Hướng trẻ đến việc quan tâm, yêu thương và chăm sóc loài vật không chỉ đơn thuần dạy các em tránh làm hại động vật mà còn là cách người lớn xây lòng nhân ái trong mỗi đứa trẻ.
Dạy cách đối xử
“Con nhìn kìa, khỉ mẹ đang chăm sóc, bắt chí rận cho khỉ con, khỉ con vì còn nhỏ, cần đến sự chăm sóc, bảo vệ của khỉ mẹ nên không bao giờ rời xa khỉ mẹ. Con thấy đáng yêu không? Khỉ là loài vật rất thông minh, gần gũi với con người và chúng có thể bắt chước hành động của con người nhưng chúng cũng dễ nổi giận, cắn trả nếu chúng ta chọc ghẹo quá đà!”.
Câu chuyện về mẹ con nhà khỉ xoay quanh tập tính, sinh hoạt… được chị Lan Khuê (ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) liên tục giảng giải cho cậu con trai Duy Tuấn (6 tuổi) tại buổi vui chơi cuối tuần ở Thảo Cầm Viên (Q.1). Đến các khu chuồng voi, hà mã…, chị Lan Khuê tiếp tục giới thiệu về những chủng loài này, Tuấn tỏ ra thích thú, dõi theo chăm chú và không ngừng đặt nhiều câu hỏi “Tại sao?” với mẹ.
Theo chị Lan Khuê, mọi tác động ở độ tuổi trẻ còn nhỏ luôn để lại ấn tượng sâu sắc và ảnh hưởng rất lớn đến nhận thức. Giới thiệu về các loài động vật không chỉ giúp trẻ hiểu biết thêm về môi trường, đời sống mà còn là cầu nối khơi gợi, kích thích tinh thần khám phá môi trường thiên nhiên xung quanh. Qua đó trẻ ý thức được rằng động vật cũng có gia đình, tổ chức bầy đàn, chúng cũng cần có cuộc sống và con người không nên làm hại chúng.
Học sinh Trường Tiểu học Lê Ngọc Hân (Q.1, TP.HCM) tham quan, học thực tế tại khu bảo tồn động vật hoang dã Củ Chi (TP.HCM) |
Nhà có một chú chó con giống Nhật, ngày ngày Sĩ Hưng (8 tuổi, ở Q.5) quấn quýt, xem chú chó như một người bạn. Anh Sĩ Quốc (ba Hưng) chia sẻ: “Ban đầu gia đình tôi muốn nuôi chó chỉ để vui cửa, vui nhà, nhưng không ngờ nó lại trở thành người bạn thân thiết của con trai. Trước kia, Hưng khá nhút nhát khi tiếp xúc các con vật nuôi trong nhà. Thậm chí còn dùng chân đá không thương tiếc nếu có mèo hay chó đến làm quen. Sợ tình trạng này sẽ xảy ra với chú chó mới, vợ chồng tôi luôn giải thích cho con rằng đây là loài vật hiền lành, đáng yêu, đánh đập sẽ khiến nó bị đau và có khi cắn lại. Được cái loài chó dễ làm quen, thân thiện nên cháu nhanh chóng yêu thích, còn biết cho ăn uống, tắm rửa chú chó nhỏ. Kể ra từ khi thích chú chó, cháu ít bám mẹ, không còn nhõng nhẽo và rất biết nghe lời”.
Hình thành nhân cách tốt đẹp
Theo tìm hiểu của chúng tôi, giáo dục trẻ yêu thương, bảo vệ, chăm sóc động vật được tích hợp giáo dục cho học sinh ngay từ bậc tiểu học và ở các bậc học cao hơn.
Cô Nguyễn Thị Thu Vân, Khối trưởng Khối 1 Trường Tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (Q.1), cho rằng nội dung giáo dục không đơn thuần dạy về những động vật có lợi, động vật có hại mà còn dạy cả những giá trị bảo vệ, yêu thương. Đơn cử qua hình ảnh hai con dế mèn chọi nhau, một trong 2 con phải chết. Vấn đề đưa ra cho học sinh nhìn nhận là có đáng không khi cho trẻ chơi trò chọi dế vì chúng là động vật sống, cũng muốn sống, tồn tại như chính con người.
“Phụ huynh nên trang bị những kỹ năng bảo vệ bản thân như cần rửa tay trước khi ăn uống nếu trước đó tiếp xúc với các loại thú cưng, không nên lại gần các động vật hung dữ, có tính nguy hiểm… để đảm bảo sự an toàn cho trẻ”, ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An nói. |
“Mỗi đứa trẻ đều có lòng trắc ẩn yêu thương, các bài học có thể đánh thức lòng trắc ẩn cho dù loài vật đó lớn hay nhỏ. Được giáo dục những giá trị yêu thương từ nhỏ, trẻ sẽ sống có trách nhiệm, giàu lòng nhân ái đối với động vật. Từ đó tình cảm yêu thương sẽ lớn dần lên, trẻ biết quan tâm, yêu thương bạn bè và mọi người xung quanh. Tôi rất vui khi nghe một số phụ huynh tâm sự: Về đến nhà trẻ háo hức kể các câu chuyện về loài vật cho ba mẹ nghe và khuyên ba mẹ đừng nên làm hại chúng”, cô Thu Vân cho biết.
Cô Thu Vân cho biết thêm, nội dung trên được tích hợp từ học kỳ II của lớp 1 trong môn tự nhiên xã hội và tiếp tục được tích hợp ở các lớp trên. Ngoài kiến thức sách vở, học sinh còn được tham gia ngoại khóa tại Thảo Cầm Viên để trực tiếp tìm hiểu, học hỏi.
ThS. tâm lý Đào Lê Hòa An (Hội Tâm lý học xã hội Việt Nam) cho hay: “Một đứa trẻ lớn lên chịu ảnh hưởng của 4 yếu tố: Tâm lý, môi trường sống, giáo dục, hoạt động và giao tiếp. Trong đó hoạt động và giao tiếp góp phần không nhỏ đến sự hình thành, phát triển nhân cách. Trẻ có điều kiện tiếp cận, học cách đối xử với động vật sẽ khơi dậy tâm hồn giàu cảm xúc. Dần dà, những tình cảm mang tính chất lâu bền sẽ củng cố hành vi, suy nghĩ, thói quen tốt đẹp của trẻ, giúp trẻ biết cách đối xử với loài vật và phát huy cả thái độ ấy với bạn bè, mọi người xung quanh”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
“Gần mực thì đen” Theo nghiên cứu của các chuyên gia, một đứa trẻ sinh ra trong hoàn cảnh xung quanh là bạo lực, giết hại động vật thì đứa trẻ đó không sợ khi bắt gặp lại hình ảnh, hành động ấy. Thậm chí đứa trẻ ấy có thể bắt chước, làm theo. Làm lần đầu sẽ có lần hai, lần ba và sẽ mạnh dạn, liều lĩnh hơn. Hành vi này có thể lớn theo năm tháng, ảnh hưởng không tốt đến tính cách, khiến trẻ có thể hung hãn, gây gổ, đánh nhau với người xung quanh. Điều này tương tự khi giáo dục trẻ yêu thương, bảo vệ động vật thì lòng nhân ái cũng được xây dựng. |
Bình luận (0)