Đây là năm thói quen điển hình cần được xây dựng, củng cố và duy trì thường xuyên để giúp các em vừa đón Tết nhiều vui vẻ, ý nghĩa vừa giúp trẻ ứng xử phù hợp đúng chuẩn mực trong những ngày đầu năm mới.
Nên cho trẻ thói quen làm việc nhà cùng ba mẹ để chuẩn bị Tết. Ảnh: IT
Mỗi thời có mỗi cách biểu hiện đón Tết khác nhau, nhưng trẻ vui như Tết thì dường như dấu ấn, cảm xúc như nhau. Phần lớn những đứa trẻ rất háo hức chờ đón không khí vui tươi ngày Tết đến, tâm lý thường thấy là các em mong được giải tỏa áp lực sau những thời gian học hành, hướng đến ngày Tết để các em được vui chơi, thư giãn, được xả stress, được mua sắm quần áo mới hoặc đi chơi du lịch nơi này nơi kia. Khi đó, nếu thiếu sự kiểm soát kịp thời của cha mẹ trẻ dễ hình thành một số thói quen không tích cực có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm sinh lý như sinh hoạt không điều độ, thức khuya, dậy muộn, ăn uống thất thường, vui chơi quá đà. Ngược lại, cũng có nhiều điều hay lẽ phải được củng cố hoặc mới hình thành có thể trở thành những thói quen đạo đức có giá trị trong những ngày Tết truyền thống. Sau đây là năm thói quen điển hình cần được xây dựng, củng cố và duy trì thường xuyên để giúp các em vừa đón Tết nhiều vui vẻ, ý nghĩa vừa giúp trẻ ứng xử phù hợp đúng chuẩn mực trong những ngày đầu năm mới.
1. Thói quen thể hiện đạo hiếu nghĩa qua các nghi lễ trong gia đình: Coi trọng việc thờ cúng tổ tiên và ứng xử lễ nghĩa với ông bà, họ hàng, làng xóm là thói quen được thể hiện rõ nhất trong những ngày Tết. Người lớn nên giúp trẻ hiểu được ý nghĩa tinh thần hướng về cội nguồn, đoàn tụ, sum vầy bên người thân của ngày Tết cổ truyền, những việc trẻ phải bày tỏ trách nhiệm của mình đối với mỗi thành viên trong gia đình như sự quan tâm, gần gũi, chăm sóc, hỏi thăm… một cách chân thành. Nếu như các em được giáo dục bài bản, được hướng dẫn, giúp đỡ thì chúng càng thấy được giá trị của việc thể hiện lễ nghĩa và hành động một cách tự nguyện, tự giác. Điều này càng có ý nghĩa hơn trong cuộc sống thường ngày, hành vi hiếu nghĩa cũng như các thủ tục nghi lễ trong ngày Tết sẽ giúp các em lặp lại một cách bền vững và duy trì trong sinh hoạt, cách sống, đó cũng là giá trị cốt lõi cần được giữ gìn và phát huy.
2. Thói quen ứng xử đẹp: Đến thăm, chào hỏi và chúc Tết đối với những người trong gia đình, họ hàng, thầy cô và những người xung quanh cũng chính là thói quen ứng xử lịch thiệp, văn hóa mà cha mẹ có thể xây dựng cho trẻ từ trong những ngày Tết và duy trì thường xuyên trong cuộc sống. Mỗi lời nói, mỗi hành động giao tiếp của trẻ trong ngày Tết thường được mọi người đánh giá, phán xét. Hơn nữa tâm lý người Việt thường hay chú ý nhiều đến lời hay ý đẹp qua cách ứng xử như truyền thống “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”. Vì vậy, nếu như người lớn hướng dẫn, chỉ bảo, uốn nắn giúp trẻ xây dựng và củng cố những cung cách ứng xử đẹp này sẽ là thói quen tốt để hình thành nét văn hóa đẹp trong giao tiếp hàng ngày cho trẻ.
3. Thói quen tri ân, bày tỏ lòng biết ơn đến người yêu thương, giúp đỡ, cưu mang mình: Không phải đứa trẻ nào cũng có thể tự giác để thực hiện một tấm lòng thơm thảo với người khác, thậm chí ngay cả những người có công nuôi dưỡng, chăm sóc, dạy dỗ mình nên người. Ngày Tết là cơ hội để dạy trẻ biết cách thể hiện, bày tỏ bằng thái độ và hành vi chuẩn mực trong lời nói và việc làm cụ thể đối với những người mà mình mang ơn.
Trong không khí ấm cúng, thiêng liêng của ngày Tết, trẻ sẽ có động lực để thể hiện sự tri ân của mình. Song, những cảm xúc, hành vi bày tỏ lòng biết ơn phải được hình thành dần dần qua cuộc sống, phải có sự đồng cảm, biết chia sẻ, phải hiểu được những giá trị của tình người, tính người. Từ đó, các em có ý thức được của sự tri ân, hướng về những người mình hàm ơn. Vì thế, những hành động tưởng chừng đơn giản trong ngày Tết như lì xì mừng tuổi, nói lời chúc thọ ông bà, cha mẹ, họ hàng, dòng tộc… Những đóng góp bằng vật chất, tinh thần trong việc xây dựng nhà thờ họ, những công trình công cộng mỗi dịp Tết đến… đều có ý nghĩa đạo đức cao cả làm gương để thế hệ trẻ noi theo. Vì vậy, thói quen thể hiện sự tri ân này là cần thiết và phải được phát huy.
Thói quen là những hành động được lặp đi lặp lại nhiều lần và thường liên quan đến nhu cầu, lối sống, nếp sống hàng ngày nên khi được hình thành thì thói quen thường bền vững. Một khi những thói quen tốt trong ngày Tết cổ truyền hình thành ở trẻ thì có thể được duy trì lâu bền và trở thành cung cách ứng xử, nét văn hóa tự nhiên trong cuộc sống sau này. |
4. Thói quen làm việc nhà cùng gia đình: Trách nhiệm với công việc gia đình không phải dễ hình thành và được các em thực hiện một cách tự giác. Mỗi dịp Tết đến cha mẹ tạo điều kiện cho các em tham gia việc nhà một cách vừa sức, đầy hứng thú và được khích lệ động viên thì có thể giúp các em mang lại cảm xúc tích cực và trở thành thói quen bền vững sau này. Khi được giao những việc nhà cụ thể như dọn dẹp, trang trí phòng khách, nơi thờ tự, chuẩn bị mâm ngũ quả, làm dưa món, các loại bánh, kẹo, mứt, thức ăn ngày Tết… Trẻ sẽ ý thức được trách nhiệm của mình và mong muốn được mọi người trong gia đình ghi nhận khả năng của mình nên sẽ rất nỗ lực cố gắng để làm tốt. Một nghiên cứu tâm lý trẻ em đã cho thấy, những đứa trẻ làm việc nhà, nhất là những dịp quan trọng của gia đình như ngày Tết đến, sẽ có cuộc sống hài hòa, hạnh phúc hơn khi lớn lên. Điều này dạy trẻ rằng chúng là một thành viên có ích của gia đình và xã hội nên phải có trách nhiệm đóng góp để xây dựng. Những đứa trẻ này khi trưởng thành hiểu được rằng công việc là một phần tất yếu của cuộc sống và lao động sẽ giúp chúng hoàn thiện nhân cách của mình. Khi hòa nhập vào xã hội, trẻ có xu hướng chủ động, tự tin hơn tại nơi làm việc và có kỹ năng làm việc nhóm tốt hơn.
5. Thói quen biết sắp xếp kế hoạch các công việc ngày Tết hợp lý: Tết đến thì đứa trẻ nào cũng thích vui chơi là chính và không muốn để cha mẹ phải nhắc nhở chuyện mình phải làm gì. Một kinh nghiệm quý trong giáo dục trẻ tự giác học tập và làm việc nhà ngày Tết là cha mẹ phải cùng con thiết lập một kế hoạch các công việc trong những ngày Tết càng chi tiết, cụ thể càng tốt. Trẻ thường ham vui, kỹ năng kiểm soát cảm xúc chưa tốt, nên cha mẹ phải cùng trẻ xây dựng thói quen giờ nào việc nấy, học ra học, chơi ra chơi, kể cả ngày Tết. Cha mẹ phải nhất quán, thì trẻ mới nghiêm túc thực hiện, và khi học tập có hiệu quả, mà trẻ còn biết phụ giúp gia đình, đồng thời, được chơi thoải mái, nên trẻ sẽ chấp hành nghiêm kế hoạch chính tay chúng xây dựng nên.
TS. Nguyễn Văn Công (Giảng viên tâm lý học)
Bình luận (0)