Xây dựng một xã hội học tập là xây dựng một hệ thống giáo dục bảo đảm cho mọi cá nhân đều được học tập suốt đời.
Theo tác giả, để xây dựng xã hội học tập, cần khơi gợi tinh thần hiếu học ở từng cá nhân (ảnh minh họa). Ảnh: Anh Khôi
Trong hệ thống đó, có những chính sách và cơ chế tương ứng để bảo đảm cho mọi công dân góp sức phát triển các hình thức học tập thường xuyên trên mọi địa bàn dân cư theo điều kiện cụ thể của mình. Cá nhân học tập là thành tố hạt nhân của xã hội học tập bởi xã hội học tập phải được hình thành từ những cá nhân học tập. Để có được các gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập và cộng đồng cấp xã học tập thì trước hết phải có những cá nhân học tập. Trong một gia đình, những thành viên nào không là cá nhân học tập thì gia đình đó không đạt được tiêu chí gia đình học tập. Cũng như vậy, một cơ quan, doanh nghiệp, trường học… mà người lao động làm việc trong đó không tham gia học tập thì ta không thể có đơn vị học tập. Hay mỗi cộng đồng, mỗi địa phương không có những cá nhân học tập, những gia đình học tập thì cộng đồng, địa phương đó cũng không thể coi việc xây dựng xã hội học tập ở đó thành công. Vì vậy, cá nhân học tập là yếu tố cơ bản để xây dựng xã hội học tập.
Xây dựng xã hội học tập từ cơ sở là một chủ trương được Đảng và Nhà nước triển khai trong một thời gian dài bằng việc xây dựng những mô hình hiếu học và khuyến học (gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học, cộng đồng khuyến học). Đến nay, các mô hình hiếu học và khuyến học đã được khẳng định như những yếu tố động lực cho việc đẩy mạnh việc học tập suốt đời trong các cộng đồng dân cư.
Trên thực tế, vấn đề “xã hội học tập” (learning society) thời gian qua được nhắc đến thường xuyên và xem đó là một trong những mục tiêu quan trọng của xã hội ta hiện nay. Nội hàm của “xã hội học tập” nên hiểu là cần phát động để toàn xã hội tạo ra được phong trào thi đua học tập một cách tích cực, lành mạnh; bản thân mỗi thành viên đều nỗ lực học tập trong điều kiện của mình (học ở trường lớp, qua các phương tiện nghe nhìn, tự học…); mỗi người đều góp sức động viên bằng tinh thần và vật chất cho sự học của con em và những người khác. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy, tuy chủ trương rất đúng đắn nhưng chưa hình thành rõ ràng “xã hội học tập” ở xã hội ta hiện nay. Chẳng hạn, việc đóng góp vào các quỹ khuyến học, các loại học bổng tuy khá tích cực nhưng việc dấy lên một phong trào thực học thì chưa; có nhiều trung tâm học tập cộng đồng nhưng việc thu hút người dân đến học một cách thực chất vẫn còn hạn chế; có một số người đến lớp dự học các chương trình, các lớp nhưng nhìn chung vẫn chưa tạo ra động lực học tập “để biết”, “để làm”, “để chung sống” và “để khẳng định mình” (để tồn tại) như tuyên ngôn giáo dục thế kỷ XXI của UNESCO. Tinh thần hiếu học của người dân là rất rõ nhưng chuyển hóa nó thành hành động cụ thể thì có lúc, có nơi còn chưa tốt, nhất là còn hiện tượng học theo phong trào, sính bằng cấp, học cốt lấy bằng cấp, học với sự tự giác chưa cao… Do đó, để xây dựng xã hội học tập, cần khơi gợi tinh thần hiếu học ở từng cá nhân. Trước hết đó là ý nghĩa của việc học; học để có kiến thức phục vụ cho đời sống của bản thân và đóng góp tích cực vào sự phát triển của xã hội. Học không phải để “chuẩn hóa bằng cấp”, để “khoe mẽ” mà phải “thực học” và “thực nghiệp”, tức là phải học thực chất và đem kiến thức học được ứng dụng một cách có ích vào thực tế. Vì vậy, toàn xã hội phải mạnh mẽ phê phán những cá nhân không thực học (học giả bằng thật, học giả bằng giả, học giả để lên chức, lên lương…), đồng thời khuyến khích, động viên những người vượt qua nghịch cảnh để thực học và đem sở học đó nâng cao chất lượng cuộc sống.
Việc tổ chức và xây dựng tinh thần cá nhân hiếu học, cá nhân học tập phải bắt đầu từ những phẩm chất và năng lực mong muốn của cá nhân học tập quan tâm tuân theo một mô hình với những nguyên tắc như: Thứ nhất, cá nhân học tập là thành viên của gia đình học tập, dòng họ học tập, đơn vị học tập, cộng đồng học tập, vì thế những tiêu chí đánh giá cá nhân học tập phải nằm trong khuôn khổ những tiêu chí đánh giá các mô hình học tập nói trên. Thứ hai, cá nhân học tập ngoài những phẩm chất và năng lực cốt lõi chung cho mọi cá nhân học tập chung sẽ có những phẩm chất, năng lực riêng, tùy thuộc yêu cầu của từng địa phương đặt ra cho người dân của mình (theo vùng miền, điều kiện tập quán, văn hóa, mặt bằng kinh tế – xã hội…). Thứ ba, không nên đề ra quá nhiều tiêu chí đối với một cá nhân học tập, và các tiêu chí không quá cao khiến người dân cố gắng vẫn không đạt được; chủ yếu hướng tới việc khuyến khích người dân chủ động học tập. Thứ tư, tiêu chí đánh giá công nhận học tập cần linh hoạt, được bổ sung hoặc thay đổi theo từng bước phát triển của gia đình học tập, dòng họ học tập, cộng đồng học tập, đơn vị học tập cũng như điều kiện kinh tế – xã hội chung.
Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ người học cần được quan tâm có chiều sâu hơn, thực chất hơn. Rõ ràng, tại TP.HCM, các hoạt động này hiện là bề nổi, là điểm nhấn của xã hội học tập, đã có tác dụng rất tích cực nhưng hoàn toàn có thể nâng cao hơn nữa. Chẳng hạn, toàn thành phố có hơn 1,4 triệu hội viên khuyến học; chỉ tính riêng quỹ khuyến học gia đình từ chương trình “Tiết kiệm nuôi heo đất khuyến học” trong 13 năm (2007-2020) đã tiết kiệm hơn 2.640 tỷ đồng để chăm lo cho các hoạt động học tập. Nếu mỗi hội viên chỉ tiết kiệm 300 đồng/ngày (tương đương mỗi năm là 100.000 đồng) thì hằng năm, quỹ khuyến học thu đến hơn 1.400 tỷ đồng, có thể giúp đỡ một cách cụ thể hơn, thiết thực hơn cho rất nhiều học sinh, sinh viên nghèo, cũng như nhiều hoạt động hỗ trợ giáo dục khác. Hay việc “lâu lâu” một học sinh nghèo được tặng học bổng 1 triệu đồng, tuy có ý nghĩa động viên thực sự nhưng chưa đủ giúp học sinh đó có thêm điều kiện để tiếp tục học tập. Vì vậy, sẽ có ý nghĩa hơn nếu sự giúp đỡ đó mang tính thường xuyên hơn, lớn lao hơn.
Ngoài ra, như nhiều lĩnh vực khác, việc xây dựng xã hội học tập cần sự nêu gương của cán bộ, công chức, đảng viên… Chẳng hạn, cán bộ, đảng viên là hội viên hội khuyến học nên đi đầu trong việc thực hiện tiết kiệm gây quỹ và vận động người khác tham gia hội khuyến học; những người có điều kiện có thể nhận bảo trợ (giúp đỡ thường xuyên) cho các em học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; gia đình khi có người thân qua đời có thể dùng tiền phúng viếng tặng cho quỹ khuyến học hoặc làm học bổng tặng cho những trường hợp cụ thể… Bên cạnh đó, cán bộ, công chức, đảng viên phải tăng cường tự học, học thực và làm thực; các cơ quan có thể đưa tiêu chí học tập vào đánh giá chất lượng, mức độ hoàn thành nhiệm vụ hằng năm… Tức là tinh thần hiếu học hay cá nhân học tập phải được thể hiện rõ và nêu gương từ đội ngũ cán bộ, đảng viên!
Nguyễn Minh Hải
Bình luận (0)