuật, tăng tương tác.
Đặc biệt, xây dựng cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa phù hợp với học sinh, nhằm giới thiệu di sản văn hóa trong không gian số, sử dụng trong dạy và học; Phối hợp với Sở GD-ĐT TP.HCM xây dựng kho học liệu số chuyên sâu về lịch sử, địa lý, văn học, văn hóa TP.HCM dùng chung toàn ngành….
Thông tin thêm, lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM cho hay, bảo tàng sẽ xây dựng chương trình, các tiết học có ứng dụng công nghệ phục vụ cho học sinh trong hành trình “Đưa bảo tàng đến trường học”: Tích hợp từ những chuyên đề trưng bày của mỗi bảo tàng đưa vào các môn học lịch sử, giáo dục công dân, địa lý, tiếng Anh, ngữ văn… Xây dựng các chương trình giáo dục di sản văn hóa dành riêng cho học sinh, sinh viên gắn với khung kiến thức, kỹ năng sống phù hợp. Tổ chức các hội thi tìm hiểu về lịch sử văn hóa, giúp học sinh trở thành những tuyên truyền viên đầy năng động và sáng tạo. Tổ chức chương trình gắn với hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp trong Chương trình GDPT 2018.
Yến Khương
Bình luận (0)