Nhiều ý kiến cho rằng, TP.HCM cần có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, trong đó có một chương trình tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp thuộc TP. Bởi hiện nay nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho xây dựng và phát triển TP.HCM trở thành đô thị thông minh chưa tương xứng.
Học sinh giỏi cấp quốc gia, thành phố là nguồn nhân lực chất lượng cao trong tương lai của TP.HCM. Ảnh: Ngọc Trinh
Phát triển nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng, là ưu tiên hàng đầu cho phát triển kinh tế – xã hội TP.HCM. Tuy nhiên, đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành có kiến thức liên ngành tại TP.HCM hiện rất ít. Số lượng nhân lực chất lượng cao còn thấp. Phần lớn sinh viên tốt nghiệp chưa đủ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, kỹ năng mềm để tiếp cận công việc, nhất là các kỹ năng mà thị trường lao động cần, đòi hỏi nhà tuyển dụng phải đào tạo sau tuyển dụng. Cùng với đó, tình trạng sử dụng bất hợp lý nguồn nhân lực, tỷ lệ không sử dụng hết trình độ chuyên môn kỹ thuật từ 16-24%.
Bắt đầu từ giáo dục phổ thông
ThS. Nguyễn Thị Kim Ngân – Học viện Chính trị khu vực II, Học viện Chính trị Quốc gia TP.HCM – cho rằng, TP cần xây dựng nguồn nhân lực có trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông, phát triển theo hướng nâng cao, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho người học cũng như tiếp tục mở rộng thí điểm đưa nội dung trí tuệ nhân tạo đến với HS. Ở bậc CĐ, ĐH cần tạo liên kết giữa các cơ sở đào tạo có uy tín để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng đa ngành ở các lĩnh vực đang cần như điện tử – công nghệ thông tin, cơ khí – tự động hóa, công nghệ thực phẩm, logistics, thương mại điện tử, chuyên gia y tế, công nghệ cao… Đồng thời tạo điều kiện để các cơ sở đào tạo tiếp cận và nghiên cứu tạo ra những ứng dụng hữu ích nhằm phát huy tính sáng tạo.
Theo ThS. Kim Ngân, lâu nay chúng ta chỉ chú trọng đầu tư nguồn nhân lực chất lượng ở bậc ĐH và sau ĐH. Việc xây dựng nguồn nhân lực có trình độ quốc tế từ giáo dục phổ thông là để nguồn nhân lực cần có thời gian đào tạo lâu dài, được tiếp cập với những thành tựu tiên tiến của khoa học công nghệ từ sớm. Còn đối với liên kết đào tạo đa ngành, nếu thực hiện sẽ tiết kiệm được thời gian, kinh phí đào tạo lại của doanh nghiệp cũng như tự nâng cao trình độ và bổ sung kiến thức của nguồn nhân lực.
“Nguồn nhân lực chất lượng cao ở TP thông minh phải là nguồn nhân lực có kiến thức sâu và rộng, có thể kết nối giữa các lĩnh vực với nhau, có thể sử dụng một cách thành thạo các tiến bộ khoa học, kỹ thuật”, ThS. Kim Ngân nhấn mạnh.
Hiện TP.HCM có nhiều động lực để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Nổi bật phải kể đến hệ thống trường CĐ, ĐH uy tín và chất lượng đào tạo cao với trên 100.000 giáo viên, giảng viên, chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực GD-ĐT. Đặc biệt có hệ thống các trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM, đây là hệ thống cơ sở đào tạo quan trọng để thực hiện các đề án trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho TP. Chưa kể, TP còn là trung tâm phát triển kinh tế, có sự liên kết chặt chẽ giữa các vùng kinh tế trọng điểm và quốc tế. TP có các khu công nghiệp, khu công nghệ cao tạo điều kiện tiếp cận khoa học, công nghệ, thực hành cho nguồn nhân lực.
Ngoài những giải pháp trên, cộng với các điều kiện hiện có, ThS. Kim Ngân cho rằng, TP cần coi trọng việc thu hút các chuyên gia đầu ngành trong và ngoài nước về làm việc, phục vụ chiến lược phát triển lâu dài của TP. Nên có chính sách, kế hoạch khuyến khích, tạo điều kiện để các trường ĐH, các viện có thể tiếp cận các chương trình đào tạo mới theo tiêu chuẩn quốc tế. Cải cách các chương trình sẵn có sao cho phù hợp với đặc thù ở Việt Nam, từ đó có thể phát triển khoa học, đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế theo từng hướng trọng điểm mà đất nước đang cần.
Cần phân loại tầm quan trọng các cơ sở đào tạo
Đây là đề xuất của GS.TS Nguyễn Thị Cành – Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM.
Trên cơ sở đánh giá thực trạng, dự báo xu hướng phát triển nguồn nhân lực do tác động của cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 và chuyển đổi kinh tế số, TS. Cành cho rằng, cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra đã tác động làm thay đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh, xuất hiện các lĩnh vực kinh doanh mới làm thay đổi cơ cấu ngành nghề. Vì thế TP cần có quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2030, trong đó có một chương trình tái cấu trúc hệ thống các cơ sở đào tạo nghề nghiệp do TP quản lý. Cần phân loại sắp xếp tầm quan trọng các cơ sở đào tạo theo ngành đào tạo mà Nhà nước phải đầu tư, ngành học do thị trường quyết định qua các cơ sở đào tạo tư nhân. Yêu cầu các cơ sở đào tạo nghề nghiệp phải có kiểm định chất lượng ở cấp các chương trình đào tạo và cơ sở đào tạo nói chung.
Học sinh TP.HCM tham gia cuộc thi nghiên cứu khoa học cấp TP. Ảnh: M.P
Để giải quyết mâu thuẫn giữa cung và cầu của nguồn nhân lực, TP có thể đưa ra cơ chế phối hợp giữa cơ sở đào tạo và các đơn vị sử dụng lao động, cụ thể phối hợp giữa nhà trường, doanh nghiệp và Nhà nước. Cơ sở đào tạo có thể đưa ra các chương trình đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động. Mặt khác, cùng với xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cho phép trao đổi dữ liệu chất lượng cao, TP có thể đặt hàng các cơ sở đào tạo lực lượng lao động có trình độ và thích ứng khả năng nền tảng kỹ thuật số. Các cơ sở đào tạo cần nâng cao vai trò chủ động của mình thông qua nắm bắt thay đổi do tác động của CMCN 4.0 để thiết kế các chương trình đào tạo phù hợp về kiến thức chuyên môn, kỹ năng, các ngành nghề mới đáp ứng nhu cầu của những thay đổi trong thực tế.
Theo TS. Cành, cơ cấu kinh tế TP.HCM hiện nay và 5-10 năm tới sẽ dịch chuyển theo hướng dịch vụ – công nghiệp – nông nghiệp. Như vậy nhân lực của TP sẽ chiếm vị trí cao trong khu vực dịch vụ; trong đó các ngành cần đào tạo nhân lực chất lượng cao gắn với kinh tế số và quản lý đô thị thông minh, như: nhân lực quản lý hành chính, đô thị, quản lý công; nhân lực nhóm thương mại điện tử, công nghệ thông tin; nhóm công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới…
Minh Phương
Bình luận (0)