Sự kiện giáo dụcTin tức

Xây dựng trường THPT Lê Hồng Phong thành trường chuyên trọng điểm quốc gia

Tạp Chí Giáo Dục

Xây dựng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong thành trường chuyên chất lượng cao trọng điểm quốc gia, đơn vị chủ lực trong việc phát triển nhân lực, tuyển chọn, bồi dưỡng nhân tài tạo nguồn cho chiến lược đào tạo nhân lực trong thời kỳ CNH-HĐH và hội nhập quốc tế… là hướng phấn đấu của Nam Định tới năm 2020.
Tỉnh phát triển trường THPT chuyên Lê Hồng Phong hiện đại, ổn định quy mô 45 lớp đến năm học 2015-2016 và 66 lớp đến năm 2020; tạo chuyển biến cơ bản về chất lượng giáo dục theo hướng tiếp cận với trình độ tiên tiến của thế giới; phát triển đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý đủ số lượng, cơ cấu hợp lý và đạt mức cao của chuẩn nghề nghiệp. Tỉnh tăng cường đầu tư nâng cấp, mở rộng diện tích, xây dựng cơ sở vật chất của trường. Đến năm 2015, trường sẽ có khuôn viên rộng 8 ha với các công trình kiến trúc, trang thiết bị hiện đại, đồng bộ đáp ứng hiệu qủa các hoạt động giáo dục. Nam Định mở rộng liên kết, hợp tác giữa nhà trường với các cơ sở giáo dục có uy tín ở nước ngoài về tuyển chọn bồi dưỡng, phát triển năng khiếu học sinh, tạo cho trường đủ năng lực hội nhập quốc tế trong năm 2020.
Tỉnh Nam Định ưu tiên các nhóm giải pháp: xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, giáo viên; đổi mới công tác quản lý, nội dung, phương pháp dạy – học; thực hiện tốt việc cải tiến công tác tuyển chọn học sinh giỏi; có cơ chế, chính sách đặc thù cho trường chuyên; tăng cường hợp tác quốc tế trong việc phát triển trường; đẩy mạnh công tác xã hội hoá giáo dục. Từ nay đến năm 2015, trường giữ nguyên khuôn viên, cơ sở vật chất hiện có, tổ chức giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở vật chất ở địa điểm mới. Sau khi hoàn thành việc xây dựng khu mới, khu trường cũ tiếp tục được sử dụng làm cơ sở bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc mở thêm bậc học THCS. Bên cạnh đó, trường mua sắm thiết bị mới đồng bộ, hiện đại; đổi mới phương pháp dạy học; tổ chức tiếp nhận thiết bị do Bộ GD&ĐT cung cấp; rà soát quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý theo từng năm, từng giai đoạn; triển khai đánh giá cán bộ quản lý theo chuẩn của Bộ GD&ĐT. Trường tổ chức các khoá bồi dưỡng tiếng Anh, tin học cho giáo viên; cử giáo viên tham gia các khoá đào tạo trong, ngoài nước; mời chuyên gia bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên dạy chuyên; xây dựng các diễn đàn trên Internet để giáo viên, học sinh trao đổi kinh nghiệm… Công tác tuyển chọn học sinh giỏi cũng được cải tiến thông qua việc thực hiện tốt quy định về tuyển sinh vào trường THPT chuyên, tổ chức tốt các kỳ thi học sinh giỏi, tích cực tham gia các kỳ thi mang tính chất giao lưu với các trường trong cả nước.
THPT chuyên Lê Hồng Phong nhiều năm liên tục là một trong những đơn vị dẫn đầu toàn quốc về chất lượng các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi tốt nghiệp THPT và đại học. Năm học 2010-2011, trường có 44 lớp học trong đó có 37 lớp chuyên và 137 cán bộ, giáo viên trong đó có 52 thạc sỹ. Tuy nhiên, khó khăn lớn với THPT chuyên Lê Hồng Phong là khuôn viên chật hẹp, không đủ diện tích và các công trình kiến trúc phục vụ hoạt động giáo dục. Trường hiện thiếu trang thiết bị dành cho học sinh giỏi cấp quốc gia, quốc tế; cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thiếu kỹ năng cần thiết cho tiến trình hội nhập; việc tuyển chọn học sinh còn nhiều bất cập./.
(Theo TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)