- 1 Xây dựng nhà ở xã hội: Giao chỉ tiêu xây nhà ở xã hội cho từng địa phương
Để thực hiện hiệu quả đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội (NƠXH) cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, cuối tháng 2 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao chỉ tiêu xây dựng NƠXH cho từng địa phương… Theo đó các tỉnh, thành đang nỗ lực tháo gỡ khó khăn để xây dựng NƠXH nhằm đảm bảo chỗ ở an toàn cho người lao động, nhất là người lao động thu nhập thấp…

GS.TS Hoàng Văn Cường – đại biểu Quốc hội khóa 15 – cho biết, NƠXH mang ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Với Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27-2-2025, Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ phát triển NƠXH cho các địa phương. Điều này đánh dấu sự chuyển biến từ mô hình phát triển thụ động trước đây, vốn kém hấp dẫn so với bất động sản thương mại, sang một cơ chế chủ động hơn. Chính sách này tạo điều kiện để các bên liên quan, bao gồm doanh nghiệp, ngân hàng và người dân, chủ động huy động nguồn vốn và lập kế hoạch đầu tư. Sự phối hợp “tam giác” giữa chính quyền, doanh nghiệp và ngân hàng sẽ mang lại hiệu quả cao hơn, đặc biệt trong năm 2025 – thời điểm then chốt để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8%.
“Theo tôi, bất động sản, đặc biệt là NƠXH, sẽ là động lực thúc đẩy tăng trưởng. Việc phát triển NƠXH không chỉ giải quyết nhu cầu an cư mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng sống và tạo xung lực kinh tế – xã hội bền vững”, ông Cường nhấn mạnh.
Thiết lập các khu nhà ở xã hội tập trung
Hà Nội là một trong những địa phương có nhu cầu cao về NƠXH. Ông Dương Tuấn – Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội – cho biết, theo chương trình, kế hoạch phát triển NƠXH, cũng như Quyết định 338 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2021-2025, chỉ tiêu Chính phủ giao cho UBND TP.Hà Nội là có 18.700 căn và phải hoàn thành 16.000 căn theo Quyết định 444 vừa qua. Tính đến hết 2024, Hà Nội đã hoàn thành 11.330 căn hộ và đưa vào sử dụng. Trong năm 2025 tiếp tục hoàn thành 8 dự án đầu tư với khoảng 4.670 căn, đáp ứng theo chỉ tiêu giao tại Quyết định 444 của Thủ tướng Chính phủ vừa qua.
TP cũng đã khởi công một khu vực NƠXH là khu vực Kim Chung, Đông Anh với quy mô 1.200 căn. Ngay trong năm 2025 sẽ tiếp tục khởi công 5 dự án với quy mô 10.220 căn hộ; đồng thời sẽ chấp thuận chủ đầu tư mới với khoảng 6 dự án đầu tư, với quy mô khoảng 10.500 căn hộ. Giai đoạn 2026-2030 sắp tới, theo chỉ tiêu giao là 37.500 căn, Hà Nội cũng chuẩn bị 5 dự án, sẽ có khoảng 57.170 căn hộ đáp ứng các chỉ tiêu được giao.
Song song với đó, Hà Nội cũng tiên phong thiết lập các khu NƠXH tập trung. Hiện nay thành phố đang triển khai 5 khu NƠXH tập trung, trước mắt đang triển khai đấu thầu và chọn nhà đầu tư, với 2 khu NƠXH tập trung trên địa bàn huyện Đông Anh là Tiên Dương 1 và Tiên Dương 2, quy mô đất là 84ha, sẽ cung cấp khoảng 6.500 căn hộ NƠXH trong thời gian tới. Đồng thời 3 khu NƠXH tập trung còn lại tại huyện Đông Anh, Cổ Bi, Gia Lâm và Ngọc Hồi của huyện Thanh Trì, quy mô 160ha cũng sẽ triển khai thời gian tiếp theo.
Chuẩn bị cho quỹ đất theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cũng như Bộ Xây dựng, Hà Nội tiếp tục triển khai 15 quỹ đất với quy mô 1.500ha trong thời gian tới.
Cùng với Hà Nội, TP.HCM cũng đang “rất khát” NƠXH. Ông Bùi Xuân Cường – Phó Chủ tịch UBND TP.HCM – thông tin, Thủ tướng giao TP.HCM trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 tập trung xây dựng 69.300 căn. Tuy nhiên, trên cơ sở chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở đã đưa ra từ trước, chỉ tiêu của TP.HCM phấn đấu cao hơn (93.000 căn NƠXH cho giai đoạn từ nay cho đến 2030).
Hiện nay, TP.HCM có 3 dự án tập trung trong năm 2025, hoàn thành chỉ tiêu 2.874 căn; đồng thời sẽ khởi công 8 dự án với quy mô khoảng 8.000 căn và sẽ chấp thuận chủ trương cho khoảng 5 dự án nữa với khoảng 20.000 căn hộ.
“Toàn hệ thống đã vào cuộc, kể cả Thành ủy, HĐND, UBND. Có những chính sách thành phố đã ban hành trong thời gian vừa qua. Ví dụ, HĐND có nghị quyết cho các chủ đầu tư dự án NƠXH vay tối đa 200 tỷ đồng và hỗ trợ 100% lãi suất với thời hạn 7 năm. Quỹ phát triển ở thành phố cũng cho vay mua NƠXH tối đa 70% giá trị căn hộ nhưng không vượt quá 900 triệu đồng và lãi suất là 3,2%/năm, thời gian là 20 năm. Trong kỳ họp HĐND sắp tới, UBND TP sẽ trình các tờ trình để tháo gỡ, hỗ trợ chủ đầu tư các chi phí trong đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ phí, lệ phí, các nội dung khác liên quan đến quá trình cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất…”, ông Cường cho biết.
Đề xuất Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng
Bên cạnh rất nhiều cơ chế thuận lợi cho nhà đầu tư NƠXH, người mua NƠXH, TP.HCM đang gặp một số khó khăn, vướng mắc cần Trung ương tháo gỡ.
“Chúng tôi kiến nghị, nếu trong quá trình triển khai chấp thuận chủ trương đầu tư, có thể trên cơ sở quy hoạch chung và quy hoạch phân khu 1/2.000 đã được phê duyệt thì chấp nhận chủ trương đầu tư luôn để trên cơ sở đó triển khai song song. Quá trình triển khai duyệt dự án đầu tư sẽ đồng bộ với duyệt quy hoạch phân khu 1/2.000 để tiết kiệm thời gian”, ông Cường kiến nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP.Hà Nội cũng thừa nhận trong quá trình triển khai xây dựng NƠXH, thành phố gặp phải một số khó khăn.
“Chúng tôi xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, đối với các khu NƠXH tập trung nói chung hay các khu NƠXH riêng lẻ nói riêng, căn cứ để đấu thầu và lựa chọn nhà đầu tư, cho phép căn cứ vào quy hoạch phân khu đô thị tỷ lệ 1/5.000, vì các luật khác như Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch đô thị cho phép. Thứ hai là trên cơ sở một quy hoạch lựa chọn ranh giới cho một khu vực phát triển đô thị thì cho phép thực hiện ngay đầu tư giải phóng mặt bằng, không phải trông chờ vào việc thiết lập chủ trương đầu tư hay đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thành công, sau đó mới giải phóng mặt bằng. Nhà nước thực hiện công tác giải phóng mặt bằng sẽ tăng cường quỹ đất chủ động. Thứ ba, phải giảm các thủ tục hành chính. Tất cả phải rà soát quy trình, giao cho Bộ Xây dựng đưa ra một quy trình liên quan đến dự án đầu tư NƠXH cũng như là đấu thầu. Làm sao rút thời gian về khoảng 3 tháng, 6 tháng thì sẽ đảm bảo nguồn lực để chuẩn bị cho NƠXH lớn hơn…”, ông Tuấn đề xuất.
Tuấn Anh
Bình luận (0)