TP.HCM xác định xây dựng Trung tâm Tài chính (TTTC) quốc tế là một chủ trương lớn, bước đi chiến lược nhằm tạo động lực tăng trưởng mới, có tầm ảnh hưởng khu vực. Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, đề án xây dựng TTTC quốc tế Việt Nam tại TP.HCM sẽ được trình Quốc hội. Theo đó có 2 vấn đề được nhiều người quan tâm là không gian phát triển và đào tạo nguồn nhân lực cho TTTC…

Trung tâm tài chính không nên bó hẹp trong ranh giới cứng
Ông Đinh Khắc Huy – Phó Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM – thông tin, có 2 phương án làm không gian phát triển TTTC. Trong đó, phương án 1 là khu vực 340ha, gồm 123ha ở quận 1 và 217ha ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.Thủ Đức); phương án 2 là khu vực rộng 687ha, gồm 123ha ở quận 1 và 564ha ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm. TP dự kiến sẽ dùng vốn đầu tư công làm vốn mồi, đầu tư 1-2 lô trong số 11 lô đất vùng lõi TTTC (tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm). Các phần còn lại sẽ huy động vốn từ khối tư nhân.
Về vấn đề này, PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh – Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế – Luật, ĐHQG TP.HCM – cho rằng, nếu tiếp cận TTTC quốc tế ở góc độ ranh giới địa lý cứng, với các chủ thể có tư cách thành viên, mô hình này có thể phù hợp với Việt Nam trong giai đoạn đầu, thuận lợi thu hút đầu tư. Tuy nhiên, nó có thể hạn chế tính đổi mới sáng tạo, không phù hợp với xu thế mở của TTTC.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân góp ý, TP.HCM đang có những yếu tố phù hợp và đất nước đang ở thời cơ cần có TTTC để thực hiện giấc mơ trở thành đất nước phát triển. Đặc biệt sau khi sáp nhập, TP.HCM sẽ có 3 trụ cột gồm công nghiệp, cụm khu công nghiệp với trọng tâm là Bình Dương; trụ cột về cảng biển, logistics có Bà Rịa – Vũng Tàu, kết hợp Cần Giờ với cảng Cái Mép sẽ là cảng trung chuyển quốc tế lớn và từ đó thúc đẩy thương mại, tài chính. TP.HCM sẽ có khu thương mại tự do, phi thuế quan; trụ cột cốt lõi TP.HCM là trung tâm thương mại, tài chính ngân hàng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, y tế, giáo dục chất lượng cao…
Có nhiều thứ phải đầu tư để đưa TTTC đi vào hoạt động như hạ tầng giao thông, hạ tầng số, công nghệ, dữ liệu. Trong đó, quy hoạch không gian phải quy định vì Việt Nam chưa phải là một nước tự do hóa tài chính hoàn toàn.
Góp ý cho đề án xây dựng TTTC tại TP.HCM, từ Dubai (Ấn Độ), ông Mohammad Yousuf Al Najjar – Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách phát triển và dự án của TTTC quốc tế Dubai (DIFC) – chia sẻ, có 2 mô hình xây dựng TTTC, gồm tích hợp toàn TP như London, tách biệt với quyền tài phán riêng như Dubai. DIFC được thiết kế như một khu phức hợp toàn diện – nơi làm việc, lưu trú, hội họp và sinh hoạt đều diễn ra trong cùng một không gian, tạo sự tiện lợi và gắn kết cho cộng đồng doanh nghiệp.
“Hạ tầng là yếu tố sống còn, cần đầu tư cả bên trong lẫn bên ngoài tòa nhà. Bên trong là không gian làm việc linh hoạt và trung tâm dữ liệu ổn định; bên ngoài là hệ thống giao thông kết nối tốt với sân bay quốc tế…”, ông Mohammad Yousuf Al Najjar nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Văn Dũng, cần xác định không gian địa lý cho TTTC để tạo ra một biểu tượng của TP.HCM. Quan trọng hơn là để quản lý vì có nhiều chính sách đặc thù. Nhưng dù được quản lý theo cơ chế nào thì TTTC vẫn có không gian giao dịch khác nhau chứ không chỉ bó hẹp trong ranh giới cứng.
Khẩn trương chuẩn bị nguồn nhân lực chất luợng cao
Với lộ trình khoảng 10 năm xây dựng TTTC quốc tế, đòi hỏi nguồn nhân lực rất lớn. Theo đó nhiều chuyên gia cho rằng, càng sớm càng tốt TP.HCM cần chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho TTTC này…
TS. Trương Minh Huy Vũ – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM – đề nghị TP nghiên cứu, xây dựng chính sách thu hút, đào tạo và phát triển, giữ chân nguồn lực chất lượng cao trong lĩnh vực tài chính. Bởi lẽ, TTTC quốc tế đòi hỏi lực lượng lao động chuyên nghiệp, có trình độ cao trong các lĩnh vực then chốt như tài chính, ngân hàng, blockchain, trí tuệ nhân tạo (AI) và quản trị rủi ro.
TP nên tập trung vào các giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho TTTC quốc tế, như nâng cao kỹ năng cho lực lượng lao động hiện có thông qua đào tạo thực hành, cập nhật chương trình đại học. Bên cạnh đó, thiết lập các khóa đào tạo chuyên biệt để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng trong các lĩnh vực tài chính và công nghệ; khuyến khích hợp tác với các tổ chức đào tạo quốc tế nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho nhân lực tài chính…
PGS.TS Hoàng Công Gia Khánh cho rằng, để xây dựng nguồn nhân lực cho TTTC quốc tế TP.HCM cần tiếp cận đa chiều, không chỉ tập trung vào yếu tố tiền tệ mà còn chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Điều này bao gồm việc đảm bảo đội ngũ chuyên gia đủ sâu về chuyên môn, đủ rộng về đa ngành, đủ nhanh để thích ứng với sự phát triển công nghệ, và đủ mở để thu hút nhân tài quốc tế.
Nguồn nhân lực cần được phát triển ở cả ba cấp độ: quản lý cấp cao và hoạch định chính sách; chuyên gia cấp trung; lực lượng đang được đào tạo.
“Quan trọng là cần có sandbox (khu thử nghiệm) cho giáo dục, tương tự như sandbox cho công nghệ và tài chính. Sandbox giáo dục sẽ tạo ra môi trường thử nghiệm các phương pháp đào tạo mới, linh hoạt hơn, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu thị trường và công nghệ, thay vì khung chương trình và quy định cứng nhắc hiện tại ở bậc đại học và sau đại học. Các khóa đào tạo ngắn hạn, chứng chỉ theo chuẩn đầu ra và cơ chế tích lũy tín chỉ sẽ giúp người học tiếp cận kiến thức, bằng cấp một cách linh hoạt và hiệu quả hơn; đồng thời đáp ứng nhu cầu nhân lực đa dạng của TTTC và các ngành kinh tế khác”, ông Khánh nhấn mạnh.
Đối với nguồn nhân lực, theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, TTTC chỉ vận hành hiệu quả khi có đội ngũ nhân lực phù hợp về chuyên môn và tư duy quốc tế. Vì vậy, TP.HCM cần gửi cán bộ trẻ ra nước ngoài học tập, làm việc thực tế tại các TTTC lớn, để sau này có thể quay về đảm nhiệm các vị trí then chốt…
Thùy Linh
Bình luận (0)