Xây dựng TP.HCM trở thành thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình không dễ bởi còn vướng cơ chế, hạ tầng thiếu quy hoạch tổng thể, thiếu không gian sống, chính sách an sinh xã hội còn hạn chế…
TS. Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo |
Đó là ý kiến của các chuyên gia, đại diện sở, ngành tại buổi Hội thảo tham vấn kế hoạch thực hiện dự án tầm nhìn về thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình chu kỳ 2017-2021 do Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổ chức sáng 1-12.
Nhiều trở ngại
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tiên Phong (đại diện Chương trình phát triển Liên Hiệp Quốc – UNDP) đã đưa ra các giải pháp thực hiện hiệu quả 7 chương trình đột phá và các chương trình, dự án tạo ra cộng hưởng để đạt kết quả cao. Theo đó, các giải pháp cụ thể là sáng tạo về quản lý nước thải, phòng chống ngập lụt và tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi; Khuyến khích hệ thống giao thông xanh, bao trùm và thông minh; Các phương án được thí điểm nhằm phát huy nỗ lực chỉnh trang và phát triển các tiện ích đô thị cũng như phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo việc làm cho người dân.
Dự án này còn mong muốn nâng cao tính minh bạch trong các dự án đầu tư và trách nhiệm giải trình của người đứng đầu và đo mức độ hài lòng của người dân. Đặc biệt, cần tăng cường tính đồng bộ các chương trình của thành phố trong các dự án ODA.
Ông Lê Thanh Sang, Viện trưởng Viện Khoa học xã hội vùng Nam bộ cho rằng, thực hiện các chương trình đột phá của TP.HCM, thách thức lớn nhất là nguồn nhân lực. Vì vậy, nhóm nghiên cứu lưu ý làm thế nào để xây dựng nguồn nhân lực trong bộ tiêu chí hướng đến thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình. Ngoài ra, bộ tiêu chí cần nhiều nội dung để tạo môi trường sống lành mạnh, giảm tệ nạn xã hội. Đặc biệt là kết cấu hạ tầng, không gian sống không bị chi phối bởi các dự án, là nguyên nhân phá vỡ mục tiêu tổng thể dài hạn.
Ở góc độ khác, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM đề xuất, trong bộ tiêu chí cần nhấn mạnh vai trò của tư nhân tham gia xây dựng dự án và cả người dân bị tác động trực tiếp và gián tiếp bởi chương trình này.
Ông Nguyễn Đức Thịnh, Trưởng phòng Cải cách hành chính, Sở Nội vụ nói: “Với một thành phố đông dân nhập cư, trình độ dân trí thấp nên cần cân nhắc những tiêu chí để người dân có thể vượt qua rủi ro, tổn thương có thể xảy ra”.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhìn nhận: “Đây là dự án có tham vọng lớn đúng định hướng, tuy nhiên trở ngại lớn là khó kiểm soát quy mô dân số, những vấn đề liên quan đến cơ chế vùng, thẩm quyền, phân cấp của quận, huyện cũng ảnh hưởng lớn đến thực hiện dự án. Thêm nữa là do cạnh tranh nên liên kết vùng cũng còn hạn chế nhất định. “Một thành phố hiện đại mà không an ninh là không ổn. Xây dựng bộ tiêu chí thế nào để người dân tự do làm ăn, khởi nghiệp và cùng xây dựng thành phố khởi nghiệp”, bà Thảo kỳ vọng.
Đừng vì khó mà “bó tay”
TS. Trần Du Lịch, thẳng thắn: “Trước đây, TP.HCM đã xây dựng tiêu chí này, HĐND cũng đã lấy chỉ số hài lòng ở người dân, tuy nhiên sau đó không thực hiện nữa. Chúng ta đừng chạy theo phong trào mà phải làm từ việc nhỏ nhất, việc có thể làm được trước mắt. TP.HCM không có một dự án nào được thực hiện đồng bộ mà mạnh ai nấy làm. Nếu như có quy hoạch tổng thể, dành 5-7% quỹ đất các dự án ở các vùng trũng để làm hồ điều tiết thì không có chuyện ngập như hôm nay. Khu Thảo Điền (Q.2) là ngoại ô nhưng nay bị kẹt xe từ 7 đến 9 giờ 30 sáng là do quy hoạch của chúng ta kém”.
Theo đó, ông Lịch đề xuất, TP.HCM cần tập trung xây dựng bộ tiêu chí, từ đó rà soát các chương trình đột phá, dự án quy hoạch xây dựng, giao thông, dự án đầu tư ngân sách dựa theo bộ tiêu chí đó. “Nếu không thành phố vẫn cứ loay hoay, không phát triển được”, ông Lịch nhấn mạnh.
Về vấn đề này, ông Nguyễn Tiên Phong đề xuất: Chính quyền thành phố phải xây dựng cơ chế phối hợp giữa các sở, ngành và các đối tác phát triển vận hành thông suốt. Các dự án này có thể được ngân hàng tài trợ, tập trung vào quản lý rác thải, tăng trưởng xanh, cải thiện khả năng chống chịu và phục hồi được xây dựng.
Tại đây, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, để xây dựng thành phố sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình thì cơ bản phải xóa điểm ngập theo mưa, theo triều cường ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân, nâng cao ý thức người dân đối với môi trường sống. Đặc biệt, phải trả lại hiện trạng tự nhiên cho các kênh rạch.
Ông Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM chia sẻ: Dự án này kế thừa ý tưởng bộ tiêu chí trước đây và chia thành các lớp, trong đó cụ thể hóa cho từng lĩnh vực. Mỗi tiêu chí có tiêu chí định lượng và định tính, sẽ giao các bộ tiêu chí cho các sở ngành có nhiệm vụ thực hiện. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM tổng hợp và trình UBND TP.HCM phê duyệt, chậm nhất là quý 2-2017.
Trần Anh
Bình luận (0)