Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Xây dựng trường tiên tiến – hiện đại: Đừng để cái khó bó cái khôn!

Tạp Chí Giáo Dục

HS Trường TH Trần Quốc Tuấn, Q.Tân Bình vẽ tranh trong thư viện vào giờ ra chơi (ảnh chụp ngày 28-10)

Một trong những mục tiêu quan trọng của ngành GD-ĐT TP.HCM trong năm học này là tập trung xây dựng trường tiên tiến – hiện đại (TT-HĐ). Theo đó, đã có hàng trăm trường đăng ký xây dựng mô hình này. Trong đó tập trung nhiều nhất ở bậc tiểu học với 68 trường.
Hiệu trưởng một trường tiểu học (TH) ở Q.5 cho biết, việc đăng ký xây dựng trường TT-HĐ không khó, chỉ cần có cơ sở vật chất khang trang, giáo viên có trình độ và nhà trường có thành tích là được. Cái khó là đến nay các trường vẫn phải đặt nặng việc bố trí chỗ học cho học sinh (HS) hơn là giáo dục toàn diện cho các em…
Vẫn là chuyện sĩ số HS đông
Quả thật, khó trách phụ huynh khi cứ ùn ùn “chạy” cho con vào những ngôi trường có cơ sở vật chất khang trang, có “thương hiệu”. Thậm chí ngay cả lãnh đạo của nhiều địa phương, dù rằng luôn hô hào “nghiêm cấm chạy trường” nhưng chính họ mỗi năm vẫn “sắp xếp” cho con cháu học tại những trường có “thương hiệu” trên địa bàn.
Hiệu trưởng một trường TH có “thương hiệu” thừa nhận: “Mùa tuyển sinh nào, nhà trường cũng phải dành một lớp để tiếp nhận HS thuộc diện “con ông, cháu cha”. Theo đó, sĩ số HS lúc nào cũng xấp xỉ 50 em/lớp. Trong khi đó, điều kiện tối cần thiết của việc xây dựng trường TT-HĐ là sĩ số HS/lớp phải thấp, tất cả HS được sinh hoạt cả ngày trong trường…”. Đơn cử như Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1), năm học 2010-2011 đã đăng ký xây dựng trường TT-HĐ. Khả năng tiếp nhận của trường chỉ khoảng 1.000 HS nhưng năm nay trường phải “gánh” tới 1.543 em/37 lớp. “Hiện nay số HS được học 2 buổi/ngày chỉ khoảng 1.000 em, số còn lại đành phải học 1 buổi. Sĩ số ở những lớp học 2 buổi/ngày rất đông, ngoài các lớp tăng cường tiếng Anh là 40 em/lớp, những lớp còn lại có 45-46 em. Thậm chí có 2 lớp 50 em. Từ nhiều năm nay, nhà trường rất muốn giảm sĩ số HS xuống nhưng đâu phải muốn là được…”, cô Mai Thị Ngọc Lan – Hiệu trưởng nói.
Còn tại Trường TH Trần Quốc Tuấn (Q.Tân Bình), đây là năm thứ 2 nhà trường đăng ký xây dựng trường TT-HĐ. Trường có 20 phòng học nhưng có 35 lớp với 1.559 HS, theo đó chỉ có 60% HS được học bán trú. “Sĩ số 48-49 em/lớp nên rất khó khăn trong việc dạy học cá thể. Bàn ghế do phải tận dụng làm chỗ ngủ trưa cho HS bán trú nên đều là bàn đôi làm bằng gỗ, mỗi khi muốn xoay để các em học theo nhóm rất khó”, thầy Nguyễn Nghĩa Dũng – Hiệu trưởng nhà trường, tâm tư.
Tạo ra thế mạnh cho trường
Mặc dù có sĩ số HS/lớp khá đông nhưng Trường TH Lương Định Của (Q.3) vẫn đăng ký xây dựng trường TT-HĐ với hy vọng có thêm điều kiện để giáo dục toàn diện cho HS. Những năm học trước, Trường Lương Định Của là trường TH đầu tiên thực hiện phương pháp dạy học theo nhóm. Việc sắp xếp bàn ghế cũng thay đổi để phù hợp với phương pháp dạy mới này. HS ở tổ nào thì ngồi lại với nhau để thảo luận. Tất cả HS dù giỏi, trung bình hay kém đều được nói lên ý kiến của mình. Một điều khác biệt so với nhiều trường là HS Trường TH Lương Định Của làm lớp trưởng theo tuần chứ không phải theo năm học như thông lệ của ngành. Theo đó, trong một năm học, tất cả HS đều được làm… lớp trưởng. “Điều đó sẽ giúp HS tự tin hơn, các em sẽ không còn cảm giác mình kém hơn bạn”, thầy Nguyễn Đạt Sử – Phó hiệu trưởng nhà trường nói.
Trong khi đó, Trường TH Đinh Tiên Hoàng (Q.1) thì đẩy mạnh hoạt động của các câu lạc bộ (CLB). Tùy theo năng khiếu, sở thích mà HS đăng ký vào CLB võ thuật hay CLB họa mi… “Điều khác biệt ở các CLB của trường là không thu tiền HS. Bởi do giáo viên năng khiếu và phụ huynh hoạt động trong lĩnh vực thể thao, văn nghệ dạy chứ không phải thuê người bên ngoài”, cô Ngọc Lan cho biết. Thêm một cái mới lạ của Trường TH Đinh Tiên Hoàng là giáo viên không ép HS học. Tùy vào sức của mình mà HS làm 3-4 bài tập/môn/ngày, hay 2-3 bài. Mặt khác, giáo viên cũng đã thay đổi suy nghĩ trong việc dạy học. Ví dụ, khi nói về dì ghẻ, các cô sẽ không “tuyên truyền” với HS rằng dì ghẻ thì độc ác, thường xuyên đánh đập con chồng mà nói dì ghẻ thương con mình hơn con người khác…
Còn Trường TH Trần Quốc Tuấn (Q.Tân Bình) thì hướng HS vào việc đọc sách. Mỗi tuần, mỗi lớp đều có một tiết đọc sách bắt buộc. Ngoài ra, giờ ra chơi, tùy vào các ngày trong tuần HS của mỗi khối có thể vào thư viện đọc sách. “HS thì thích đọc truyện tranh nên nhà trường tổ chức các ngày hội như thi tìm hiểu lịch sử Việt Nam, thi kể chuyện theo sách… để HS có hứng thú đọc nhiều loại sách khác nhau”, thầy Nguyễn Nghĩa Dũng cho biết. Bên cạnh đó, nhà trường dự kiến sẽ xây dựng một công viên mini, ở đó sẽ trồng nhiều loại cây để phục vụ việc dạy và học. HS sẽ không còn phải học về cây chuối, quả bầu, củ khoai mì… trên ti vi như hiện nay nữa.
Bài, ảnh: Hòa Triều
LTS: Thông qua bài viết “Xây dựng trường tiên tiến – hiện đại: Đừng để cái khó bó cái khôn!”, Giáo Dục TP.HCM mở ra diễn đàn “Xây dựng trường chất lượng cao thời kỳ hội nhập:Những điều kiện cần và đủ”. Tòa soạn rất mong nhận được các ý kiến tâm huyết từ các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, giáo viên và phụ huynh học sinh… Mọi ý kiến tham gia diễn đàn xin gửi về: Báo Giáo Dục TP.HCM, số 300 Điện Biên Phủ, P.7, Q.3, TP.HCM hoặc Email: tantruc_tg@yahoo.com.
 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)