Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Xây dựng trường nghề… thông minh

Tạp Chí Giáo Dục

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0), các chuyên gia, nhà khoa học cho rằng trường nghề cần chuyển đổi mô hình đào tạo chất lượng cao (CLC) ở nhà trường thông minh.


Sinh viên một trường nghề trong giờ học thực hành

Tại hội thảo khoa học quốc tế nhà trường thông minh (Conference on Smart Schools 2020 – COSS2020) với chủ đề: Chuyển đổi mô hình đào tạo CLC ở nhà trường thông minh trong bối cảnh CMCN 4.0, các chuyên gia khẳng định, bước đột phá trong việc cung cấp nguồn nhân lực trình độ cao trong bối cảnh CMCN 4.0 là chuyển đổi mô hình đào tạo CLC ở nhà trường thông minh.

Đào tạo kết hợp nhà trường và doanh nghiệp

Đại diện ĐH bang Arizona (Mỹ), đơn vị đồng hành cùng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM tổ chức hội thảo nhấn mạnh: Hội thảo với mục đích chia sẻ các mô hình đào tạo thích ứng trong bối cảnh CMCN 4.0. Qua đó tạo lập kênh kết nối, tìm kiếm hợp tác xây dựng nhà trường thông minh.

Đến với hội thảo, các chuyên gia, nhà khoa học đã làm rõ các nội dung về định hướng chiến lược chuyển đổi mô hình đào tạo CLC của nhà trường thông minh trong bối cảnh CMCN 4.0; các ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong đào tạo CLC của nhà trường thông minh; đề xuất các giải pháp về đổi mới đào tạo CLC nhằm nâng cao năng lực của người học, nhà giáo. Đặc biệt là đổi mới phương pháp học tập, đánh giá cũng như các mô hình liên kết giữa “ba nhà” trong hệ sinh thái trường học đổi mới sáng tạo phù hợp với bối cảnh CMCN 4.0. PGS.TS Trần Khánh Đức (giảng viên cao cấp Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng yêu cầu của CMCN 4.0 bắt buộc phải thay đổi phương pháp đào tạo. Theo đó, từ đào tạo theo khả năng của nhà trường, chuyển sang mô hình đào tạo kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp. Đây cũng là giải pháp làm mới để phát triển, xây dựng nhà trường đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực CLC.

Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài đặc biệt quan tâm đến chất lượng đội ngũ giáo viên. Đây là cơ sở quan trọng quyết định nguồn nhân lực CLC; kiện toàn cơ sở vật chất để đổi mới phương pháp giảng dạy, chuyển đổi mô hình đào tạo truyền thống sang kết hợp với đào tạo trực tuyến, tạo hứng thú cho người học.

Cũng theo ông Đức, đào tạo nghề CLC cần phải chuyển đổi cả quy mô và chất lượng. Tuy nhiên, thực tế tại Việt Nam, đào tạo nghề CLC còn gặp nhiều khó khăn như thiếu hành lang pháp lý cụ thể, các tiêu chí của trường nghề CLC chưa quy định rõ ràng. Vì vậy, để chuyển đổi mô hình đào tạo CLC trong hệ thống giáo dục nghề nghiệp, các trường cần đề xuất cơ chế tự chủ đối với cơ quan Nhà nước. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nghề nghiệp, thu hút doanh nghiệp đầu tư, tham gia đào tạo trong nhà trường. Các hoạt động đào tạo của nhà trường cần phải được gắn kết với tổ chức, doanh nghiệp nhằm rút ngắn khoảng cách đào tạo, nghiên cứu. Đặc biệt là đào tạo với công nghệ phù hợp với tổ chức của doanh nghiệp.

Đưa công nghệ vào giảng dạy

TS. Phạm Hữu Lộc (Hiệu trưởng Trường CĐ Lý Tự Trọng TP.HCM) nhìn nhận, sự tác động của CMCN 4.0 bắt buộc hệ thống đào tạo giáo dục nghề nghiệp phải thay đổi nhanh để thích ứng. Trong quá trình chuyển đổi số, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng thị trường lao động, chuyển đổi mô hình đào tạo nghề CLC trong nhà trường thông minh. Bên cạnh sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo thì bản thân mỗi giáo viên phải nỗ lực nhiều hơn nữa, không ngừng nghiên cứu, làm chủ công nghệ, từ đó có những sáng tạo trong giảng dạy.

Ông Dale P. Jonhson (Giám đốc Viện Kỹ thuật số – ASU) chia sẻ: Các dự án, sáng kiến của ASU đã và đang triển khai tại nhiều quốc gia mang lại yêu cầu sát với ngành nghề, phù hợp với từng quốc gia, trong đó có Việt Nam. ASU có mạng lưới đối tác đổi mới sáng tạo, xây dựng mô hình học cá nhân hóa cho từng người học. Ông Dale P. Jonhson cho biết thêm, AUS hiện có 126 ngàn sinh viên đang theo học, trong đó có 51 ngàn sinh viên học trực tuyến hoàn toàn. Không gian học tập thích ứng góp phần vào kết quả học tập. Công nghệ cần thiết cho việc cải thiện giáo dục nhưng không dễ để mở rộng quy mô bởi thách thức lớn hiện nay trong mô hình học tập thích ứng là sự tập trung của người học. Vì thế, việc đưa công nghệ vào phòng học chưa phải là một ý kiến hay nhưng nó sẽ hay khi công nghệ đó tạo ra một mô hình mới để cải thiện phương pháp sư phạm. Đó là điều AUS mong muốn. “Mô hình dạy cùng một bài học cho tất cả người học cùng lúc đã có từ rất lâu. Ngày nay, trước yêu cầu đổi mới của công nghệ, mục tiêu là dạy đúng bài học cho đúng người học và đúng lúc. Đây là mô hình học tập thích ứng mà các trường nghề tại Việt Nam hoàn toàn có thể đưa vào giảng dạy phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế. Người học phải thay đổi cách học của mình từ thụ động sang chủ động, vì vậy, không chỉ cần phương pháp sư phạm mới mà cần thay đổi công nghệ để tránh nhàm chán”, ông Dale P. Jonhson nói.

Bài, ảnh: Trần Trọng Tri

Bình luận (0)