Ban Văn hóa – Xã hội HĐND TP.HCM vừa tổ chức giám sát các bệnh viện (BV) trên địa bàn TP về tình hình triển khai thực hiện Đề án Y tế thông minh (YTTM) giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030. Qua đó cho thấy, hầu hết các BV đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác khám chữa bệnh, quản lý. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn không ít khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Nếu để các BV “tự bơi” sẽ rất khó thực hiện đề án này…
Ngân hàng sữa mẹ được Bệnh viện Hùng Vương ứng dụng công nghệ vào bảo quản và xử lý
12 người “ôm” gần 700 máy vi tính
Là điểm sáng về thực hiện YTTM của TP.HCM, tuy nhiên BV Nhi đồng 1 cũng gặp không ít khó khăn. BS Ngô Ngọc Quang Minh – Phó Giám đốc BV – cho biết, từ năm 2020, BV đã xây dựng 5 chương trình hành động, trong đó có chương trình về BV thông minh. Đầu tiên phải xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ trung tâm dữ liệu đảm bảo nhu cầu chuyển đổi số; tiếp tục xây dựng triển khai tích hợp các hệ thống phần mềm để tạo thành hệ sinh thái, hướng đến chuyển đổi số BV… Cái khó của BV hiện nay là phải có một đội ngũ nhân lực CNTT để triển khai các hoạt động, mục tiêu. Nhân lực là một trong những nhân tố không thể thiếu khi thực hiện YTTM. BV tuy có được đội ngũ nhân lực CNTT trình độ cao, tâm huyết, luôn chủ động trong công việc nhưng là BV công lập nên cơ chế về lương, thu nhập tăng thêm không thể thoáng như các đơn vị ngoài công lập, do vậy việc giữ chân người tài rất khó. Đó là chưa kể việc tuyển dụng người mới càng khó hơn.
“Hiện tại BV chỉ có 12 người nhưng quản lý gần 700 máy tính, máy in. Đây là một thách thức lớn trong việc thực hiện YTTM không chỉ đối với BV Nhi đồng 1 mà còn đối với nhiều BV công lập khác”, BS Minh bày tỏ.
Theo thống kê, mỗi ngày BV Nhi đồng 1 tiếp nhận 5.000-6.000 bệnh nhi đến khám, cao điểm lên đến 8.200 trẻ. Số bệnh nhi nội trú trung bình 1.500, cao điểm gần 2.200.
BS Minh chia sẻ, BV rất quyết tâm thực hiện YTTM bởi thấy được những lợi ích của CNTT mang lại trong việc khám, chữa bệnh và công tác quản lý. Ứng dụng CNTT đã góp phần giảm thời gian chờ của bệnh nhân, người dân không phải xếp hàng; còn đối với nhân viên y tế thì giảm tải được nhiều công việc.
Cụ thể, ở khu khám ngoại trú, BV thực hiện Scan chứng từ y tế, do đó bệnh nhân không phải đi photo và giúp công tác quản lý dễ hơn. BV cũng triển khai các ki-ốt tự động hóa số thứ tự đăng ký khám, xét nghiệm, tra cứu giá; triển khai đăng ký khám bệnh qua website, điện thoại; triển khai thanh toán không dùng tiền mặt… Ngoài ra, BV còn tận dụng tối đa CNTT tạo ra hệ thống nhắc bệnh nhân trong khám chữa bệnh; cảnh báo, hỗ trợ, giúp bác sĩ tuân thủ phác đồ điều trị. Đặc biệt ứng dụng CNTT trong kê đơn và sử dụng thuốc triển khai từ năm 2016 đã hỗ trợ an toàn cho kê đơn, tránh sai sót.
“Mỗi ngày BV tiếp nhận 5.000-6000 bệnh nhi. Theo đó trung bình mỗi buổi sáng một bác sĩ khám cho khoảng 90-100 bệnh nhi. Quá tải như vậy nên việc sai sót trong kê đơn là khó tránh khỏi. Nhờ ứng dụng CNTT đã giúp các bác sĩ hạn chế tối đa sai sót, tránh ảnh hưởng đến bệnh nhân”, BS Minh nói.
Tại khu nội trú, việc số hóa giấy tờ chuyên môn, giấy tờ phục vụ công tác khám chữa bệnh, hội chẩn, quản lý, giám sát… đã được thực hiện hơn 10 năm qua. Ngoài ra, BV Nhi đồng 1 cũng đang triển khai thí điểm bệnh án điện tử 4 khoa; dự kiến 2 năm tới triển khai tại tất cả các khoa của BV. Các khoa phòng, đơn vị đều trang bị chữ ký số.
Về quản lý bệnh nhi, BV ứng dụng CNTT trong thực hiện bảng kiểm tra an toàn phẫu thuật. Để giảm nguy cơ nhầm người bệnh, nhầm bộ phận phẫu thuật, mỗi bệnh nhi được mang lắc đeo tay có mã vạch, trước khi vào phòng mổ, trước khi rạch da hay phát thuốc đều được tra mã vạch…
Máy móc lỗi thời vì… thủ tục hành chính
Mỗi năm BV Hùng Vương đón khoảng 35.000 đến 40.000 trẻ sơ sinh chào đời, thực hiện từ 20.000 đến 25.000 ca phẫu thuật. Những năm qua BV đã triển khai nhiều hoạt động ứng dụng CNTT, hướng tới YTTM như kiện toàn hạ tầng công nghệ và sử dụng 27 phần mềm trong quản lý, vận hành.
Đơn cử như phần mềm quản lý HIS, phần mềm ứng dụng đăng ký khám trực tuyến và sổ khám bệnh điện tử giúp người bệnh không phải mất thời gian xếp hàng chờ đợi lấy số thứ tự. BV cũng triển khai thanh toán không dùng tiền mặt qua internet banking, mã QR… đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân, nhất là trong mùa dịch vừa rồi.
BV Hùng Vương cũng đưa vào sử dụng phần mềm IOH – ứng dụng SMS trong quản lý từ xa. Đến nay, tiến độ xây dựng bệnh án điện tử ngoại trú đạt 100%, bệnh án nội trú sản khoa đạt 99%. Đặc biệt, BV đang lập dự án ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong di truyền y học để chẩn đoán tiền sản, bệnh lý tuyến vú, chất lượng phôi trong thụ tinh trong ống nghiệm…
Tuy nhiên, BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Giám đốc BV Hùng Vương – thừa nhận, BV vẫn còn nhiều khó khăn nên chưa đạt được các mục tiêu đề ra. Đơn cử, Dự án phát triển hệ thống an ninh mạng, khi thành lập dự án, BV đã gửi qua UBND TP, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Khoa học – Công nghệ nhưng khi nhận được quyết định cho phép thực hiện thì các máy móc đã lỗi thời. Nếu xin điều chỉnh thì mất thời gian, lại đi vào vòng luẩn quẩn. CNTT là ngành phát triển nhanh nếu đi chậm thì các kỹ thuật, máy móc đã lỗi thời. Mặt khác, do vướng Luật Đầu tư công nên việc đầu tư trang thiết bị phải có sự chọn lọc nhưng lại dẫn đến tình trạng máy móc thiếu đồng bộ.
Đề án YTTM giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn 2030 do UBND TP.HCM ban hành nhằm khắc phục các hạn chế, tồn tại hiện nay của ngành y tế, hướng tới xây dựng một nền YTTM. Các lĩnh vực y học dự phòng và điều trị đều phát triển theo hướng số hóa để kết hợp dữ liệu tạo nên nguồn dữ liệu mở, phục vụ tốt cho công tác quản lý xã hội, cung ứng tốt các dịch vụ y tế; giảm phiền hà, rủi ro, tạo thuận tiện nhất cho người dân, phát huy vai trò của người dân trong giám sát quản lý và xây dựng ngành y tế. |
Cũng như Nhi đồng 1, BV Hùng Vương đang gặp khó khăn trong tuyển dụng nhân lực CNTT. “Rất khó tìm được những người có năng lực vì lương thấp hơn rất nhiều so với mặt bằng chung ngoài thị trường, cơ chế thì chưa rộng mở. Dù tuyển quanh năm nhưng cũng không tuyển đủ… ”, BS Tuyết chia sẻ.
Song, điều khiến BS Tuyết lo ngại hơn là hệ thống quản lý chung các BV chưa có sẽ ảnh hưởng đến việc thực hiện của từng BV, trong khi triển khai YTTM phải có sự liên thông, gắn kết với nhau.
“BV Hùng Vương sử dụng phần mềm quản lý rất sớm nhưng khâu gắn kết với các BV khác, gắn kết chung với hệ thống quản lý BV đã ảnh hưởng đến việc này. Bởi thiếu sự gắn kết hệ thống BV thì không chuyển được các hồ sơ bệnh án. Mong Bộ Y tế, Sở Y tế TP sớm có đề án chung về hệ thống quản lý BV, như vậy mới có thể thực hiện được YTTM toàn TP”, BS Tuyết kiến nghị.
Minh Phương
Bình luận (0)