Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Xây nhà sống chung với lũ

Tạp Chí Giáo Dục

Dù đang ngồi trên ghế giảng đường đại học nhưng nhiều sinh viên đã năng động, sáng tạo khởi nghiệp từ những ý tưởng gần gũi, thiết thực, hướng đến cộng đồng, như xây nhà ở chống nước dâng, nước ngập…

Xây nhà sống chung với lũ
Mô hình nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu (nước dâng, nước ngập) cho người dân xóm nổi Phúc Xá – Ba Đình – Hà Nội.

Nhà ở thích ứng biến đổi khí hậu

Đó là dự án khởi nghiệp của nhóm sinh viên trường ĐH Kiến trúc và ĐH Ngoại thương Hà Nội, nhằm giúp người dân xóm nổi Phúc Xá – Ba Đình (Hà Nội) có những ngôi nhà thông minh, đa năng thích ứng với điều kiện khí hậu phức tạp (nước dâng, nước ngập). Nguyễn Văn Khương, sinh viên năm cuối, khoa Kiến trúc, ĐH Kiến trúc Hà Nội, thành viên của dự án cho biết, hiện tại cư dân tại xóm nổi Phúc Xá sống trong điều kiện nhà cửa hết sức lụp xụp, chắp vá từ gỗ, cót, thùng xốp, bạt. “Mục tiêu của dự án là thiết kế những ngôi nhà thích ứng với điều kiện sông nước phức tạp ở xóm nổi Phúc Xá từ những vật liệu thông minh, đồng thời đảm bảo tính đa năng, tiện ích sinh hoạt, sử dụng cho một gia đình”, Khương chia sẻ. Theo đó, ngôi nhà được thiết kế từ chất liệu sắt, thép, hoặc tre nứa, có diện tích 36 m2, gồm 2 phòng ngủ, một phòng khách thông bếp,1 nhà vệ sinh và 1 khu nhốt gia súc, gia cầm. Nhà được thiết kế theo kiểu lắp ghép lego, dễ dàng lắp ráp sử dụng. Mỗi ngôi nhà có giá khoảng 46 – 50 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhóm cũng đề ra các giải pháp trồng bèo tây nhằm xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước ở xóm nổi; thiết kế giải pháp sử dụng năng lượng mặt trời nhằm nâng cao chất lượng đời sống người dân.

Để thực hiện hóa ý tưởng, Khương và nhóm bạn đã vận động nguồn vốn tài trợ của một số doanh nghiệp dựng mô hình ngôi nhà và tổ chức triển lãm, thu hút đông đảo người xem. “Hiện đã có nhà đầu tư ngỏ lời chung tay thực hiện dự án nhưng chúng em muốn hoàn thiện tốt nhất sản phẩm và chuẩn bị chu đáo mọi thủ tục khi bắt tay vào triển khai dự án”, Khương chia sẻ.

Khương cho biết thêm, nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu cho người dân xóm nổi Phúc Xá chỉ là một thiết kế trong chuỗi dự án nhà thu nhập thấp dành cho cư dân ở những vùng đất khó, có điều kiện khí hậu, thiên tai phức tạp mà nhóm đang hướng tới. Đặc biệt, nhóm cũng đang tập trung nghiên cứu cho ra đời sản phẩm nhà ở thông minh cho người dân vùng lũ miền Trung. “Dự kiến ngôi nhà có giá thành từ 12 – 15 triệu đồng, đảm bảo không gian tạm trú tránh lũ an toàn cho người dân trong khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày. Mô hình ngôi nhà cũng được thiết kế lắp ghép rất dễ dàng sử dụng. Khi không sử dụng, người dân tháo cất khá gọn gàng”, Khương chia sẻ về tính ưu việt của ngôi nhà chống lũ cho người dân miền Trung.

Minh Công và bạn đồng hành Trần Thanh Long đang gấp rút hoàn thiện thủ tục thành lập công ty.

Máng ăn tự động cho heo

Sản phẩm SE – Máng ăn tự động cho heo của Phạm Minh Công, Trần Thanh Long, đều là sinh viên năm thứ 5, ĐH Bách khoa Đà Nẵng hiện đang được 5 trại heo đưa vào sử dụng và thử nghiệm. Đây là sản phẩm khởi nghiệp được Phạm Minh Công ấp ủ với mong muốn giải phóng sức lao động cho bố mẹ trong quá trình nuôi heo. “Bố mẹ em làm nghề nuôi heo rất vất vả. Khi bọn em còn nhỏ, bố mẹ chỉ nuôi heo với số lượng ít theo phương pháp thủ công nhưng khi mấy anh em cùng đi học, đặc biệt từ ngày em bước chân vào giảng đường đại học, gánh nặng kinh tế bố mẹ phải tăng số lượng đàn heo lên, chuyển sang phương pháp nuôi công nghiệp, sử dụng máng ăn tự động cho heo được bán ngoài thị trường. Nhưng sau một thời gian máy phát sinh nhiều bất cập, tốn kém chi phí nên bố mẹ lại chuyển nuôi heo kiểu thủ công rất cực nhọc”, Minh Công chia sẻ. Thương bố mẹ, Công tự mày mò nghiên cứu ra một loại máng cho heo ăn tự động có tính ưu việt hơn để tặng bố mẹ.

Để chuẩn bị nguồn vốn cho khởi nghiệp, Công làm thêm đủ thứ nghề, từ gia sư, chạy bàn quán ăn, quán cà phê, phụ quán net, bán quần áo, shipper,… Thậm chí, Công còn nhịn ăn để tiết kiệm tiền. “Chắt chiu, dành dụm nên em cũng có số vốn kha khá, khi bắt tay vào thực hiện dự án em chỉ xin thêm bố mẹ một ít thôi”, Công cho biết. “Khó khăn nhất với em là không có đồng đội. Khi chia sẻ ý tưởng khởi nghiệp máng ăn tự động cho heo em đều bị bạn bè từ chối, vì chủ đề khởi nghiệp không hấp dẫn, đa số bạn trẻ không thích. Trải qua rất nhiều gian nan, vất vả đến giờ có bạn Long đồng hành”, Công chia sẻ thêm.

Từ tháng 3/2016, Minh Công bắt đầu khởi động dự án, 3 tháng sau cho ra sản phẩm đầu tay. Bố mẹ Công mang ra thử nghiệm. Hài lòng với sản phẩm do con trai sáng chế, bố mẹ Công chuyển sang nuôi heo công nghiệp bằng máng ăn SE. “Máng ăn tự động cho heo – SE có 2 đặc tính ưu việt: Xác định được lượng thức ăn heo ăn vào; ăn đúng số bữa và đúng thời gian ăn trong ngày. Vì thế, máng ăn tự động SE không chỉ giải phóng sức lao động cho con người mà còn giúp tiết kiệm được lượng thức ăn, khẩu phần ăn đảm bảo đủ dinh dưỡng, khoa học giúp heo tăng trưởng đều”, Công chia sẻ. Từ thành công đó, Công nảy ra ý tưởng phát triển sản phẩm, nhân rộng ra thị trường. Tuy nhiên, để đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng cũng không hề đơn giản. Khi Công tiếp xúc với các chủ trang trại heo họ đều tỏ ra nghi ngờ, không tin tưởng với sản phẩm chưa tên tuổi của một sinh viên. Không nản, Công vẫn kiên trì đến từng trang trại heo giới thiệu về sản phẩm. Sự cố gắng của Công đã được đền đáp, hiện đã có 5 trang trại heo dùng thử máng ăn tự động SE. Hiện Công cũng đang hoàn thiện các thủ tục để thành lập công ty chuyên sản xuất và phân phối máng ăn tự động cho heo – SE. Công tỏ ra lạc quan, tin tưởng với những tính năng ưu việt của SE sẽ sớm được người tiêu dùng yêu thích, sử dụng.

Dự án SE – Máng ăn tự động cho heo của Phạm Minh Công, Trần Thanh Long và nhà ở thích ứng với biến đổi khí hậu (nước dâng, nước ngập) cho người dân xóm nổi Phúc Xá – Ba Đình – Hà Nội lọt vào vòng Chung kết toàn quốc cuộc thi Ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp sinh viên lần thứ I do T.Ư Hội SVVN tổ chức.

Lưu Trinh (TPO)

Bình luận (0)