Là doanh nghiệp bia địa phương thành lập khá muộn, nhưng trong những năm qua, nhờ có hướng đi đúng đắn và cách làm hiệu quả, công ty Bia Huế (Huda) đã có bước phát triển không ngừng.
Từ công suất ban đầu chỉ 3 triệu lít/năm, đến nay công ty Bia Huế đã đạt công suất 150 triệu lít, và theo đà phát triển đến đầu năm 2010 sẽ đạt sản lượng 230 triệu lít/năm. Không chỉ chinh phục được cảm tình của người tiêu dùng trong nước, sản phẩm của Huda còn chiếm lĩnh thị trường nước ngoài và trở thành một trong những thương hiệu hàng đầu của Việt Nam.
Công ty bia Huế thành lập năm 1990 dưới tên gọi Nhà máy Bia Huế, công suất ban đầu 3 triệu lít/năm, chỉ đủ đáp ứng nhu cầu giải khát của người dân cố đô lúc bấy giờ. Vì vậy, để có được ngày hôm nay, những nỗ lực của công ty là không nhỏ.
Riêng một lối đi
Vào giữa những năm 90, các công ty bia địa phương đều lâm vào tình trạng khó khăn do máy móc thiết bị cũ kỹ lạc hậu, năng lực sản suất thấp và thiếu những sản phẩm chất lượng cao. Nhằm khắc phục tình trạng trên, đa phần các doanh nghiệp này đều chuyển hướng sang tập trung sản xuất bia hơi, hoặc sáp nhập với các công ty bia lớn, có tên tuổi để gia công sản phẩm cho họ.
Với người dân Huế và người dân miền Trung, Bia Huda không chỉ là một thương hiệu, một sản phẩm nó còn là niềm tự hào của dải đất đầy nắng và gió này.
|
Với mong muốn duy trì và phát triển được thương hiệu truyền thống riêng mình, năm 1994, ban lãnh đạo Nhà máy Bia Huế đã quyết định liên doanh với Tập đoàn Carlsberg (Đan Mạch) – một thương hiệu bia nổi tiếng và có bề dày truyền thống lâu đời trên thế giới. Cũng từ đó trở đi, Huda Beer chính thức ra đời. Do hợp tác hiệu quả với đối tác cũng như mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng sản xuất kinh doanh, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm nên sau một thời gian ngắn, bia Huda đã chinh phục được hoàn toàn người dân xứ Huế, thị trường được mở rộng ra hầu hết các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên. Sản lượng của công ty không ngừng tăng và đưa Huda trở thành một trong những tên tuổi lớn và quen thuộc trong làng bia Việt Nam.
Đầu tư hiệu quả
Đầu năm 2006, mặc dù sản lượng của công ty lúc này đã đạt con số 70 triệu lít/năm, nhưng do nắm bắt được thị hiếu của người tiêu dùng nên sản phẩm sản xuất đến đâu tiêu thụ ngay đến đó, tình trạng cung không đáp ứng đủ cầu diễn ra thường xuyên, đòi hỏi công ty một lần nữa lại phải mở rộng sản xuất kinh doanh.
Ban lãnh đạo công ty đã bàn bạc và đi đến quyết định phải nhanh chóng đầu tư mở rộng, nâng cao năng lực sản xuất, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng. Được sự tư vấn, giúp đỡ nhiệt tình của các chuyên gia tập đoàn Carlsberg cùng sự mạnh dạn, tự tin của đội ngũ cán bộ kỹ thuật tâm huyết, yêu nghề nên công ty Bia Huế đã chọn giải pháp hết sức khả thi, hiệu quả và hạn chế thấp nhất chi phí. đó là ưu tiên đầu tư máy móc thiết bị theo mức độ quan trọng của dây chuyền công nghệ.
Ông Nguyễn Mậu Chi – TGĐ công ty nhớ lại: hồi đó, đối với những khâu quan trọng trong dây chuyền sản xuất, có ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng sản phẩm thì chúng tôi kiên quyết nhập khẩu từ những nhà sản xuất công nghệ bia nổi tiếng trên thế giới. Còn đối với nhưng bộ phận phụ thì chúng tôi nhập khẩu từ Trung Quốc hay trực tiếp sản xuất tại chỗ. Một trong những nguyên tắc được chúng tôi đưa ra lúc bấy giờ là dù nhập khẩu hay sản xuất trong nước thì đều phải là những sản phẩm chất lượng tốt, xuất xứ rõ ràng và từ những doanh nghiệp sản xuất trực tiếp chứ không qua các doanh nghiệp thương mại, các khâu trung gian, nhằm đảm bảo mức giá hợp lý nhất.
Nhờ những biện pháp đúng đắn và hợp lý sau một thời gian ngắn, giai đoạn 1 của nhà máy bia Phú Bài với năng lực sản xuất 80 triệu lít/năm đã hoàn thành và đi vào sản xuất, cho ra đời các sản phẩm đạt chất lượng quốc tế, được các chuyên gia kiểm nghiệm của tập đoàn bia Carlsberg đánh giá rất cao. Không chỉ có vậy, phần hạ tầng kỹ thuật của giai đoạn 2 nhà máy bia Phú Bài cũng đã hoàn thành nhằm đón đầu để nâng công suất của nhà máy lên 160 triệu lít vào đầu năm 2010, góp phần đưa tổng công suất của toàn công ty lên 230 triệu lít/năm, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu thụ bia trong nước và đẩy mạnh XK.
Một trong những điều mà tất cả các đối tác liên doanh tâm đắc, đó chính là tổng mức đầu tư cho nhà máy bia Phú Bài cho đến thời điểm này chỉ 407 tỷ đồng – bằng một nửa thậm chí là ít hơn nữa so với một dây chuyền được nhập khẩu đồng bộ mà các doanh nghiệp khác vẫn làm, trong khi chất lượng của thiết bị và sản phẩm rất tốt và luôn ổn định, không thua kém bất cứ dây chuyền hiện đại nào tại Việt Nam hiện nay.
Chiếm lĩnh thị trường
Bất cứ ai đã từng đặt chân lên dải đất miền Trung đều cảm nhận rất rõ mức độ ảnh hưởng của các sản phẩm bia Huế đối với đời sống văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây. Hiện các sản phẩm của Huda đã có mặt và chiếm lĩnh hầu hết thị trường miền Trung trải dài từ Nghệ An tới Bình Định, Khánh Hòa, vòng qua các tỉnh Tây Nguyên. Có những địa phương mà sản phẩm của Huda luôn thống trị và là sự lựa chọn duy nhất của người dân như: ở Huế là 95%, Quảng Trị là 92%, Quảng Bình là 80%, Hà Tĩnh là 90% và một loạt các tỉnh khác, thậm chí là vươn ra tận Hà Nội và TP HCM…
Do nắm bắt được thị hiếu người tiêu dùng, chính sách giá cả hợp lý nên từ năm 2005 trở lại đây, mức độ tăng trưởng bình quân của Bia Huda luôn đạt con số ấn tượng khoảng 25 – 26%, gấp đôi mức tăng trưởng của ngành bia Việt Nam. Sản lượng bán ra của công ty năm sau cũng luôn cao hơn năm trước và thể hiện qua các con số: 2006 là 84 triệu lít, 2007 là 106 triệu lít, 2008 là 130 triệu lít, và 2009 chắc chắn sẽ vượt qua mốc 150 triệu lít.
Huda không chỉ chinh phục thị trường trong nước mà còn vươn ra các thị trường trên thế giới như: Mỹ, Anh, Canada, Australia, Tây Ban Nha, Pháp và các nước Châu Á như: Nhật Bản, Indonesia, Malaysia, Campuchia… Không chỉ “lấy lòng” được người tiêu dùng, Tập đoàn bia Carlsberg cũng đã công nhận công ty Bia Huế là doanh nghiệp xuất sắc nhất Châu Á năm 2008.
Để làm được điều đó, ngoài chính sách thị trường và khách hàng hợp lý, công ty Bia Huế còn áp dụng quy trình sản xuất nghiêm ngặt với những tiêu chí kỹ thuật cụ thể nhằm đảm bảo sự ổn định về chất lượng sản phẩm. Ngay từ khâu đầu vào nguyên liệu, các khâu sản xuất đều bắt buộc phải trải qua các bước kiểm tra, phân tích bởi các cán bộ kỹ thuật giỏi, nhiều năm kinh nghiệm của công ty cùng các chuyên gia đến từ bia Carlsberg.
Hiện công ty Bia Huế là doanh nghiệp có mức thu nhập bình quân của người lao động cao nhất toàn tỉnh, khoảng 4,4 triệu đồng/tháng. Năm 2008, Huda đã đóng góp vào ngân sách tỉnh 830 tỷ đồng, bằng một nửa thu ngân sách toàn tỉnh Thừa Thiên – Huế. Dự kiến, năm 2009, mức đóng góp này sẽ đạt 900 tỷ đồng. Điều này cũng thêm một lần khẳng định trí lực Việt vì mặc dù là một công ty liên doanh có vốn góp lớn của đối tác nước ngoài nhưng toàn bộ Ban lãnh đạo công ty Bia Huế đều là người Việt Nam.
Sản phẩm của nghĩa tình
Cùng chúng tôi đi tham quan nhà máy, ông Chi bộc bạch: người dân miền Trung và Tây Nguyên thưởng thức bia Huế không đơn thuần chỉ vì sản phẩm thơm ngon hay giá cả phù hợp mà còn bởi một lý do quan trọng khác đó là vì cái nghĩa, cái tình. Nói như thế quả không ngoa bởi trong suốt những năm qua, Bia Huế luôn theo sát hơi thở cuộc sống của miền Trung và Tây Nguyên, chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn, cùng người dân vượt qua những khó khăn, nhọc nhằn của vùng đất cằn cỗi quanh năm đầy nắng và gió.
Ông Chi cho biết: nhiều năm trở lại đây, công ty Bia Huế luôn là đơn vị dẫn đầu trong các phong trào đền ơn đáp nghĩa, các chương trình vì cộng đồng: xóa đói giảm nghèo, xây nhà tình nghĩa, chăm sóc Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng và người già neo đơn, trao tặng học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo vượt khó… Đặc biệt hàng năm Huda cũng luôn là doanh nghiệp tích cực nhất tham gia khắc phục những thiệt hại do thiên tai, bão lũ gây ra.
Bên cạnh đó, công ty Bia Huế còn tham gia tài trợ cho nhiều hoạt động văn hóa thể thao tại khu vực như: Festival Huế, hội đua thuyền Quảng Nam, giải bóng đá sinh viên miền Trung và Tây Nguyên, các lễ hội địa phương… và đặc biệt là tài trợ cho đội bóng đá hạng nhất mang tên Huda Huế. Tất cả người dân xứ Huế đều rất tự hào. họ cho rằng việc tài trợ cho đội bóng không đơn thuần chỉ là việc xây dựng thương hiệu, mà nó còn khơi dậy lòng tự hào của người dân xứ Huế, là sự ngóng trông và giải tỏa nỗi khát khao của những người con xa xứ mỗi khi nhớ đến quê hương.
Chia tay tôi, một cán bộ trong công ty hồ hởi tiết lộ: Vừa qua, khi sang thăm Việt Nam, chính ngài Rasmussen – Chủ tịch toàn cầu Tập đoàn Carlsberg đã tỏ ra rất ngạc nhiên và đặt câu hỏi: Tại sao kinh tế toàn cầu đang suy thoái, kinh tế Việt Nam cũng giảm sút dẫn đến sức mua suy yếu, trong khi miền Trung lại là vùng đất nghèo nhất của Việt Nam, nhưng không hiểu vì lý do gì mà 3 tháng đầu năm 2009, công ty Bia Huế lại có mức tăng trưởng hơn 50%?
Câu hỏi này có lẽ không ai khác ngoài những người tài giỏi, tâm huyết và yêu nghề của công ty Bia Huế mới có câu trả lời chính xác nhất.
Tiến Dũng (dddn)
Bình luận (0)