- 1 Xây dựng nhà ở xã hội: Sẽ có nghị quyết đặc thù cho nhà ở xã hội
Ngày 13-4 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 4-2025 để xem xét, cho ý kiến về 4 dự án luật và 2 dự thảo nghị quyết của Quốc hội; trong đó có nghị quyết thí điểm “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội (NƠXH)”. Nghị quyết này sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV (dự kiến khai mạc trong tháng 5).

Vấn đề bức thiết để phát triển nhà ở xã hội
Theo tờ trình đề nghị xây dựng nghị quyết của Quốc hội về thí điểm “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH”, Bộ Xây dựng nêu, thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ NƠXH cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, trong giai đoạn từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn cả nước có 655 dự án NƠXH đã được triển khai với quy mô 593.428 căn, trong đó có 103 dự án dự án hoàn thành với quy mô 66.755 căn; 137 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô 114.618 căn; 415 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư với quy mô 412.055 căn. Như vậy, với số lượng 66.755 căn hộ hoàn thành đến nay mới đạt khoảng 15,6% mục tiêu của đề án đến năm 2025.
Để đảm bảo phát triển NƠXH đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp, các cơ chế chính sách liên quan đến phát triển NƠXH về cơ bản đã được các bộ, ngành và địa phương nghiên cứu, tham mưu, trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành tương đối đầy đủ, có nhiều đổi mới và đồng bộ với các chính sách pháp luật có liên quan. Tuy nhiên việc phát triển NƠXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế…
Chỉ ra những tồn tại, hạn chế, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, hiện chúng ta vẫn chưa có quỹ tài chính để hỗ trợ nguồn lực tài chính cho các địa phương, doanh nghiệp triển khai dự án NƠXH; Việc đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư mặc dù đã được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự đồng bộ và thống nhất với pháp luật về đấu thầu, tuy nhiên còn mất nhiều thời gian; Dự án đầu tư xây dựng NƠXH phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư như các dự án nhà ở thương mại với sự tham gia phối hợp ý kiến của nhiều cơ quan gây tốn kém thời gian của doanh nghiệp; Dự án đầu tư xây dựng NƠXH phải thực hiện lần lượt các thủ tục quy hoạch, thiết kế, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, làm kéo dài thời gian thực hiện của chủ đầu tư; Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã sản xuất trong khu công nghiệp không được thuê NƠXH của các chủ đầu tư cho người lao động của mình ở, trong khi các doanh nghiệp này có nhu cầu chính đáng để chăm lo cho đời sống của người lao động; Chưa có quy định để địa phương sử dụng ngân sách Nhà nước thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hỗ trợ, tạo quỹ đất để phát triển NƠXH.
Cùng với đó, lợi nhuận định mức của chủ đầu tư dự án xây dựng NƠXH chưa thực sự thu hút các doanh nghiệp tham gia.
“Những vấn đề nêu trên đã đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu, xây dựng nghị quyết của Quốc hội cho phép thí điểm: “Một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển NƠXH” nhằm đẩy nhanh tiến độ, rút ngắn thời gian xây dựng dự án đầu tư xây dựng NƠXH, đồng thời hoàn thành mục tiêu đã được đề ra tại Chỉ thị số 34-CT/TW ngày 24-5-2024 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển NƠXH trong tình hình mới”, ông Sinh nhấn mạnh.
7 chìa khóa mở nút thắt cho nhà ở xã hội
Theo tờ trình của Bộ Xây dựng có 7 cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NƠXH, đặc biệt thực hiện mục tiêu hoàn thành ít nhất 1 triệu căn NƠXH đến năm 2030.
Thời gian qua, tại các hội nghị, cuộc họp của Chính phủ về phát triển NƠXH, rất nhiều chuyên gia, doanh nghiệp đồng tình với 7 cơ chế, chính sách mà Bộ Xây dựng đề xuất.
Theo đó, Bộ Xây dựng đề xuất thành lập “Quỹ phát triển NƠXH quốc gia” từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước và nguồn vốn hợp pháp khác để có nguồn vốn bền vững, dài hạn cho phát triển NƠXH.
Chính sách thứ 2 là thí điểm cho UBND cấp tỉnh giao chủ đầu tư dự án NƠXH không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trên cơ sở đề xuất của cơ quan chuyên môn là Sở Xây dựng; Bộ Quốc phòng, Bộ Công an giao chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở cho lực lượng vũ trang nhân dân không qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được giao chủ đầu tư dự án NƠXH bằng nguồn tài chính công đoàn không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
“Trong quá trình tổ chức các hội nghị về tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng ghi nhận nhiều phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực phát triển NƠXH. Theo đó, doanh nghiệp phản ánh hiện nay quy định về trình tự thủ tục, thời gian để phát triển một dự án NƠXH là khá lớn – khoảng 300 ngày. Tại một số địa phương như TP.HCM, trong trường hợp triển khai linh hoạt các thủ tục song song và áp dụng thời gian thực hiện tối thiểu theo quy định thì cũng mất trên 200 ngày”, ông Sinh chia sẻ.
Chính sách đặc thù thứ 3 là dự án NƠXH không phải thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; văn bản giao chủ đầu tư thay thế văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư. Mục đích nhằm đơn giản các thủ tục hành chính trong quá trình triển khai dự án đầu tư xây dựng NƠXH.
Chính sách thứ 4 là thực hiện đồng thời các thủ tục quy hoạch, thiết kế, công tác chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư, trong đó lồng ghép một số thủ tục: thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của cơ quan chuyên môn về xây dựng… vào thủ tục cấp phép xây dựng.
Chính sách thứ 5 là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp được thuê NƠXH của các chủ đầu tư để cho người lao động của mình ở. Điều này nhằm mở rộng đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về NƠXH.
Chính sách thứ 6 là cho phép UBND cấp tỉnh được sử dụng vốn ngân sách Nhà nước và sử dụng nguồn vốn từ Quỹ phát triển NƠXH quốc gia để giải phóng mặt bằng nhằm rút ngắn thời gian thực hiện dự án, thu hút các nhà đầu tư xây dựng dự án NƠXH.
Cuối cùng là cho chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận định mức tối đa 13% tổng chi phí đầu tư xây dựng đối với phần diện tích xây dựng NƠXH thay vì 10% như hiện nay là thấp, không đủ bù đắp rủi ro đầu tư dài hạn.
Tuấn Anh
Xây dựng nhà ở xã hội: Kéo dài thời gian vay ưu đãi đối với nhà ở xã hội
Bình luận (0)