Sự kiện giáo dụcTin tức

Xây dựng xã hội học tập tại TP.HCM: Nhu cầu học tập của người dân được đáp ứng

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Hứa Ngọc Thuận trao bằng khen cho các tập thể và cá nhân có thành tích trong công tác xây dựng XHHT
Sáng 3-3, UBND và Sở GD-ĐT TP.HCM đã tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm triển khai thực hiện Quyết định 112 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2005-2010”.
Tại hội nghị, TS. Huỳnh Công Minh – Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: “Trước đây có không ít người nghĩ rằng xây dựng xã hội học tập (XHHT) là một việc không thể làm. Bên cạnh đó cũng có không ít ý kiến cho rằng việc xây dựng XHHT chỉ là hình thức, XHHT chủ yếu làm công tác bổ túc văn hóa. Song dưới sự chỉ đạo của các cấp lãnh đạo, sau 5 năm triển khai thực hiện, chúng ta đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp…”.
Người dân được tiếp cận với kiến thức
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của đề án Xây dựng XHHT là công tác xóa mù chữ. Tại TP.HCM, “Nhiệm vụ xóa mù chữ đã đạt được mục tiêu của đề án từ năm 2009, trước thời hạn một năm. Vào cuối mỗi năm, Sở GD-ĐT đều kiểm tra kết quả xóa mù chữ ở 100% xã, phường, thị trấn, kết quả tỷ lệ người (từ 15 tuổi trở lên) biết chữ tăng từ 98,12% (năm 2005) lên 98,69% (năm 2009). Để đạt được kết quả này, ngoài giáo viên của ngành GD, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Nông dân và Bộ đội biên phòng thành phố cũng đã tham gia dạy xóa mù chữ. Kết quả này cũng đã góp phần hoàn thành nhiệm vụ phổ cập giáo dục các cấp của thành phố và đi đầu trong cả nước về việc hoàn thành phổ cập bậc trung học vào năm 2008”, ông Nguyễn Tiến Đạt – Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết.
Ngoài việc bồi dưỡng văn hóa, việc xây dựng XHHT cũng tổ chức bồi dưỡng nhiều kiến thức khác cho người dân. Trong đó phải kể đến công tác bồi dưỡng ngoại ngữ – tin học. Tính đến nay toàn thành phố có 568 trung tâm ngoại ngữ – tin học, tăng 291 trung tâm so với năm 2006. Số lượng học viên ra lớp hàng năm trên 1 triệu lượt, tăng 340 ngàn lượt so với năm 2006. Tại các trung tâm học tập cộng đồng, tùy từng địa bàn – người dân được tập huấn nông nghiệp, kinh tế gia đình, dạy nghề, được tuyên truyền giáo dục pháp luật, sức khỏe gia đình…
Điển hình như ở Trung tâm Học tập cộng đồng Q.1 đã tổ chức thăm dò nhu cầu học tập của người lao động và tổ chức các lớp học. Qua 3 năm hoạt động, trung tâm đã tổ chức được 35 lớp học như Anh văn giao tiếp, người dẫn chương trình, kỹ năng ứng dụng tin học, văn hóa ứng xử giao tiếp trong cộng đồng, nơi công cộng, khiêu vũ, trang điểm công sở. Còn ở huyện Bình Chánh thì tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi heo, cá, dê, bò sữa, trồng trọt. Q.12 tổ chức cho người dân học nghề may, cắt tóc…
TP.HCM sẽ là thành phố học tập
Tại hội nghị, ông Nguyễn Công Hinh – Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thường xuyên, Bộ GD-ĐT thừa nhận: “Sau 5 năm thực hiện đề án Xây dựng XHHT, TP.HCM đã đạt và vượt nhiều chỉ tiêu. Mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên phát triển, theo đó nhiều người ngoại tỉnh, có hoàn cảnh khó khăn vẫn có điều kiện tham gia học tập nâng cao kiến thức và cả chất lượng cuộc sống”…
Trong 5 năm qua, mạng lưới cơ sở giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố tiếp tục được củng cố và phát triển. Trong đó 262/322 xã, phường, thị trấn có trung tâm học tập cộng đồng, 30 trung tâm giáo dục thường xuyên, 568 cơ sở văn hóa ngoài giờ, đã tạo điều kiện cho người dân được học tập thường xuyên, học tập mọi lúc, mọi nơi…
“TP.HCM luôn đi đầu trong cả nước ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục. Vì vậy, Bộ GD-ĐT mong muốn thành phố sẽ trở thành thành phố học tập đầu tiên của cả nước”, ông Hinh nói.
Có lẽ để trở thành một thành phố học tập thì TP.HCM phải khắc phục một số nhược điểm trong quá trình triển khai và thực hiện đề án Xây dựng XHHT. Phó chủ tịch UBND TP Hứa Ngọc Thuận đã nêu rõ: “Trong 5 năm thực hiện đề án, được sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, sự nhất quán từ quận, huyện xuống phường, xã, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả. Tuy nhiên vẫn còn một số mặt cần khắc phục, đó là: Việc xây dựng XHHT ở một số nơi vẫn chưa được quan tâm đúng mức của cấp ủy, chính quyền; nội dung sinh hoạt tại một số trung tâm học tập cộng đồng chưa thu hút được sự quan tâm của con em địa phương; kinh phí hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng còn eo hẹp, khó thu hút giáo viên, cộng tác viên tham gia từ đó ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động. Việc giáo dục, tuyên truyền, vận động người dân tham gia chưa hiệu quả, chưa thường xuyên. Đặc biệt là công tác điều tra nắm bắt nhu cầu học tập của người dân chưa làm đến nơi đến chốn. Các địa phương cần tìm tòi giải pháp để khắc phục những nhược điểm này trong thời gian tới”.
Kết thúc hội nghị, TS. Huỳnh Công Minh khẳng định sẽ cùng với các ban ngành đoàn thể cố gắng khắc phục nhược điểm trong thời gian qua để xây dựng TP.HCM thành một thành phố học tập nhằm đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân cũng như mong muốn của Bộ GD-ĐT…
Bài, ảnh: Hòa Triều

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)