Y tế - Văn hóaThư giãn

Xây dựng TP từ những thông tin tốt trên mạng

Tạp Chí Giáo Dục

Với quan điểm “lấy cái đẹp đè bẹp cái xấu, dùng tích cực để đẩy lùi tiêu cực, lấy xây để chống”, thời gian qua nhiều trang mạng xã hội tại TP.HCM đã kịp thời lan tỏa những thông tin tốt, những câu chuyện đẹp, góp phần xây dựng xã hội, củng cố thêm niềm tin của nhân dân vào hệ thống chính trị.

Hình ảnh anh cảnh sát giao thông dắt em nhỏ qua đường đêm Noel, hình ảnh những chiến binh áo trắng tại bệnh viện điều trị Covid-19 ở Cần Giờ với cách thức mừng Noel cho các công dân cách ly, những hình ảnh bình dị đời thường của tình yêu thương giữa người với người… đều được trang Tuổi Trẻ TP.HCM Yêu Nước cập nhật, chọn lọc đăng tải. Kết quả có trên 62,5 ngàn người lượt yêu thích, những thông tin được chia sẻ từ trang đã hướng đến điều tích cực.

“Thật là hình ảnh ấm áp, nói lên tất cả mối quan hệ giữa quân và dân. Giữa rất nhiều tin tiêu cực tràn lan trên mạng xã hội, những hình ảnh đẹp không chỉ làm ấm lòng người, giúp con người thêm yêu cuộc sống mà còn giúp mỗi người tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng”, chị Hồng Thắm (giáo viên ngụ Q.Gò Vấp) bày tỏ về hình ảnh chiến sĩ CSGT tại TP.HCM dắt em bé qua đường trong đêm Noel được chia sẻ trên mạng xã hội.

Theo chị Thắm, hiện nay rất cần những trang thông tin định hướng, chia sẻ thông tin đúng, đủ, hình ảnh đẹp để người dân, nhất là giới trẻ có thêm hiểu biết về những chính sách của Đảng, Nhà nước và TP; từ đó hình thành nên niềm tin và hành động thiết thực.

“Khi chúng ta liên tục nạp vào đầu mình những suy nghĩ tích cực, những hình ảnh nhân văn thì không lẽ gì chúng ta lại hành xử thiếu nhân văn”, chị Thắm nói.

Hay như trang Tuổi trẻ TP.HCM học tập và làm theo lời Bác với gần 7.000 lượt like và hàng ngàn lượt chia sẻ, thời gian qua đã thực sự trở thành “điểm đến” an toàn của người trẻ TP.HCM để “nạp” về những năng lượng tích cực từ những thông tin tích cực. Đó là câu chuyện 3.000 tấm vé máy bay, ô tô đưa sinh viên về quê ăn Tết trong mùa xuân này dù đất nước còn khó khăn bộn bề, là hình ảnh bà chủ quán cơm ở Sài Gòn miệt mài với hành trình làm thiện nguyện giúp sinh viên nghèo; những suất học bổng ấm tình người trao tặng trẻ em nghèo ở Quảng Bình, Hà Tĩnh, giúp trẻ em được đến trường sau mùa lũ dữ. Hay câu chuyện đổi rác nhận cây xanh để bảo vệ môi trường của người trẻ Q.1…

“Em lướt Facebook nhiều vào thời gian rảnh. Đây cũng là thói quen của đa phần bạn bè em. Vì thế, khi những thông tin hay, những câu chuyện tích cực được chia sẻ nhiều, thường xuyên, kịp thời trên mạng xã hội sẽ giúp người trẻ cập nhật và định hướng được thông tin, hình thành hành động đẹp, chung tay xây dựng xã hội văn minh, đè bẹp những câu chuyện xấu”, Nguyễn Văn Hậu (sinh viên năm II, Học viện Cán bộ TP.HCM) chia sẻ.

Hậu cho rằng, sức đề kháng của người trẻ hiện nay rất yếu, dễ dàng bị tác động bởi những thông tin xấu, độc, thiếu kiểm chứng; từ đó dễ dàng bị người xấu lợi dụng. “Dịch Covid-19 vừa qua là một ví dụ khi rất nhiều thông tin không kiểm chứng, tiêu cực được người trẻ chia sẻ rộng rãi, gây hoang mang dư luận. Do đó, để loại bỏ được những thông tin xấu độc thì cần nhiều hơn nữa những trang mạng xã hội chuyên chia sẻ những thông tin tốt, cổ vũ động viên người trẻ sống và học tập tốt, góp phần xây dựng TP, đất nước”, Hậu bày tỏ.

Đ Lan

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)