Ý thức được tác hại của rác thải nhựa với môi trường sống và mong muốn thay đổi hành vi, thói quen sử dụng đồ nhựa trong nhà trường, gia đình và xã hội, một nhóm học sinh Trường THPT Tây Thạnh (Q.Tân Phú, TP.HCM) đã xây dựng và triển khai dự án “Plastic or Planet” (nhựa hay là hành tinh). Dự án có sự hỗ trợ, đồng hành của Ban Giám hiệu nhà trường và giáo viên Tổ hóa học.
Học sinh trong trường mang theo bình nước cá nhân mua nước ở căng tin
Dù mới được khởi động từ đầu năm học này nhưng với tính thuyết phục và ý nghĩa thiết thực, dự án đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo học sinh, giáo viên trong trường. Nhưng trên hết, dự án đang góp phần thay đổi thói quen sử dụng đồ nhựa trong mỗi gia đình, trường học, xây dựng môi trường “nói không với rác thải nhựa”.
12.481 sản phẩm nhựa thải ra mỗi ngày
Đây là số lượng rác thải nhựa của học sinh và giáo viên Trường THPT Tây Thạnh thải ra mỗi ngày được nhóm thực hiện dự án thống kê trong một khảo sát về thói quen sử dụng đồ nhựa trên khoảng 500 học sinh và giáo viên tại trường. Theo đó, trung bình mỗi học sinh và giáo viên sử dụng từ 4-8 sản phẩm nhựa mỗi ngày. Kết quả khảo sát còn cho thấy, gần 84% số sản phẩm nhựa sau đó được vứt bỏ trực tiếp ra ngoài môi trường sau khi sử dụng dù chỉ một lần; chỉ có 14,71% sản phẩm được quay vòng tái chế.
“Những con số thật sự ám ảnh và đó mới chỉ là một đơn vị trường học. Như vậy, chúng ta không thể hình dung được số lượng sản phẩm nhựa hiện đang thải ra ngoài môi trường mỗi ngày “khủng” như thế nào. Hầu hết mọi người thường sử dụng sản phẩm nhựa vì tính phổ biến, tiện ích, hợp túi tiền và nghĩ rằng chỉ là một ống hút nhựa, một ly nhựa, một hộp nhựa hay một bịch ni-lông thôi mà. Để giảm thiểu con số này không gì khác là phải thay đổi thói quen của mỗi người”, Trần Trúc Ly (lớp 12A19, thành viên dự án) chia sẻ.
Từ nhận thức đó, nhóm thực hiện dự án đã bắt tay vào hành động: Tìm kiếm những sản phẩm mang tính bền vững, thân thiện với môi trường thay thế những sản phẩm nhựa như ống hút inox, bình nước cá nhân, hộp cơm bằng bã mía; đẩy mạnh tuyên truyền thay đổi thói quen sử dụng sản phẩm nhựa trên mạng xã hội, trong lớp học và sinh hoạt dưới cờ, sáng tác bài hát tuyên truyền; thiết kế riêng những sản phẩm thân thiện môi trường cho dự án; tổ chức các cuộc thi chụp hình cùng bình nước cá nhân để nhận những sản phẩm thiết kế riêng từ dự án.
“Trên những bình nước cá nhân, ống hút inox của dự án có in thông điệp về bảo vệ môi trường và còn được khắc tên người sử dụng. Vì thế tạo được sự thích thú cho học sinh, nhiều thầy cô cũng ủng hộ. Dự án còn thuyết phục các cô chú bán hàng ở căng tin trường không sử dụng những sản phẩm nhựa dùng một lần mà lựa chọn thay thế sản phẩm thân thiện với môi trường từ bã mía”, Phạm Ngọc Phương Tâm (lớp 12A7, thành viên dự án) cho hay.
Từng ngày thay đổi thói quen… xấu
“Trái đất đã chẳng còn như trước nữa… Tôi đang nóng dần bạn đừng đổ thừa”, những câu hát chân thật nhưng đầy ám ảnh này được trích từ bài hát “Hành tinh nhựa” được sáng tác riêng cho dự án. Đây cũng là bài hát lên sóng radio phát thanh của trường vào mỗi giờ ra chơi, như một lời nhắn gửi “đừng đổ thừa” từ phía “người bạn” Trái đất đến với học sinh, giáo viên trong trường. Bài hát cũng được nhóm thực hiện dự án chuyển thể sang tiếng Anh để mở rộng hơn sức lan tỏa.
Nhóm học sinh thực hiện dự án “Plastic or Planet” (nhựa hay là hành tinh) “khoe” những bình nước và ống hút thân thiện với môi trường
Dù mới được triển khai từ đầu năm học nhưng đến nay, dự án đã hình thành nên những “phong trào xanh” trong nhà trường như sử dụng bình nước cá nhân, hộp cơm thân thiện… “Giáo viên chủ nhiệm lớp em là cô Nguyễn Ngọc Thắm không chỉ tiên phong mang theo bình nước cá nhân khi đi dạy mà trong những giờ sinh hoạt chủ nhiệm, cô còn yêu cầu kiểm tra bình nước cá nhân của học sinh lớp. Bạn nào không mang liền bị phạt lao động công ích đồng thời được cô nhắc nhở lần sau nhớ trang bị”, Phạm Ngọc Phương Tâm (lớp 12A7) hào hứng chia sẻ. Trong khi đó, Ngô Vy Quốc Ảnh (lớp 11B2) cho biết ngoài bình nước cá nhân, em còn chuẩn bị đồ ăn sẵn ở nhà để ăn trưa ở trường thay vì mua cơm hộp như trước kia. Những bịch ni-lông cũng được Ảnh rửa sạch, sử dụng lại. Đồng thời em còn tuyên truyền cho ba mẹ hướng đến sử dụng những sản phẩm tái chế, trồng thêm nhiều cây xanh trong khuôn viên nhà. Đầy tự hào, Nguyễn Hoàng Hải Nam (lớp 12A13) cho hay sau khi dự án triển khai, hiện tại cả lớp em đã mang theo bình nước cá nhân, ý thức giữ gìn vệ sinh trong lớp học cũng được nâng cao rõ rệt. “Để tác động đến ba mẹ, em đã tự mình đi mua bao vải để mẹ sử dụng khi đi chợ, tránh sử dụng bao ni-lông đựng thực phẩm”, Hải Nam nói.
Đánh giá về ý nghĩa của dự án, thầy Phạm Văn Cường (Phó Hiệu trưởng nhà trường) cho biết “Plastic or Planet” là dự án của học sinh nhưng có sự đồng hành của giáo viên Tổ hóa học và được nhà trường cấp cho một số kinh phí nhỏ để thực hiện những sản phẩm tuyên truyền. Đến thời điểm này, dự án đã được chuyển giao cho Đoàn trường để cùng các em học sinh tiếp tục thực hiện, lan tỏa và duy trì. “Dự án được phát động và triển khai xuyên suốt trong cả năm học. Mục tiêu lớn nhất của dự án là làm sao thay đổi được thói quen sử dụng sản phẩm nhựa của học sinh, giáo viên, phụ huynh và cả cộng đồng. Để thay đổi một thói quen không phải qua ngày một ngày hai, nhưng từng chút một, thầy và trò cùng góp tay để xây dựng “trường học xanh”, “xã hội xanh” – không rác thải nhựa”, thầy Cường cho biết.
Về phía nhà trường, thầy Cường cho hay, năm học này nhà trường không sử dụng chai nước nhựa, ly nhựa trong những cuộc họp. Căng tin của trường cũng đã chuyển đổi từ đồ hộp xốp thành hộp hữu cơ dễ phân hủy. Đồng thời, môi trường xanh cũng được đẩy mạnh triển khai trong toàn trường.
Bài, ảnh: Yến Hoa
Bình luận (0)