Nhiều người quan niệm rằng, đã sống ở Sài Gòn là người con của Sài Gòn. Có lẽ đó là lý do mà người ta hướng về thành phố Sài Gòn ngày một nhiều hơn – nơi “đất lành chim đậu”. Vậy, làm thế nào để chúng ta xây dựng thành phố ngày càng giàu đẹp hơn, văn minh hơn và nghĩa tình hơn? Làm thế nào để thành phố mang tên Bác thực sự là thành phố đáng sống? Điều đó không khó nếu mỗi người con Sài Gòn thực sự hành động ngay từ ngày hôm nay và hành động bắt đầu từ việc nhỏ.
Mỗi chúng ta, tuổi tác, nghề nghiệp không phải ai cũng giống ai. Nhưng chúng ta có thể giống nhau khi cùng nhau hành động để xây dựng thành phố Hồ Chí Minh bằng những việc làm thiết thực trong khả năng của mình. Ở ngã tư ngã năm, mỗi khi dừng đèn đỏ chúng ta thường thấy nhan nhản tờ rơi bay tứ tung. Phải chăng do người phát tờ rơi? Hay chính ý thức kém của người nhận tờ rơi rồi tiện tay xả rác? Để đường phố sạch đẹp hơn, chúng ta cần ý thức bảo vệ chung bằng một việc làm hết sức đơn giản: “Không xả rác bừa bãi”. Kênh Nhiêu Lộc giờ đã sạch đẹp hơn, thông thoáng hơn, cá được thả nhiều hơn, thế nhưng người dân vẫn lấn chiếm làm nơi tổ chức ăn uống, mua bán, tổ chức câu cá (dẫu cho nhiều tấm bảng ghi rõ không được câu cá) như thường. Việc làm đó cũng phần nào nói lên ý thức kém của con người. Chỉ cần nghĩ đến vì lợi ích cộng đồng ắt hẳn sẽ trả lại hình ảnh đẹp ở nơi đây.
Khi dừng đèn đỏ, người rẽ phải chỉ vì muốn nhanh hơn mấy giây mà bấm còi inh ỏi, đôi lúc còn dùng lời tục tĩu chửi người phía trước. Thậm chí, khi đèn đỏ còn mấy giây, các xe sau bấm còi “báo” cho những xe phía trước chạy, nhất là những bác tài xe buýt bấm còi làm cho những người xung quanh giật bắn cả mình. Chỉ cần chờ mấy giây nhưng sao lại khó đối với một số người đến thế. Việc chạy xe ngược chiều cũng khá phổ biến. Nhiều người chạy ngược chiều, đã sai luật còn lớn tiếng với người đi đúng luật. Sao người ta sai lại còn hống hách như thế trong lúc mình là người có lỗi? Va chạm nhau một chút, chuyện đáng lẽ không có gì nhưng đôi khi lại dẫn tới ẩu đả, tới cái chết thương tâm. Chỉ một nụ cười, chỉ một lời xin lỗi, đơn giản như thế, đẹp như thế mà sao vẫn là việc khó đối với một số người.
Nhìn những bình trà đá miễn phí, bơm xe miễn phí, vá xe miễn phí cho người tàn tật, bữa cơm 2.000 đồng cho người nghèo, chúng ta thấy người Sài Gòn sao mà nghĩa tình thế. Những đứa trẻ nuôi heo đất sẵn sàng đập heo để giúp đỡ đồng bào gặp thiên tai hay giúp những người bạn mắc bệnh hiểm nghèo. Những tấm lòng thơm thảo đang góp phần làm đẹp cho ngôi nhà chung – thành phố Hồ Chí Minh.
Tất cả những hình ảnh đẹp và không đẹp này hằng ngày chúng ta vẫn nhìn thấy trên đường phố. Vậy, cái gì đẹp chúng ta nên phát huy để thành phố ngày càng nghĩa tình, những gì chưa đẹp thì chúng ta hạn chế – việc này ai cũng làm được – để thành phố ngày càng văn minh. Đó là ở ngoài phố. Còn “ở trong nhà”: Cơ quan, công ty, trường học thì sao? Nơi học tập và làm việc, nếu những người lãnh đạo thực sự là tấm gương sáng ắt hẳn nhân viên, học sinh sẽ học tập được những điều tốt đẹp ấy. Đơn cử trong môi trường giáo dục, ban giám hiệu, thầy cô luôn hết mình vì học sinh thân yêu thì tương lai hái được những quả ngọt dâng cho đời.
Thái Hoàng (Giáo viên Trường THPT Thành Nhân – TP.HCM )
Bình luận (0)