Bộ GD-ĐT vừa phối hợp với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai Quyết định 1501/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2015-2020”.
Sinh viên Trường ĐH Nguyễn Tất Thành hiến máu nhân đạo vì cộng đồng
Quyết định số 1501/QĐ-TTg được ban hành nhằm tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; giúp thế hệ trẻ Việt Nam bồi đắp tình yêu gia đình, đất nước, kiên định với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, giáo dục thế hệ trẻ ý thức tuân thủ pháp luật, năng lực và bản lĩnh trong hội nhập quốc tế; sức khỏe, tri thức và kỹ năng lao động; trở thành những người công dân có ích, tích cực tham gia xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Nhiều chuyển biến tích cực
Sau 5 năm, công tác này đã đạt nhiều kết quả nổi bật, tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức, hành động của thế hệ trẻ Việt Nam. Việc đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp, hình thức giáo dục được triển khai ở tất cả các cấp học, trình độ đào tạo và trong các hoạt động của tổ chức Đoàn Thanh niên. Nhiều tấm gương thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên sống đẹp, vượt khó học giỏi, tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng.
Chương trình giáo dục phổ thông mới được ban hành theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực người học; đã bổ sung, thay thế nội dung giáo dục đạo đức trong chương trình giáo dục hiện hành. Công tác bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhà giáo, cán bộ làm công tác Đoàn, Hội, Đội được tăng cường. Sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho thanh thiếu nhi, học sinh, sinh viên đạt kết quả bước đầu. Cảnh quan, môi trường giáo dục từng bước được cải thiện theo định hướng an toàn, thân thiện, dân chủ, kỷ cương, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong xây dựng văn hóa học đường.
Học sinh tham gia tập huấn lái xe an toàn do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức
Tuy nhiên, theo đánh giá, quá trình triển khai đề án còn một số hạn chế cần khắc phục, cụ thể như hoạt động giáo dục, vận động, thi đua, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ… ở một số địa phương, cơ sở giáo dục còn mang tính hình thức; tổ chức giáo dục đạo đức, lối sống, văn hóa cho học sinh, sinh viên trên môi trường mạng chưa được triển khai, gặp nhiều khó khăn về nhân lực, tài chính… Trong khi đó, những xu hướng, trào lưu mới có dấu hiệu lệch chuẩn trong giới trẻ hiện nay tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm nảy sinh và gia tăng những vấn đề tiêu cực, tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật trong thanh thiếu niên.
Tiếp tục xây dựng lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh niên
Giai đoạn 2021-2025 mở ra nhiều cơ hội cũng như khó khăn, thách thức. Bộ GD-ĐT tiếp tục đề xuất với Chính phủ ban hành đề án giai đoạn tiếp theo với quan điểm tiếp tục tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống; khơi dậy trong thanh niên, học sinh, sinh viên khát vọng cống hiến, niềm tự hào dân tộc, ước mơ, hoài bão, tinh thần trách nhiệm với bản thân và với cộng đồng xã hội, góp phần xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế…
Tại hội nghị, lãnh đạo Bộ GD-ĐT nhấn mạnh, cần tiếp tục làm tốt hơn nữa việc giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, nhi đồng trong thời gian tới bởi đây là một việc hệ trọng, lâu dài, cho hiện tại và cả cho tương lai, là một phần của công cuộc đổi mới căn bản – toàn diện giáo dục đào tạo.
Học sinh được trang bị kiến thức pháp luật thông qua “Phiên tòa giả định” do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM tổ chức
Trong đó, tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật; việc giáo dục ý thức, tinh thần thực thi pháp luật phải được coi là một khâu mang tính nền tảng để triển khai giáo dục những nội dung lĩnh vực khác. Thời đại ngày nay, giáo dục không chỉ thích ứng với đào tạo nhân lực cho cách mạng công nghiệp 4.0 mà cần phải nhận diện, vun đắp, kiến tạo cả các giá trị mới và những giá trị cũ đang được làm mới. Các vấn đề đạo đức số; đạo đức mạng xã hội; lối sống số, kết nối và chia sẻ… cần được nhận diện đúng. Đặc biệt, các giá trị đạo đức cần thể hiện trong hành vi, thấm nhuần trong hành động chứ không chỉ là các quy định.
Đối với giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho rằng, cần làm thế nào để thầy thích dạy, trò thích học, trò mong muốn làm theo, mong muốn các giá trị đó trở thành niềm tự hào của chính con người mình. Đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết của việc sử dụng các phương tiện hiện đại trong giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên và đổi mới học tập, giảng dạy các môn lý luận chính trị.
T.Trân
Bình luận (0)