Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xây dựng quan hệ thầy – trò

Tạp Chí Giáo Dục

Hoạt động ngoại khóa giúp quan hệ giữa thầy và trò gần gũi hơn. Ảnh: N.Anh

Thời gian qua vấn đề bạo lực học đường (BLHĐ) như là một vết đen nhức nhối của toàn xã hội. Có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nhà giáo dục phân tích nguyên nhân và đề xuất giải pháp để giảm thiểu vấn nạn này. Song, số lượng các vụ BLHĐ vẫn tiếp tục gia tăng.
Điều đáng báo động là tính chất mức độ phạm tội của các đối tượng này ngày càng phức tạp, gây hậu quả nghiêm trọng. Có ý kiến cho rằng, BLHĐ có nguyên nhân sâu xa từ gia đình, hoặc cũng có ý kiến cho rằng xuất phát từ môi trường xã hội. Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kỹ những vụ BLHĐ gần đây lại mang không ít dấu ấn trong việc giải quyết mối quan hệ giữa thầy – trò. Hiện tượng học sinh nhắn tin đe dọa, mang hung khí đến lớp, đánh thầy cô… phải chăng vấn đề đặt ra là giải quyết mối quan hệ thầy – trò còn nhiều lỗ hổng chưa được quan tâm đúng mức?
Những năm gần đây ngành GD-ĐT đã có nhiều cuộc vận động như “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”… Tuy nhiên, trên thực tế một số thầy cô chưa làm tốt việc hình thành những phẩm chất đạo đức, lối sống tốt đẹp cho người học, chú trọng việc trang bị kiến thức sách vở hơn là giáo dục phẩm chất nhân cách, quan hệ thầy – trò có những rạn nứt. Như GS.VS Phạm Minh Hạc đã nói: “Chúng ta mới chú ý đến việc dạy chữ và một phần nào đó là dạy nghề, còn việc dạy làm người chưa được quan tâm thích đáng. Nhà trường cần thay đổi, các thầy cô giáo phải là tấm gương sáng về mặt đạo đức”1. Để góp phần ngăn chặn BLHĐ, theo chúng tôi cần giải quyết tốt kỹ năng quan hệ thầy – trò trong môi trường học đường. Vì vậy những người làm công tác giảng dạy cần chú ý một số điểm lưu ý sau:
Nắm vững tâm lý người học
Chúng ta đặt vị trí của giáo viên vào vị trí người học để tiến hành điều khiển, điều chỉnh. Muốn tiến hành hoạt động giáo dục, dạy học hiệu quả thì điều đầu tiên phải hiểu được đời sống tâm hồn học sinh. Điều này luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, điều này không ít giáo viên còn xem nhẹ. GS.TS Dương Phú Hiệp cho rằng: “…giáo dục nhà trường thường nặng về lý trí truyền đạt một chiều mà nhẹ về tình cảm, tâm lý, phát huy tính chủ động của học sinh”2. Mỗi học sinh là một thế giới riêng với những đặc điểm về nhận thức, sở trường, nhu cầu, hứng thú, nguyện vọng, hoàn cảnh gia đình… Nếu giáo viên nắm vững được điều này thì họ đã thực hiện tốt một kỹ năng quan trọng trong quá trình giáo dục – dạy học. Trên thực tế, một số giáo viên còn mang tính áp đặt dẫn đến học sinh mất hứng, gây ức chế, phản cảm trong mối quan hệ thầy – trò. Hiểu học sinh, khám phá đời sống các em, để biết được các em đang có những gì? khó khăn ra sao? vấn đề gì bức xúc chưa được giải quyết, chia sẻ, giúp đỡ… từ đó người dạy sẵn sàng làm điểm tựa tinh thần vững chắc để các em có thể “đề kháng”, “miễn dịch” được với những thói quen xấu dễ bị tập nhiễm ở môi trường xung quanh. Cần chú ý, điểm tựa là quan trọng không phải chỉ nhằm giải quyết những khúc mắc về tâm lý mà là mọi vấn đề từ học hành, định hướng nghề nghiệp, cách ra quyết định, cách xử lý áp lực và các cách thức ứng xử trước những tình huống không mong muốn trong môi trường học đường. Ngược lại, nếu như giáo viên tạo khoảng cách quá lớn người học sẽ luôn mang tâm lý sợ hãi, khó thân thiện, cởi mở và khó bộc lộ bản thân, thậm chí chúng còn tìm cách chống đối thầy cô. Vì vậy, cần phải rút ngắn khoảng cách, không tạo ra “hàng rào tâm lý”, thiết lập không gian tâm lý gần gũi với người học. Chúng ta đang thực hiện khẩu hiệu “trường học thân thiện” điều đó cũng bao hàm cả sự đồng cảm, gần gũi, sẻ chia. Do đó, giáo viên hãy là những nhà tư vấn tâm lý thực thụ, là điểm tựa cùng các em, chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng, gỡ rối những vướng mắc chưa được giải quyết. Họ phải như những người anh, người chị, người bạn chân thành của học sinh.
Dạy học sinh cách làm người
Mọi khó khăn trong nhận thức và cuộc sống sẽ được giải quyết nếu như quan hệ giữa người dạy và người học là quan hệ tích cực, thân thiện – đó chính là một trong những liệu pháp quan trọng ngăn ngừa tình trạng BLHĐ đang gia tăng hiện nay.
Người giáo viên không chỉ dạy chữ mà còn dạy học sinh cách làm người. Vì vậy, phải dùng nhân cách của mình để giáo dục nhân cách người học. Cụ thể là lấy hình mẫu người thầy để làm gương cho học trò, dùng ngôn ngữ, hành động cụ thể để hướng dẫn, giúp đỡ người học. Luôn phải chủ trương tinh thần “tiên học lễ, hậu học văn”. Mỗi nhà giáo là một nhân cách, là những “tấm gương sáng” để người học rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, phát triển các phẩm chất nhân cách cần thiết. “Sản phẩm” của người thầy là những con người phải có động cơ trong sáng, phải biết đồng cảm, chia sẻ, giúp đỡ mọi người, phải biết đặt lợi ích cá nhân sao cho phù hợp với tinh thần tập thể, cộng đồng xã hội. Muốn vậy, trước hết bản thân người thầy phải luôn tu dưỡng đạo đức, nâng cao năng lực chuyên môn, luôn phải làm “kiểu mẫu” về mọi mặt, có như vậy thì mới có tác dụng giáo dục. Giáo viên phải tôn trọng, hợp tác, dân chủ trong quan hệ với học sinh, thừa nhận giá trị của mỗi em như là một nhân cách đang hình thành và phát triển, tôn trọng cá tính và bí mật riêng tư của học sinh, không bao giờ dùng lời nói hay hành vi xúc phạm làm ảnh hưởng đến học sinh. Tuy nhiên, thu hẹp khoảng cách không có nghĩa là “cào bằng”, “thầy không ra đạo thầy, trò không phải đạo trò” mà mục đích quan trọng nhất là tạo ra bầu không khí tâm lý thoải mái tích cực, cách giải quyết vấn đề phù hợp để giúp các em cân bằng tâm lý, suy nghĩ, hành vi tích cực…
ThS. tâm lý Nguyễn Văn Công
1. Phạm Minh Hạc. Một số vấn đề giáo dục Việt Nam đầu thế kỷ XXI, NXB GDVN, 2010, tr.562.
2. Dương Phú Hiệp: Triết lý về một số quan hệ trong giáo dục Việt Nam hiện nay. Tạp chí Khoa học giáo dục, số 73, tháng 10-2011, tr 3

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)