Sự kiện giáo dụcTin tức

Xây dựng và phát triển đơn vị thử nghiệm lâm sàng tại cơ sở y tế

Tạp Chí Giáo Dục

Sáng 10-9, hội thảo “Xây dựng và phát triển đơn vị thử nghiệm lâm sàng tại cơ sở y tế” đã diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1, với sự tham gia của các đại diện đến từ Sở Y tế, Viện Đại học Sydney Việt Nam, các chuyên gia hàng đầu về thử nghiệm lâm sàng trong và ngoài nước, cùng hơn 100 đại biểu từ các cơ sở y tế và bệnh viện trên địa bàn TP.HCM.

TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết rất nhiều thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam rất có giá trị và được công bố quốc tế

Hội thảo do Viện Đại học Sydney Việt Nam tổ chức, nhấn mạnh vai trò của các đơn vị thử nghiệm lâm sàng không chỉ trong việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh mà còn trong việc phát triển năng lực nghiên cứu cho các bác sĩ Việt Nam. Các đơn vị thử nghiệm lâm sàng được xem như mắt xích quan trọng giúp Việt Nam hội nhập vào những chuẩn mực nghiên cứu y học tiên tiến toàn cầu, với yêu cầu cao về chất lượng, tính khoa học và khả năng triển khai những nghiên cứu phức tạp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận về tình hình hiện tại của thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, các mô hình hoạt động phù hợp, yêu cầu về chuyên môn và pháp lý, kinh nghiệm thực tế trong triển khai nghiên cứu lâm sàng chất lượng cao, và xu hướng phát triển thử nghiệm lâm sàng trên thế giới. Hội thảo cũng cung cấp nền tảng cho các đơn vị y tế Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế, nâng cao năng lực nghiên cứu, và triển khai các thử nghiệm lâm sàng một cách bài bản và chuyên nghiệp.

Phát biểu tại buổi lễ khai mạc, TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM đã nhấn mạnh: “Thử nghiệm lâm sàng là một thành tố không thể thiếu trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ y tế tại Việt Nam. Việc xây dựng các đơn vị thử nghiệm lâm sàng đạt chuẩn quốc tế không chỉ giúp chúng ta áp dụng các phương pháp điều trị tiên tiến mà còn tạo cơ hội để các bác sĩ Việt Nam tham gia vào các nghiên cứu toàn cầu, qua đó nâng cao kỹ năng chuyên môn”.

Giáo sư Greg Fox, Chủ nhiệm các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Giáo sư Nguyễn Thu Anh, Viện trưởng Viện Đại học Sydney Việt Nam, chia sẻ: “Viện Đại học Sydney Việt Nam tự hào là đơn vị tiên phong trong việc phát triển các đơn vị thử nghiệm lâm sàng chất lượng cao tại Việt Nam. Chúng tôi đã và đang hợp tác lâu dài với các cơ sở y tế lớn tại Việt Nam, cùng đồng hành trong việc triển khai những nghiên cứu y học phức tạp, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc y tế và phát triển các phương pháp điều trị tiên tiến. Những thành quả này không chỉ giúp cải thiện dịch vụ y tế trong nước mà còn góp phần đưa Việt Nam hội nhập quốc tế trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học”.

Ngày 9-9, Tổ chức Y tế thế giới đã công bố phác đồ điều trị dự phòng lao đa kháng thuốc cho những người tiếp xúc gần trong gia đình với bệnh nhân lao đa kháng, dựa trên bằng chứng từ thử nghiệm VQUIN được thực hiện bởi Đại học Sydney, Viện Y khoa Woolcock và Chương trình chống lao quốc gia tại 10 tỉnh/thành của Việt Nam.

Hội thảo “Xây dựng và phát triển đơn vị thử nghiệm lâm sàng tại cơ sở y tế” đã diễn ra tại Bệnh viện Nhi đồng 1

Đây là một cột mốc quan trọng, minh chứng cho năng lực nghiên cứu xuất sắc của Việt Nam và Úc, góp phần thúc đẩy các chiến lược ứng phó với bệnh lao trên toàn cầu, và loại trừ căn bệnh truyền nhiễm lâu đời nhất trên trái đất.

Tại hội thảo, giáo sư Greg Fox, chủ nhiệm các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam, chia sẻ: “Thành công của các nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng tại Việt Nam đã cho thấy khả năng hợp tác nghiên cứu quốc tế hiệu quả và sự cam kết bền vững trong việc phát triển các liệu pháp điều trị tiên tiến. Những kết quả này không chỉ mang lại lợi ích cho bệnh nhân Việt Nam mà còn đóng góp vào công cuộc phòng chống lao toàn cầu”.

Thủy Phạm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)