“Muốn thi chuẩn quốc tế thì phải có môi trường học tiệm cận với chuẩn quốc tế đó. Chúng ta phải xây dựng các phòng học tiếng, thiết bị nghe nhìn đáp ứng được yêu cầu học ngoại ngữ, tin học”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu nhấn mạnh tại hội nghị tổng kết công tác tổ chức thi chứng chỉ ngoại ngữ tin học năm 2021 tại TP.HCM mới đây.
Để học sinh thi các chứng chỉ chuẩn quốc tế thì không gì khác môi trường giáo dục phải “tiệm cận” với chuẩn quốc tế
Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu cho biết, TP.HCM có hơn 800 trung tâm ngoại ngữ, tin học. Điều này cho thấy sự đầu tư của xã hội, sự quan tâm của TP rất lớn. Quan điểm nhất quán của Sở GD-ĐT là muốn mở rộng, phát triển, hội nhập thì việc đầu tiên ngoại ngữ, tin học phải vững vàng, phải giỏi.
“TP.HCM có thể không hơn các tỉnh ở lĩnh vực nào đó nhưng ngoại ngữ, tin học nhất quyết phải đạt được hơn các tỉnh khác. Bởi vì đầu tư của phụ huynh cho con em mình là rất lớn, ngay từ lớp rất nhỏ, thậm chí là bậc mầm non phụ huynh đã quan tâm cho con học ngoại ngữ, tin học”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Tại TP.HCM, ngay từ cuối những năm 1980, đầu 1990 đã áp dụng tiếng Anh tăng cường, linh động trong việc đáp ứng nhu cầu học tiếng Anh của học sinh TP. Sau này, với các đề án ngoại ngữ quốc gia, TP hướng học sinh đạt các chuẩn quốc tế, không chỉ là nghe, nói, đọc, viết mà còn có thể học được chương trình nước ngoài sau khi tốt nghiệp THPT.
TP.HCM cũng phát triển sớm tin học với tin học tăng cường. Trước khi Bộ GD-ĐT đưa tin học vào giảng dạy từ lớp 3 thì TP đã dạy từ lớp 1. Hiện nay, TP đang xây dựng, mở rộng và nâng lên 1 bậc nữa cho việc giảng dạy tin học trong môi trường quốc tế.
Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP nhận định, ngoại ngữ, tin học là nền tảng của công dân toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh TP.HCM đang đầu tư nhiều đề án lớn về giáo dục thông minh và học tập suốt đời, cũng như đưa ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào các hoạt động của TP, trong đó có giáo dục đào tạo. Giáo dục thông minh phải dựa trên ứng dụng CNTT ở mức độ cao hơn.
Do vậy, ông cho rằng ngay từ bậc tiểu học phải rèn luyện cho học sinh môi trường, nội dung tin học đáp ứng với chuẩn quốc tế cũng như đáp ứng các kỳ thi quốc tế để có thể tiệm cận. Quan tâm việc bồi dưỡng giáo viên…
“Đây là những mục tiêu rất cụ thể, rõ ràng, để đạt được không gì khác là học sinh phải được rèn luyện trong môi trường chuẩn quốc tế. Các em phải được học với trình độ, giáo trình, yêu cầu theo chuẩn quốc tế… Muốn thi chuẩn quốc tế thì phải có môi trường học tiệm cận với chuẩn quốc tế đó. Chúng ta phải xây dựng các phòng học tiếng, thiết bị nghe nhìn đáp ứng được yêu cầu học ngoại ngữ, tin học”, Giám đốc Sở GD-ĐT TP Nguyễn Văn Hiếu đặt yêu cầu.
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, số lượng học sinh tham dự các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh, tin học quốc tế tại TP.HCM giảm mạnh, với tổng số 56.106 thí sinh tham gia. Trong khi đó, con số này của năm 2020 là 110.729 thí sinh năm 2019 là 139.943 thí sinh.
Dù chịu tác động lớn của dịch song với mong muốn mở ra sân chơi trí tuệ cho học sinh, năm học 2020-2021 TP.HCM vẫn nỗ lực tổ chức các hội thi tiếng Anh và tin học quốc tế, thu hút đông đảo học sinh TP tham gia. Đơn cử như Hội thi tiếng Anh quốc tế TOEFL Challenge thu hút 25.000 học sinh tiểu học và 12.000 học sinh THCS; Hội thi tin học quốc tế IC3 Spark và IC3 Challenge với 2.205 học sinh tiểu học và 320 học sinh THCS.
Năm 2022, TP.HCM tiếp tục thực hiện kế hoạch triển khai đề án “Nâng cao năng lực, kiến thức, kỹ năng ứng dụng tin học cho học sinh phổ thông TP.HCM theo định hướng chuẩn quốc tế giai đoạn 2021-2030”; Đa dạng hóa việc kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ của học sinh làm tiền đề để nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong trường học thông qua các kỳ thi chứng chỉ tiếng Anh chuẩn quốc tế; Xây dựng quy chế tổ chức thi chứng chỉ Ứng dụng CNTT và chứng chỉ năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam; Phát triển số lượng thí sinh dự thi các chứng chỉ quốc tế với dự kiến 130.000 thí sinh tham gia.
Yến Hoa
Bình luận (0)