Tiết học ứng dụng CNTT trong môn lịch sử ở bậc tiểu học |
Đó là một trong những nhiệm vụ mà Bộ GD-ĐT đưa ra đối với các đơn vị giáo dục trong năm học 2015-2016. Theo Bộ GD-ĐT, bước đầu xây dựng mô hình giáo dục điện tử (e-education), trường học điện tử (e-school) với các cấu phần chủ yếu dựa trên công nghệ trực tuyến internet với nhiều hoạt động. Trong đó, hoạt động hạ tầng CNTT gồm trang thiết bị máy tính, máy in, webcam, mạng LAN, màn chiếu bằng ti vi cùng một số trang thiết bị tiên tiến, được bố trí trong phòng có đủ diện tích, ánh sáng và bàn ghế phù hợp. Còn hoạt động hạ tầng ứng dụng trên internet gồm tổ chức hoạt động, sử dụng thư điện tử, cổng thông tin điện tử tại Sở GD-ĐT, phòng GD-ĐT và các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên.
Trong khi đó, ứng dụng CNTT trong quản lý, điều hành hoạt động gồm các hệ thống quản lý nhà trường trực tuyến; cung cấp các dịch vụ công trực tuyến phục vụ cho phụ huynh và học sinh (cung cấp miễn phí thông báo điểm học tập, rèn luyện qua SMS và qua cổng thông tin; không sử dụng hệ thống nhắn tin thu phí qua điện thoại di động). Đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng sổ, sách điện tử thay vì in ấn. Còn ứng dụng CNTT trong dạy – học gồm ứng dụng trong lớp học, ngoài lớp học; ứng dụng công nghệ E-Learning, sách điện tử, thí nghiệm ảo, thí nghiệm mô phỏng… để bài học hấp dẫn, hiệu quả, phong phú hơn. Trong đó cần đảm bảo tính thiết thực đối với học sinh, giáo viên, phụ huynh và các cấp quản lý giáo dục; ưu tiên sử dụng công nghệ phần mềm nguồn mở.
Bộ GD-ĐT cũng lưu ý các đơn vị trường học không tổ chức hoặc tham gia các cuộc thi với mục đích quảng cáo liên quan đến sản phẩm của các tổ chức kinh doanh.
Tin, ảnh: N.Trinh
Bình luận (0)