Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Xây dựng xã hội học tập: Mở rộng cơ hội học tập cho người dân

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 26-5, Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập (XHHT) TP.HCM đã tổ chức Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết định số 89 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2012-2020”.

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu trao Bằng khen của Bộ GD-ĐT cho Sở GD-ĐT TP

Ông Nguyễn Tiến Đạt- Phó Giám đốc Sở  GD-ĐT, Phó Trưởng ban Xây dựng XHHT TP – cho biết: “Đề án “Xây dựng XHHT” được TP đề ra 5 mục tiêu, gồm: Xóa mù chữ và phổ cập giáo dục (TP đã hoàn thành và vượt chỉ tiêu, đạt 99,87%); học tập và nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ (có gần 20.000 lượt CB-CC-VC học CNTT, tỷ lệ này chưa đạt mục tiêu đề ra; về học ngoại ngữ có gần 14.000 người tham gia, đạt chỉ tiêu); nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, tay nghề để lao động có hiệu quả hơn, hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn; giáo dục kỹ năng sống và mục tiêu phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên. Thành ủy, UBND TP đã ban hành các văn bản chỉ đạo, thực hiện có hiệu quả công tác xây dựng XHHT trên địa bàn, làm cơ sở để các sở, ngành, quận huyện và phường, xã – thị trấn xây dựng, tổ chức hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng (TTHTCĐ) cho phù hợp với tình hình ở địa phương…”.

Cũng theo ông Đạt, các TTHTCĐ ngày càng đáp ứng được nhu cầu học tập phong phú và đa dạng của người dân, số lượt người học tại các trung tâm năm sau luôn cao hơn năm trước. Công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động toàn xã hội tham gia nhiệm vụ xây dựng XHHT được thực hiện khá tốt qua các hoạt động “Tuần lễ hưởng ứng học tập suốt đời” tạo được chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động, giúp cho người dân nhận thức được giá trị của việc học tập là điều kiện cơ bản để giúp người dân và cộng đồng vươn lên, có cuộc sống tốt đẹp hơn…

Bên cạnh những kết quả tích cực, ông Đạt cũng chỉ ra một số hạn chế cần phải khắc phục. Đó là công tác xóa mù chữ và điều tra người mù chữ chưa cập nhật chính xác ở độ tuổi 35-60; việc vận động người dân tham gia lớp học xóa mù chữ và duy trì sĩ số lớp học rất khó khăn, tỷ lệ huy động ra lớp thấp; một số quận, huyện cho rằng đây là nhiệm vụ của ngành GD-ĐT nên sự phối kết hợp, hỗ trợ ban chỉ đạo chưa được tốt, không bố trí kinh phí để thực hiện đề án…

Bà Nguyễn Thị Thu – Phó Chủ tịch UBND TP – khẳng định: “Nhìn chung qua gần 10 năm xây dựng XHHT của các địa phương đã tạo được những nền tảng về nhận thức của các cấp lãnh đạo; trách nhiệm của ngành GD-ĐT; tạo cơ hội học tập của người dân tại các cơ sở HTCĐ. Nhưng vẫn còn một số quận, huyện lại khoán cho ngành GD-ĐT, hoặc chỉ cử một cán bộ đeo bám. Đây là tư duy chưa đúng! Nếu không có tư duy này, chắc chắn kết quả sẽ còn đạt cao hơn”.

Theo đó, bà Thu chỉ đạo, công tác tuyên truyền phải đa dạng, không tập trung ở một bộ phận cán bộ làm công tác này; tăng cường nguồn lực tài chính của Nhà nước, từ các mạnh thường quân. Bên cạnh đó thường xuyên tập huấn cho ban giám đốc của các TTHTCĐ; bổ sung tài liệu, tư liệu học tập để phục vụ cho nhu cầu học của người dân; động viên, quan tâm và vận động tới đội ngũ công nhân vì thời gian dành cho học tập của họ không được nhiều, đồng thời khuyến khích tinh thần học tập trong nhân dân. Tổ chức kiểm tra, sơ kết, tổng kết và khen thưởng kịp thời những cá nhân tiêu biểu, như vậy bà con mới thấy được sự trân trọng của các cấp ngành đối với cá nhân họ…

Dịp này, Sở GD-ĐT TP đã được Bộ GD-ĐT tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng XHHT giai đoạn 2013-2015.

Bài, ảnh: An Khánh

Bình luận (0)