Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 được tổ chức với hình thức, nội dung thiết thực, hiệu quả và phù hợp công tác phòng chống dịch Covid-19. Qua đó, khuyến khích giảng viên, sinh viên, học sinh tham gia các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức về văn hóa đọc; khơi dậy lòng ham mê và xây dựng thói quen đọc sách trong gia đình, trường học.
Sinh viên đọc sách tại thư viện trường
Thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Bộ GD-ĐT đã đề nghị giám đốc các sở GD-ĐT, thủ trưởng các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ sư phạm tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 thiết thực, hiệu quả.
Củng cố thói quen đọc sách
Bộ GD-ĐT cho rằng hoạt động trên khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn nhân cách con người; nâng cao nhận thức về văn hóa đọc; khơi dậy lòng ham mê và hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập. Theo đó, Bộ GD-ĐT định hướng tập trung vào việc tiếp tục tuyên truyền ý nghĩa của Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2022 đến cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo, học sinh, sinh viên. Trong đó, chú ý thông qua các hình thức như mạng xã hội, hội nghị, hội thảo, tọa đàm… Khuyến khích phụ huynh đồng hành, ủng hộ các phong trào xây dựng tủ sách lớp học; tổ chức các hoạt động luân chuyển sách, báo, tài liệu và trưng bày giới thiệu sách; xây dựng các góc đọc, thư viện cùng học. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao kỹ năng tìm kiếm thông tin trực tuyến; kỹ năng tiếp nhận và sử dụng tài nguyên thông tin thông qua việc đọc; bồi dưỡng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ về quản lý vận hành thư viện cho cán bộ thư viện trường học. Bên cạnh đó, tiếp tục hưởng ứng, tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc năm 2022” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Các cơ sở giáo dục ĐH phối hợp chặt chẽ với các cơ sở giáo dục thường xuyên, giáo dục phổ thông xây dựng, kết nối, chia sẻ tài nguyên giáo dục mở đáp ứng nhu cầu học tập thường xuyên, học tập suốt đời của cán bộ, giáo viên, học sinh, sinh viên và người dân.
Đa dạng hoạt động cho sinh viên
Đến nay, nhiều hoạt động kéo sinh viên về với sách đã được nhiều trường ĐH tổ chức. Theo đó, tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM), Hội sách sinh viên được một nhóm sinh viên khoa Báo chí – Truyền thông tổ chức hưởng ứng Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2022, từ đó khuyến khích văn hóa đọc và lan tỏa tinh thần bảo vệ môi trường. Trong khuôn khổ hội sách, sinh viên được đổi 1 quyển sách cũ lấy 1 quyển sách khác, nhận quyên góp sách và thu gom pin cũ. Những cuốn sách còn lại sau sự kiện sẽ được quyên góp cho các tủ sách cộng đồng. Tương tự, Trường ĐH Mở TP.HCM cũng thực hiện tủ sách cộng đồng hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam (21-4), qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của sách và giá trị nuôi dưỡng tâm hồn ở sách; xây dựng và tuyên truyền văn hóa đọc; nâng cao kiến thức, kỹ năng và phát triển tư duy, giáo dục; rèn luyện nhân cách con người; tạo dựng môi trường đọc thuận lợi. Chương trình nhận sách cũ quyên góp, hướng thông điệp nhắc nhở và xây dựng thói quen tiết kiệm và tái sử dụng hiệu quả, từ đó góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên.
Bên cạnh tủ sách, nhà trường còn tổ chức hội thảo “Hành trang khởi nghiệp qua những trang sách”, tạo cơ hội cho sinh viên được lắng nghe, mở rộng thêm kiến thức khởi nghiệp một cách thiết thực, sinh động. Những câu chuyện khởi nghiệp thực tế này được chia sẻ bởi các khách mời vừa là doanh nhân vừa là những tác giả mang tầm ảnh hưởng như: Ông Phan Minh Thông (Chủ tịch tập đoàn Phúc Sinh – công ty chuyên về xuất khẩu hồ tiêu, đứng thứ 4 trong 8 công ty xuất khẩu cà phê lớn nhất cả nước), tác giả cuốn sách “Sáng tạo không giới hạn trong kinh doanh” đã bán được 13.000 bản in và tác phẩm “Vượt lên, những con đường kinh doanh” được tung ra thị trường trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát; bà Phan Thị Tuyết Mai (Tổng Giám đốc công ty chuyên xuất khẩu nông – hải sản, người sáng lập thương hiệu thực phẩm Mori – thực phẩm có nguồn gốc từ cây chùm ngây), là tác giả cuốn sách “Cooking With Madam Tuyết Mai” đã được đưa lên Kindle Store của Amazon.
Trong khi đó, ông Lâm Thanh Minh (quyền Trưởng phòng Công tác chính trị và sinh viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho biết, Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm nay sẽ được nhà trường tổ chức trong hai ngày 20 và 21-4 trực tiếp với các hoạt động trưng bày, giới thiệu sách; phát hành sách giảm giá phục vụ giảng viên, sinh viên. Thông qua việc khuyến khích, tăng cường đọc sách, nhà trường hướng đến đổi mới phương pháp dạy học trên cơ sở vận dụng kiến thức từ sách cũng như phát triển phong trào đọc sách, phát huy giá trị của sách, nâng cao giá trị đời sống văn hóa tinh thần, truyền thống hiếu học của dân tộc. Song song đó, nhà trường cũng triển khai cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc” cho sinh viên với chủ đề “Khát vọng phát triển đất nước”. Tại đây, sinh viên có thể tham gia thi hình thức viết tay, đánh máy, dựng clip, hội họa; trong đó chia sẻ cảm nhận về cuốn sách truyền cảm hứng cho bản thân, khơi dậy lối sống tích cực, khát vọng cống hiến, xây dựng và phát triển đất nước. Đồng thời, sinh viên nêu sáng kiến kinh nghiệm nhằm phát triển văn hóa đọc cho cộng đồng. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức buổi giao lưu giới thiệu sách “Lời nói làm nên cổ tích” cho sinh viên.
Cũng trong khuôn khổ chương trình “Hành trang khởi nghiệp qua những trang sách”, thư viện Trường ĐH Văn Lang phối hợp với Hội đồng Phát triển sách doanh nhân tổ chức buổi tọa đàm chủ đề “Sống cảm hứng” thu hút đông đảo sinh viên tham dự qua hình thức trực tiếp và trực tuyến trên nền tảng ứng dụng MS Teams. Chương trình này không chỉ có ý nghĩa cổ vũ sinh viên đọc sách mà còn mong muốn các em thấy được tầm quan trọng, vai trò và vị trí của việc đọc sách đối với sự phát triển nói chung và trong lĩnh vực kinh doanh nói riêng.
Bài, ảnh: Việt Ngân
Bình luận (0)