Theo các chuyên gia, để xây dựng thành phố khởi nghiệp phải có hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó bao gồm cơ sở hạ tầng, con người, chính sách…
Doanh nghiệp công nghệ giới thiệu sản phẩm game
Học tập các thành phố khởi nghiệp
Bàn về việc xây dựng thành phố khởi nghiệp, TS. Võ Trí Thành (Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu cạnh tranh) cho rằng thành phố khởi nghiệp đã và đang được một số quốc gia hướng đến. Tại Việt Nam, startup bùng phát mạnh vào năm 2016 và chỉ sau 6 năm, hàng loạt doanh nghiệp khởi nghiệp ra đời, trong đó có nhiều doanh nghiệp gây tiếng vang không chỉ trong nước mà còn ở nước ngoài. Theo TS. Võ Trí Thành, startup phát triển bắt nguồn từ các yêu cầu: Nền kinh tế chuyển sang giai đoạn phát triển mới dựa vào năng suất, vào sự sáng tạo và đổi mới công nghệ; khát vọng của Việt Nam là không chỉ bắt kịp mà còn đi cùng thời đại và vượt trước thời đại, bắt nguồn từ cảm hứng, từ kinh nghiệm thực tiễn của các quốc gia. Từ các yêu cầu này, hệ thống chính sách dần hoàn thiện, được đầu tư nhân lực, cơ sở hạ tầng… Đó là nền móng vững chắc để xây dựng và phát triển thành phố khởi nghiệp.
Tiếp cận ở góc độ khác, PGS.TS Bùi Quang Tuấn (Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam) nhìn nhận, bên cạnh con người thì còn nhiều yếu tố để phát triển thành phố khởi nghiệp. Ấn Độ là quốc gia phát triển sớm về công nghệ dựa trên nền tảng công nghệ thông tin với 30 thành phố và tiểu bang xây dựng chính sách khởi nghiệp. Hiện quốc gia này có 41.317 doanh nghiệp khởi nghiệp, tạo ra nhiều việc làm ở các cấp độ. Trong khi Việt Nam chưa đến 5.000 doanh nghiệp khởi nghiệp. “Giá trị tích lũy của hệ sinh thái khởi nghiệp Ấn Độ là rất lớn nhờ tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp. Các tỉnh/thành phố tại Việt Nam cần nghiên cứu, tham khảo chính sách của họ để xây dựng chính sách cho mình. Thành phố khởi nghiệp phải học tập kinh nghiệm của thành phố khởi nghiệp chứ không thể học tập theo chính sách của quốc gia”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn gợi ý.
PGS.TS Bùi Quang Tuấn đánh giá, ở Việt Nam đến thời điểm này về cơ bản hành lang pháp lý là tốt, có định hướng. Cụ thể, Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030; có quyết định xây dựng Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số và nền kinh tế số. Tháng 5-2022 đã thông qua chiến lược công nghệ giai đoạn 2021-2030. Ngoài ra còn có những chính sách liên quan đến chuyển đổi số, tăng trưởng xanh… “Về cơ bản có định hướng, vấn đề là đưa ra giải pháp cụ thể như thế nào đối với mỗi địa phương. Muốn xây dựng TP.HCM trở thành thành phố khởi nghiệp, trước hết cần rà soát các điều kiện để phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp. Nhấn mạnh các yếu tố quan trọng bậc nhất, trong đó có cả môi trường chính sách, kết nối, sáng tạo… để TP.HCM trở thành thành phố khởi nghiệp ở tất cả các lĩnh vực”, PGS.TS Bùi Quang Tuấn nói.
Tinh thần khởi nghiệp mang tính cốt lõi
Theo các chuyên gia, cơ chế chính sách khởi nghiệp đã có nhưng vẫn còn vướng. Hệ sinh thái khởi nghiệp đã hình thành nhưng cần xác định trọng tâm lĩnh vực, khu vực để có thể kết nối nhiều hơn các nguồn lực. Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, cần nghiên cứu những mô hình cụ thể, từ đó có đánh giá đúng để xây dựng chính sách tài chính, đất đai cho khởi nghiệp, đặc biệt là thể chế tài chính, thay thế các quy định không còn phù hợp. Bên cạnh đó cần có trung tâm đổi mới sáng tạo theo nhiều mô hình khác nhau, theo các ngành khác nhau và có liên kết với nhau, với nơi cung cấp nguồn nhân lực, nơi cung cấp môi trường để tạo ra ý tưởng. PGS.TS Bùi Quang Tuấn cho biết thêm, thành phố khởi nghiệp không thể thiếu nhà đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư phải tham gia từ đầu, tham gia rồi thì tất cả phải giải quyết vấn đề lớn đối với TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung, đó là vấn đề tương tác, hợp tác, liên kết.
Theo PGS.TS Bùi Quang Tuấn, các yếu tố hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gồm: Vị trí hình thành, điều kiện công nghệ và công nghiệp, các tổ chức vườn ươm hiệu quả, các startup và doanh nghiệp khởi nghiệp thành công, môi trường kinh doanh và môi trường đầu tư, sự tương tác của các tác nhân trong hệ sinh thái khởi nghiệp, văn hóa khởi nghiệp và thái độ doanh nhân… Xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp phải dựa trên các nguyên tắc: Các điều kiện của địa phương; thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân ngay từ đầu; ưu tiên phát triển những doanh nghiệp có tiềm năng và năng lực đổi mới sáng tạo cao; khắc phục những thách thức trước mắt thông qua chương trình truyền thông và giáo dục; chú trọng vào thực lực của startup; không xóa bỏ các cụm công nghiệp, cải cách khuôn khổ pháp lý, quy định của pháp luật. |
Trong khi đó, TS. Nguyễn Anh Tuấn (Sở Quy hoạch – Kiến trúc TP.HCM) cho rằng xây dựng thành phố khởi nghiệp phải bắt đầu bằng tinh thần khởi nghiệp. Tinh thần này không phải là tinh thần đổi mới mà tìm cái mới từ yếu tố mang tính cốt lõi, căn bản trong hệ sinh thái. Ngoài ra, cần thoát khỏi tư duy, cách làm máy móc trong xử lý công việc, đột phá hơn trong quản lý Nhà nước. Khi TP.HCM được xem là thành phố khởi nghiệp thì công chức Nhà nước đều có tinh thần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, mạnh dạn đề xuất về cơ chế, chính sách. Đồng thời đầu tư hiệu quả hơn cho nghiên cứu, chính sách thu hút nguồn lực đầu tư vào Việt Nam. TP.HCM phải đóng vai trò dẫn dắt trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, việc kết nối nguồn lực với các tỉnh/ thành trong vùng là cơ sở để xây dựng thành phố khởi nghiệp. Hơn nữa, TP.HCM cũng đang nắm nguồn nhân lực lớn với hệ thống hơn 100 trường CĐ-ĐH. TP.HCM có thể hướng tới ĐH khởi nghiệp và xây dựng hệ thống doanh nghiệp khởi nghiệp từ những trường này.
TS. Nguyễn Anh Tuấn cũng nhấn mạnh đến văn hóa hợp tác và đối tác trong xây dựng thành phố khởi nghiệp. Theo đó, hợp tác công tư trong và ngoài nước; quan hệ liên quận, sở ngành…; hợp tác gữa Nhà nước và người dân, tổ chức phi chính phủ, đối thoại để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng; hợp tác giữa con người với thiên nhiên, tôn trọng quy luật thiên nhiên. Nếu làm xáo trộn thiên nhiên sẽ không phát triển bền vững và khó phát triển thành phố khởi nghiệp. “Tinh thần kiến tạo mới, nguồn lực sáng tạo mới từ doanh nghiệp, từ cộng đồng, đặc biệt là cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ số… cũng là những điều kiện cần đê phát triển thành phố khởi nghiệp”, TS. Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ thêm.
Bài, ảnh: T.Tri
Bình luận (0)