Ngày 12-11, Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài với chủ đề: “Kiều bào chung sức xây dựng TP.HCM phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế” đã diễn ra tại TP mang tên Bác.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh (trái) trao đổi cùng các kiều bào bên lề hội nghị. Ảnh: Q.Huy |
Hội nghị do Bộ Ngoại giao phối hợp cùng UBND TP.HCM tổ chức với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; lãnh đạo TP.HCM và trên 500 đại biểu là các chuyên gia, doanh nghiệp cư trú tại 36 nước và vùng lãnh thổ.
Rộng cửa chào đón kiều bào
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Thủ tướng – Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: Hội nghị là sự kiện lớn đầu tiên triển khai cho kiều bào với riêng TP.HCM. “Vì TP.HCM không chỉ từng là “Hòn ngọc Viễn Đông” trước đây mà còn là đầu tàu phát triển và luôn đi đầu cả nước trong tiến trình mở cửa, hội nhập quốc tế hiện nay”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Phó Thủ tướng khẳng định: “Đảng và Nhà nước luôn xác định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam. Kiều bào ta, dù xa Tổ quốc nhưng luôn mang trong mình lòng yêu nước, quê hương, hướng về cội nguồn. Kiều bào là cầu nối tăng cường tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước. Các hoạt động hợp tác về khoa học – công nghệ, đầu tư, kinh doanh, tài chính của kiều bào hiện nay đã trở thành nguồn lực quan trọng, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển của đất nước. Trong số hơn 500 đại biểu có mặt tại đây, người cao tuổi nhất 85, trẻ nhất 33, có vốn tri thức, kinh nghiệm phong phú và đa dạng ở nhiều lĩnh vực khác nhau và từ nhiều nước trên thế giới nhưng có một điểm chung vô cùng quý báu và đáng trân trọng là đều tâm huyết với sự phồn vinh của đất nước…”.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết thêm, trong những năm qua TP.HCM luôn giữ vị trí đầu tàu, là trung tâm quy tụ động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của cả nước. Trong giai đoạn 2015-2020, TP đã triển khai thực hiện chương trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng đúng định hướng, phát triển từ chiều rộng sang chiều sâu, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hướng đến chất lượng, hiệu quả và tính bền vững… Tuy vậy, việc huy động nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài đối với sự phát triển của TP vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra. Ở một số lĩnh vực, vai trò và đóng góp của kiều bào trên địa bàn TP vẫn chưa phát huy tối đa hiệu quả, chưa tương xứng với tiềm năng tri thức, vốn kinh nghiệm quốc tế và nguồn tài chính quan trọng mà cộng đồng kiều bào đã tích lũy.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong kêu gọi: “TP hiện đang đứng trước yêu cầu chuyển biến mạnh mẽ cả về thể chế, chính sách, nguồn nhân lực. TP luôn cầu thị, nghiêm túc, trách nhiệm trên cơ sở nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp hết sức tâm huyết, quý báu của kiều bào”.
Cần tạo ra cơ chế xứng đáng với kiều bào
Đó là mong mỏi của nhiều kiều bào là nhà khoa học, chuyên gia. Ông Nguyễn Đức Khương (kiều bào Pháp) cho rằng, để TP.HCM phát triển thành một TP bền vững cần tạo lập cơ chế huy động tất cả các chủ thể kinh tế cùng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực con người. Và để sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, cần tạo ra cơ chế sử dụng và đãi ngộ xứng đáng cho các chuyên gia, nhà khoa học là kiều bào…
GS. Trần Hải Ninh (Việt kiều tại Hàn Quốc) lưu ý, cần có chiến lược phát triển rõ ràng trong việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Đó là cần trao cho đội ngũ chuyên gia kiều bào, có thể mỗi một châu lục một chuyên gia. Đổi mới khoa học công nghệ, phải được ứng dụng vào trong thực tế cuộc sống.
Thu hút nguồn lực kiều bào TP.HCM hiện có khoảng 200 chuyên gia, trí thức kiều bào từ nhiều quốc gia hợp tác làm việc tại TP, đồng thời có hơn 2.500 doanh nghiệp của kiều bào đang thực hiện 122 dự án. TP cũng là nơi thu hút phần lớn dòng kiều hối trong những năm qua, chiếm gần 50% so với cả nước. Cụ thể, tính đến cuối tháng 9-2016, lượng kiều hối chuyển về TP qua các kênh chính thức đạt 3,25 tỷ USD, tăng hơn 12% so với tháng trước và tăng khoảng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự báo năm nay, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM gần 6 tỷ USD. Chính Quân |
Một vấn đề đáng được quan tâm, theo GS. Ninh đó là khi Hàn Quốc vừa kết thúc chiến tranh, nền khoa học – công nghệ và giáo dục lạc hậu, họ đã có cách làm là gửi những nhân tố xuất sắc ra du học nước ngoài, kèm theo một chế độ đặc biệt khi họ về nước công tác. Chính cách làm đó, đã tạo ra một nền GD-ĐT Hàn Quốc hiện đại – tiên tiến như hiện nay. Vì vậy, theo GS. Ninh việc kêu gọi nguồn lực của kiều bào về Việt Nam cống hiến cũng cần mạnh dạn áp dụng như Hàn Quốc, chắc chắn kiều bào sẽ về để cống hiến.
Còn theo GS. Nguyễn Đức Khương, Chủ tịch Hội Khoa học và chuyên gia Việt Nam, cho biết: “Rất nhiều người Việt là nhà khoa học và chuyên gia hàng đầu đang công tác ở khắp nơi trên thế giới đã đang đóng góp ít nhiều vào sự phát triển chung của Việt Nam. Theo tôi, TP.HCM có thể đạt được mục tiêu TP bền vững thông qua việc tạo cơ chế để huy động tất cả các chủ thể kinh tế cùng tham gia, nâng cao chất lượng nguồn lực con người. Và phải có chiến lược cụ thể, rõ ràng hơn trong vấn đề đào tạo nguồn lực mà bắt nguồn từ đào tạo bậc phổ thông…
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Trước đây TP.HCM là “Hòn ngọc Viễn Đông”, bây giờ phải xây dựng TP.HCM là “Hòn ngọc tỏa sáng biển Đông”. Muốn vậy, sự đóng góp vận động người Việt Nam ở nước ngoài vào mục đích đó đặc biệt quan trọng. “Tôi đánh giá cao những nỗ lực, cố gắng của bà con kiều bào luôn hướng về xây dựng đất nước. Do đó, nếu chúng ta không làm tốt sẽ không thoát được “bẫy thu nhập trung bình” vì tham nhũng, lợi ích nhóm…”, Thủ tướng nói.
Lê Quang Huy
Bình luận (0)