Nhằm góp phần giảm tải ùn tắc cho khu vực đường ra vào Sân bay Tân Sơn Nhất, dự án xây dựng đường trên cao được kỳ vọng không chỉ giảm tải cho khu vực sân bay, mà còn góp phần kéo giảm ùn tắc cho khu vực trung tâm thành phố.
Hy vọng khi có đường trên cao, đường Trường Sơn sẽ chấm dứt vấn nạn ùn tắc |
Công trình 3.500 tỉ đồng
Vừa qua, chiều 4-9-2016, thông tin từ Sở GTVT TP.HCM cho biết, liên doanh gồm 3 đơn vị đầu tư (Tổng công ty 319, Công ty TNHH Dịch vụ thương mại sản xuất xây dựng Đông Mêkong và Công ty CP hạ tầng Đông Á) vừa đề xuất lên sở dự án xây dựng đường trên cao kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình) với đường Nguyễn Văn Trỗi – Hoàng Văn Thụ (Q.Phú Nhuận) theo hình thức PPP (hợp tác công – tư), với tổng vốn đầu tư khoảng 3.500 tỉ đồng.
Theo đó, đường trên cao sẽ được thiết kế có chiều dài hơn 5km, rộng 7,5-12,5m (tùy theo đoạn), nối các nhà ga quốc tế và quốc nội với các tuyến đường xung quanh. Trong đó, đoạn chính đi trên cao bắt đầu từ đường Trường Sơn (sau ngã ba đường Cửu Long), đi qua trước cửa nhà ga T2 (ga quốc tế), T1 (ga quốc nội) và nối đến nhà ga T3 (dự kiến sẽ xây dựng phía đường Hoàng Hoa Thám). Bên cạnh đó, một nhánh đường trên cao khác cũng được đề xuất xây dựng chạy dọc theo đường Thăng Long đi vào đường Phan Thúc Duyện, sau đó xuyên qua Công viên Hoàng Văn Thụ và nối với đường phía dưới tại điểm giao giữa đường Hoàng Văn Thụ với Nguyễn Văn Trỗi.
Tiến sĩ Phạm Sanh khẳng định, dự án xây dựng đường trên cao kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố là một giải pháp hợp lý, cần được thực hiện với tầm nhìn chiến lược từ 20-50 năm. |
Ngoài 2 trục đường chính trên, các đơn vị đầu tư còn đề xuất xây 6 nhánh cầu kết nối với các tuyến đường từ dưới lên. Các tuyến nối gồm: nhánh cầu N1 kết nối từ đường chính Trường Sơn đến nhà ga T3 để vào đường trên cao phía đường Thăng Long với chiều dài hơn 1km. Nhánh cầu N2 nối đường Trường Sơn và nhà giữ xe quốc nội với chiều dài 230m. Nhánh N3 kết nối từ đường ra của nhà ga quốc nội vào khu vực nhà ga T3. Nhánh N4 kết nối với đường Thăng Long. Nhánh N5 nối với đường Nguyễn Văn Trỗi và nhánh N6 nối với đường Hoàng Văn Thụ.
Được biết, tuyến đường trên cao này sẽ được kết nối với tuyến đường trên cao số 1 TP.HCM (Cộng Hòa – Trần Quốc Hoàn – Phan Thúc Duyện, Hoàng Văn Thụ – Phan Đăng Lưu – Phan Xích Long – cầu Phú An (Q.Bình Thạnh)). Công trình này do Công ty CP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (CII) đề xuất thực hiện vào tháng 6 vừa qua, có chiều dài 9,5km, tổng kinh phí khoảng 15.000 tỉ đồng.
Giải tỏa ùn tắc cho khu vực sân bay
Theo chuyên gia giao thông – tiến sĩ Phạm Sanh, thông thường các sân bay quốc tế đều có đường cao trên không hoặc đường cao tốc, đi từ sân bay vào trung tâm, không có sân bay nào nằm lọt thỏm giữa xung quanh toàn là nhà dân như Sân bay Tân Sơn Nhất. Về vấn đề ùn tắc giao thông đường ra vào sân bay, thực chất lỗi do sân bay chỉ là một phần, chủ yếu là do ảnh hưởng của vấn đề quản lý kiến trúc đô thị, quy hoạch giao thông trong nội bộ và giao thông công cộng chưa phát triển. Tiêu biểu như tuyến đường Trường Sơn, là trục chính vào sân bay nhưng mật độ nhà dân phát triển dày đặc, thêm vào đó là sự xuất hiện của các khu thương mại, khách sạn, thậm chí còn có thêm những bãi đỗ xe nên thường xảy ra ùn tắc. Ngoài ra còn có những trục đường nối kết do dân cư phát triển xung quanh dễ gây ách tắc đường vào sân bay. Chẳng hạn như tình trạng ùn tắc xảy ra ở đường Phổ Quang hay những tuyến đường kết nối với Q.Gò Vấp cũng gây nhiều khó khăn cho việc lưu thông của người dân.
Do đó, để giải pháp giải tỏa ùn tắc mang tính lâu dài và hiệu quả, tiến sĩ Phạm Sanh khẳng định, dự án xây dựng đường trên cao kết nối Sân bay Tân Sơn Nhất với trung tâm thành phố là một giải pháp hợp lý, cần được thực hiện với tầm nhìn chiến lược từ 20-50 năm. Dự án này không chỉ góp phần giải quyết vấn đề ùn tắc đường ra vào sân bay, tạo thuận lợi cho việc lưu thông của hành khách từ sân bay vào trung tâm và ngược lại, mà còn góp phần giải tỏa lượng xe vào trung tâm, kéo giảm ách tắc cho giao thông trung tâm thành phố. Tuy nhiên, vì là trục đường đầu tiên và là trục đường chính đi qua trung tâm thành phố, nên đây không chỉ là công trình giao thông đơn thuần, mà còn là công trình kiến trúc của thành phố. Do đó rất cần những chuyên gia về cảnh quan đô thị góp ý về thiết kế kiến trúc, cụ thể như thiết kế bán kính cong, những tiểu tiết lan can, hay những tỉ lệ kích thước bề rộng, bề cao so với công trình hai bên như thế nào cho thật hợp lý, thẩm mỹ để tôn thêm vẻ đẹp của thành phố.
Bích Vân
Bình luận (0)