Sự kiện giáo dụcTin tức

Xây dựng trường lớp trên địa bàn TP.HCM

Tạp Chí Giáo Dục

Còn lắm ngổn ngang

Đất kho bãi ở quận 8 bị bỏ hoang, trong khi ngành giáo dục không có đất để xây trường

Chiều 29-9, Ban Kinh tế & Ngân sách HĐND TP.HCM đã có buổi làm việc với Sở GD-ĐT nhằm ghi nhận tình hình thực hiện quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp đến năm 2020.
Không theo kịp nhu cầu
Lấy số liệu 5 năm (từ năm học 2004-2005 đến 2008-2009) từ báo cáo của Sở GD-ĐT TP.HCM, suốt thời gian này TP xây thêm 169 trường vừa trường công lập và cả trường ngoài công lập. Những tưởng có thể đáp ứng đủ chỗ học cho con em nhân dân, nhưng theo bà Tô Thị Thanh Nga, Phó giám đốc Sở GD-ĐT: “Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, đến năm 2010 các trường tiểu học trên địa bàn thành phố phải thực hiện học 2 buổi/ngày và sĩ số lớp khống chế ở con số 35 học sinh/lớp. Thực tế tại TP.HCM với tình hình cơ sở vật chất trường lớp còn quá thiếu nên rất khó thực hiện. Vì vậy, riêng TP.HCM Bộ cho phép (tạm thời) sĩ số lớp có thể 40 học sinh/lớp. Năm học 2009-2010, số học sinh tăng nhiều (do lượng dân nhập cư từ các tỉnh thành khác đổ về) trường lớp không đủ đáp ứng. Có nhiều trường phải chấp nhận sĩ số lớp lên đến 45, 50 và thậm chí 60 học sinh/lớp. Cả thành phố có đến 3 trường tiểu học vượt hơn 100 lớp”.
Hệ quả sĩ số lớp quá đông chắc chắn chất lượng giáo dục khó đảm bảo, chưa nói đến sự vất vả của người thầy từ gánh nặng quản lý cũng như nhiệm vụ truyền đạt kiến thức cho học sinh. Theo ghi nhận, năm học 2008-2009, tổng số học sinh bậc tiểu học là 434.569 em, nhưng qua năm học 2009-2010 là 471.627 em, tăng 37.058 em. Với số lượng học sinh tăng cao như thế này thì TP phải cần xây thêm 1.000 phòng học, vậy nhưng trên thực tế số phòng học xây mới chẳng đáng là bao! Thêm vào đó, điều đáng nói từ năm 2003 đến 2006, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp bị đình trệ do Sở Xây dựng TP.HCM chưa thống nhất phê duyệt tổng dự toán của công tác quy hoạch. Sự “đóng băng” này kéo theo nhiều hệ lụy tạo thêm khó khăn cho ngành GD-ĐT. Hàng trăm dự án (dù đã được UBND TP.HCM phê duyệt) nằm chờ dài cổ và đến thời điểm này vẫn còn chờ trong khi giá cả vật tư xây dựng thay đổi liên tục. Đơn cử dự án xây Trường THPT Tây Thạnh kinh phí tăng hơn gấp 2 lần.
Quy hoạch chưa đủ đất
Đại biểu Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế & Ngân sách HĐND TP.HCM thắc mắc: “Tại sao các quận huyện không thực hiện đúng chỉ tiêu đất quy hoạch trường lớp theo Quyết định 02 của UBND TP.HCM?”. Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa bức xúc: “Tiến độ xây trường quá chậm có độ chênh quá lớn giữa chỉ tiêu của QĐ 02 với quy hoạch của các quận huyện”. Theo báo cáo của Sở GD-ĐT, đến thời điểm hiện nay đã có 23/24 quận huyện hoàn thành công tác quy hoạch. Trong đó một số quận huyện thực hiện quy hoạch (dành quỹ đất) rất tốt như huyện Củ Chi dành đến 223,78ha trong khi chỉ tiêu chỉ yêu cầu 185,6ha hay như quận 8 dành quỹ đất 68,91ha trong khi chỉ tiêu chỉ cần 60,46ha hoặc quận 9 dành 123,62ha trong khi chỉ tiêu chỉ đòi hỏi 82,28ha. Ngược lại một vài quận huyện (thuộc diện đất đai nhiều) như huyện Bình Chánh chỉ tiêu yêu cầu quy hoạch 291,66ha nhưng chỉ quy hoạch 109,15ha; huyện Cần Giờ chỉ tiêu yêu cầu 185,60ha nhưng chỉ dành 119,08ha; quận 2 chỉ tiêu 133,71ha nhưng chỉ quy hoạch 107,08ha…
Đại biểu Nguyễn Văn Quang đặt vấn đề: “Tại sao các quận huyện lại giảm diện tích đất xây dựng trường lớp”. Rất tiếc những câu hỏi này chưa có lời đáp. Bởi buổi họp thiếu sự hiện diện của các quận huyện.
Văn bản trói các trường thành phố
Khi ông Tuấn Anh, đại diện Sở Quy hoạch & Kiến trúc nhấn mạnh lại Văn bản 8933 rằng: “Từ 21-12-2007 các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và các cơ sở y tế ở khu vực trung tâm thành phố và các quận nội thành cũ chỉ được phép sửa chữa; không quy hoạch xây dựng mới …”. Phó ban Kinh tế & Ngân sách HĐND TP.HCM Huỳnh Công Hùng đã cắt ngang: “Sở Quy hoạch & Kiến trúc tham mưu để ra Văn bản 8933 nhưng thực hiện chưa sòng phẳng. Trường Kỹ thuật Cao Thắng (một đơn vị của Trung ương) nằm ngay trung tâm thành phố thì được xây mới to đùng, trong khi một số trường khác lại không làm được. Ví dụ Trường ĐH Sài Gòn (đây là trường gom lại từ nhiều cơ sở) không cho xây và mở rộng làm sao thực hiện được yêu cầu đào tạo của thành phố?”. Ông Nguyễn Đình Thái Châu, Phó phòng Kế hoạch – Tài chánh Sở GD-ĐT TP.HCM năn nỉ: “Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của Trung ương thì Sở Quy hoạch & Kiến trúc cho xây thoải mái còn các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp của thành phố thì Sở ách lại. Tôi xin anh Tuấn Anh xem lại giúp để điều chỉnh Văn bản 8933”. Ông Thái Châu đưa ra một số trường hợp như Trường Cao đẳng Kinh tế phải mất hai năm mới được duyệt dự án (ông cho biết may mà dự án lập trước khi có Văn bản 8933), còn Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng, Cao đẳng Phú Lâm thì chịu chết bởi Văn bản 8933 và không biết đến bao giờ hai ngôi trường trên mới được xây mới nhằm mở rộng và đào tạo đội ngũ công nhân có trình độ cho thành phố. Nhiều đại biểu tham dự cũng bày tỏ sự bức xúc về vấn đề này.
Trần Thanh Quang

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)