Nấm hương, cẩm thạch và đông trùng hạ thảo là những loài nấm quý, hiếm được nhân giống và nuôi trồng thành công tại Đà Lạt, chính thức mang thương hiệu Việt Nam cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại được nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc…
Trồng thành công nấm quý
Tiến sĩ (TS) Trương Bình Nguyên (Đại học Đà Lạt) cho biết, đã nuôi trồng thành công nấm đông trùng hạ thảo, bán sản phẩm nấm sấy khô ra thị trường. Anh cũng vừa nghiên cứu hoàn thiện quy trình sản xuất viên thực phẩm chức năng từ nấm này và đang triển khai đăng ký nhãn hiệu. TS Nguyên kể, khi còn công tác ở Phân viện Sinh học Đà Lạt (Viện Sinh học Tây nguyên), anh được đi tu nghiệp nghiên cứu về nấm ở Đức, sau đó làm nghiên cứu sinh tại Nhật Bản, một trong những nước dẫn đầu thế giới về sản xuất nấm.
Giảng viên ở Nhật đã tặng anh giống đông trùng hạ thảo có nguồn gốc từ Tây Tạng, loại nấm quý ngày càng khan hiếm do bị săn lùng và khai thác quá mức. Từ xa xưa, đông trùng hạ thảo được biết đến như một trong những vị thuốc quý bồi bổ sức khỏe, tăng cường khả năng miễn dịch, ngăn ngừa ung thư; có tác dụng tích cực với các bệnh thận hư, liệt dương, di tinh… Anh mang về Đà Lạt nghiên cứu nhân giống, tìm những điều kiện thích hợp về môi trường, nhiệt độ, độ ẩm… để nấm phát triển. Sau 2 năm nghiên cứu với nhiều “mẻ nấm” thất bại, anh mới hiểu rõ đặc điểm sinh học của loài nấm này để chăm sóc đúng cách. Những mẫu nấm mà anh nuôi trồng được gửi về cơ quan chức năng ở TPHCM để phân tích cho kết quả khả quan.
Cũng với 2 năm nghiên cứu, TS Nguyên cùng các cộng sự ở Viện Sinh học Tây nguyên đã nuôi trồng thành công nấm bunashimeji (cẩm thạch) có nguồn gốc từ Nhật Bản, loại thực phẩm cao cấp có khả năng kháng oxy hóa, chứa hoạt chất chống lão hóa… được ưa chuộng ở nhiều nước. “Qua phân tích cho thấy, hàm lượng chất xơ, lipid, protein… trong nấm cẩm thạch Đà Lạt đều đạt chuẩn”, TS Nguyên nói.
“Nấm đông trùng hạ thảo của chúng tôi được bán dưới dạng sấy khô hoặc bột nấm với giá 10 triệu đồng/kg. Giá nấm cẩm thạch trên dưới 100 ngàn đồng/kg, còn nấm hương khoảng 85 ngàn đồng/kg, xấp xỉ giá nấm nhập từ Trung Quốc. Mẫu mã dẫu chưa đẹp nhưng nấm sản xuất tại Đà Lạt giòn, tươi và có vị thơm hơn do không phải vận chuyển quá xa, sản xuất tới đâu tiêu thụ hết tới đó”. TS Trương Bình Nguyên |
Nhận định có thể nuôi trồng với quy mô lớn để cạnh tranh với nấm cẩm thạch Trung Quốc đang chiếm lĩnh thị trường Việt Nam, Sở KH&CN TPHCM đã đầu tư 1 tỷ đồng để Viện Sinh học Tây Nguyên triển khai dự án sản xuất thử nghiệm. Loại nấm này chỉ thích hợp với vùng có khí hậu thấp, mà Đà Lạt mát mẻ quanh năm, do đó có thể tận dụng các điều kiện tự nhiên để nuôi trồng chứ không đòi hỏi công nghệ cao. Điều này giúp giảm đáng kể các chi phí đầu tư cơ bản, từ đó giảm giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh.
Khi đi thực tập ở Hokkaido, vùng nổi tiếng về nấm hương (nấm đông cô), TS Nguyên mang một số meo nấm về trồng thử tại Đà Lạt. Anh còn sưu tầm một số giống nấm hương từ Trung Quốc, Thái Lan… “Nước ngoài đã chọn lọc được những giống nấm hương có năng suất rất cao. Tuy nhiên, khi đưa về trồng ở Đà Lạt lại có những hạn chế nhất định. Tôi đã lai các giống này với một số giống nấm hương tìm thấy trong rừng Việt Nam để có bộ giống tốt”, anh kể. Ở Nhật, chất Lentinan chiết xuất từ nấm hương được dùng như một liệu pháp phụ trợ trong tiến trình dùng hóa trị liệu chữa ung thư.
Sản xuất nấm theo tiêu chuẩn VietGAP
Trước những kết quả khả quan đó, một số người đã tìm đến hợp tác cùng TS Nguyên thành lập Cty CP Nguyên Long và đầu tư gần 10 tỷ đồng mở trang trại trồng nấm tại xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, vùng giáp ranh với thành phố Đà Lạt) thu hút hàng chục lao động. Trang trại rộng 1,2 ha gồm khu nhà lạnh để nuôi trồng những loại nấm mới, cao cấp, hàng chục nhà nấm sản xuất nấm hương và cẩm thạch, mỗi ngày cho thu hoạch trên dưới 100 kg nấm tươi mỗi loại; khu vực rộng 500 m2 sản xuất và chế biến nấm đông trùng hạ thảo; 800 m2 làm phôi nấm giống.
Trang trại nuôi trồng nấm sạch theo quy trình khép kín, được kiểm soát từ khâu đầu đến khâu cuối đạt tiêu chuẩn VietGAP. Việc sản xuất phôi nấm giống được tiến hành trên dây chuyền tự động từ công đoạn đóng chai, vô bao, cấy giống đến vô trùng, làm mát… Giá thể dùng trồng nấm gồm mạt cưa của cây keo, cao su hoặc so đũa với những nguyên liệu bổ sung dinh dưỡng như cám gạo, cám bắp được phối trộn qua các công đoạn xử lý công nghệ cao. Phôi được cấy giống rồi đưa vào nhà nấm nuôi trồng, tưới bằng nguồn nước sạch và hoàn toàn không bón phân. Mỗi mẻ nấm đều được ghi lý lịch cụ thể về tên, giống, ngày đóng phôi, cấy giống, người cấy… để có thể truy xuất tìm nguyên nhân trong trường hợp nấm bị nhiễm bệnh…
Ngay từ khi trang trại cho ra lò những mẻ nấm cẩm thạch đầu tiên, Cty TNHH Cao Nguyên Xanh (TPHCM) đã hợp đồng bao tiêu sản phẩm. Nấm hương được các doanh nghiệp đặt hàng với số lượng lớn để đưa vào siêu thị, nhà hàng.
Theo TPO
Bình luận (0)