Sự kiện giáo dụcTin tức

Xây dựng trường lớp còn mạnh ai nấy làm

Tạp Chí Giáo Dục

Khi phát triển kinh tế – xã hội, các yếu tố về đường, điện, trường và trạm nói chung là những nhân tố thường được quan tâm trước tiên. Sự phát triển ổn định hay không của một địa phương thường được thể hiện ở những yếu tố này. Nhìn vào đó, người ta sẽ thấy nó có thể hiện được tầm nhìn chiến lược bền vững hay là luôn phải thường xuyên phải đối mặt với tình trạng quy hoạch phải chạy theo đuôi sự phát triển…
Sự thật là nếu ai đã đi vào các quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú… trên những con đường ngoằn ngoèo chỗ to, chỗ nhỏ (mà nếu nhìn trên bản đồ sẽ thấy nó giống như những chùm rễ cây) chính là hiện thân của việc quy hoạch chạy theo sự phát triển: dân đến ở trước, chính sách quản lý nhà nước theo sau. Điều này cũng chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng có quá nhiều cơ sở giáo dục – đào tạo của thành phố hiện nay bị phân tán và manh mún. Cái lạ của những trường tiểu học không chạm đất ở quận 8 mà báo chí đưa tin gần đây ở chỗ: trong khi quận này có rất nhiều quỹ đất hoặc bỏ không, hoặc giao đất không đúng đối tượng, hoặc sử dụng không đúng mục đích, không có hiệu quả cần phải thu hồi thì các thế hệ công dân tương lai của đất nước lại không có đất để xây trường, các em không có sân chơi, phải học trên những “tổ chim” cạnh những công trình giao thông phát ra tiếng ồn quá lớn…
Việc tồn tại Trường Tiểu học An Hội ở Gò Vấp hơn 100 lớp thực chất là việc quản lý nhà nước đã quá thụ động, dẫn đến tình trạng quá tải; trong khi nhiều nơi gần đó là những trường tiểu học quá bé nhỏ, lèo tèo. Điều này không chỉ làm cho các em phải đi học khá xa mà việc đưa đón các em vào các giờ tan tầm cũng là một trong số những nguyên nhân gây ách tắc giao thông tại TP.HCM. Không chỉ có vấn đề về trường, trạm; vấn đề ách tắc giao thông quá ư trầm trọng hiện nay cũng như các vấn nạn về ô nhiễm môi trường sống… có thể nói là những nhạy cảm “lịch sử” phần nào do chính chúng ta tạo ra, sẽ không thể dễ dàng giải quyết trong một sớm một chiều. Đến lúc lãnh đạo thành phố cần phải xem lại chiến lược phát triển dài hạn để có lộ trình khắc phục hiệu quả hơn…
Qua những vấn đề này cũng thẳng thắn mà nói rằng, mô hình phối hợp điều hành quản lý nhà nước của UBND các cấp tại TP.HCM cũng chưa thật sự triệt để và hiệu quả. Bởi lẽ vấn đề xây dựng trường học cho con em là vấn đề lớn, nó thể hiện phần nào bộ mặt của một chính sách phát triển kinh tế – xã hội. Đáng lý ra nó phải là vấn đề có chủ trương thống nhất từ trên xuống mang tính ổn định tương đối chứ không phải là mạnh ai nấy làm, mạnh quận, huyện nào thì quận huyện ấy giải quyết. UBND thành phố cần phải có một đầu tàu phối hợp các sở ngành, các quận huyện để giải quyết dứt điểm vấn đề này từ lâu rồi chứ không phải để nước dâng đến cổ như hiện nay mới vào cuộc…
Là người rất quan tâm đến vấn đề phát triển bền vững tại TP.HCM; một lần nữa tôi khẳng định TP.HCM cần phải sớm đề xuất phương án về một đô thị thành phố trung tâm hiện đại mới trong tương lai (được tiến hành quy hoạch một cách bài bản và quy mô) mang tính độc lập tương đối với đô thị nội đô hiện hữu. Đó mới chính là vị trí phát huy sức sáng tạo của thời đại chúng ta thay vì cứ quẩn quanh mãi trong khu vực phát triển đã được định hình khá ổn định của những thế hệ đi trước. Cũng như các quỹ đất công cộng dành cho giao thông, quỹ đất công dành cho các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội nói chung không chỉ đề xuất theo yêu cầu của kế hoạch chiến lược dài hạn mà còn phải đảm bảo quỹ đất dự phòng cho những thế hệ tương lai tiếp theo nữa. Chính vì vậy, chỉ có phương án chú trọng đến một đô thị trung tâm mới thì chúng ta mới có thể giải quyết được vấn đề này.
Cao Ngọc Quỳnh
(ĐH KHXH-NV TP.HCM)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)