Bằng nghị lực, anh đã vượt qua được thử thách của số phận. Nhưng điều đáng quý hơn là anh đã xây nên tổ ấm lớn cho một đại gia đình của trẻ khiếm thị bằng tình yêu thương với người cùng cảnh ngộ. Anh là Nguyễn Quốc Phong – phụ trách Mái ấm Thiên Ân – một cơ sở bảo trợ xã hội tại TP.HCM.
Thầy Nguyễn Quốc Phong đang dạy chữ nổi cho HS khiếm thị |
Ngọt ngào tình nhân ái
Đến P.Tân Quý, Q.Tân Phú hỏi thăm Mái ấm Thiên Ân ở số 122 đường Nguyễn Ngọc Nhựt không hề khó vì hầu hết người dân nơi đây đều biết. Trên diện tích 73m2 ngôi nhà 4 tầng đầy đủ phương tiện đã đáp ứng được nơi ăn ở, học tập của hơn 40 em vừa HS nội trú và bán trú. Tuy tóc đã có nhiều sợi bạc nhưng dáng đi của anh Quốc Phong vẫn nhanh nhẹn đặc biệt là giọng nói vẫn ấm áp. Lúc này đã 9 giờ sáng nên tất cả các lớp học chữ, học nhạc, học ngoại ngữ đang “vận hành” theo thời khóa biểu hàng tuần. Vừa dạy xong một bản nhạc cho lớp đàn guitar, người “nhạc trưởng” của mái ấm nhớ lại: “Năm 1999 mái ấm được thành lập nhưng chỉ là một cơ sở nhỏ tạm bợ nên số lượng HS cũng rất ít chỉ độ 10 em chủ yếu là những em có hoàn cảnh khó khăn nhất ở các nơi khác gửi về”. Cũng theo lời kể của anh Phong vì quá khó khăn nên chỗ ở của các em cũng không ổn định nay ở Tân Bình, mai về Bình Tân rồi lại chuyển qua Tân Phú. “Đến khi chuyển về Tân Phú số HS mới đông hơn và mái ấm cũng mở thêm được các lớp về ngoại ngữ và tin học”. Nói tới đây, người đàn ông ngoài 50 tuổi mặt mày rạng rỡ hơn, anh nói rất nhiều về những khó khăn ban đầu của mái ấm nhưng cũng thật sự vui sướng khi có được một cơ ngơi như hôm nay. Nhưng điều phấn khởi nhất đối với anh – người đặt nền móng đầu tiên cho mái ấm là các em trong suốt 17 năm qua từ mái ấm này đã trưởng thành để có nghề nghiệp ổn định khi bước vào đời.
Vào cơ sở sản xuất của mái ấm, chúng tôi được biết thêm nơi đây còn nhận in sách chữ nổi và sản xuất gậy dò đường cho người mù để có thêm chi phí trang trải. Không chỉ được học hành các em còn biết làm ra những sản phẩm phù hợp với khả năng của bản thân để trở thành người hữu ích cho xã hội. Công lao đó không thể không nhắc tới “thuyền trưởng” Nguyễn Quốc Phong “sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình” (Tố Hữu). |
Hơn ai hết là người trong cuộc sớm đón nhận sự nghiệt ngã của số phận, anh Nguyễn Quốc Phong thấu hiểu hết những thiệt thòi của người khuyết tật khi mất đi ánh sáng từ đôi mắt lúc 31 tuổi. Năm 1991 đang là một chàng trai khỏe mạnh làm ở Công ty Xuất nhập khẩu mây tre gỗ của Singapore, người công nhân quê gốc ở Nam Định bị gãy vai và hư con mắt sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng: “Lần đó tôi đang chạy xe từ Đồng Nai về Sài Gòn thì bị cây gỗ trên xe tải đâm vào mắt và té xuống đường. 3 ngày bị hôn mê trong bệnh viện làm bố mẹ lo lắng vì tưởng là sẽ “đi” luôn. Đến khi sức khỏe bình phục thì mũi không ngửi được và đau khổ nhất là đôi mắt vĩnh viễn không nhìn thấy ánh sáng”. Từ một chàng trai có công ăn việc làm ổn định nay trở thành người tàn phế, Quốc Phong như bị rơi xuống vực thẳm cuộc đời. Thất vọng này đến thất vọng khác bởi anh đã lớn tuổi nên không có tổ chức nào của Hội Người mù tiếp nhận. Thế nhưng do tuổi tác đã cứng cáp nên anh có suy nghĩ chín chắn hơn và bắt đầu từ đó con đường tự học đã được mở ra.
Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình
Tự học trong bóng tối tuy gian nan nhưng đây là “phép lạ” giúp anh chiến thắng giặc dốt bằng chữ braille. Biết chữ nổi anh lại “nhảy” sang đam mê máy vi tính và thời điểm đó anh là một trong số ít người khiếm thị biết xài thành thục vi tính. Đây cũng là cơ hội may mắn để cho anh có được một suất sang Cộng hòa Pháp để nâng cao trình độ công nghệ thông tin vào năm 1997. Được ra thế giới mở rộng tầm nhìn về tri thức anh biết ơn những thầy cô, người thân từng giúp đỡ mình. Xuất phát từ suy nghĩ đó mà anh có tâm nguyện mở một cơ sở bảo trợ xã hội làm nơi cưu mang những người có cùng cảnh ngộ. Và Mái ấm Thiên Ân ra đời từ đó.
17 năm làm người quản lý mái ấm với hàng trăm trẻ cơ nhỡ có không biết bao nhiêu câu chuyện vui buồn còn đọng lại trong ký ức người đàn ông 58 tuổi này: “Mỗi em vào đây có một hoàn cảnh đặc biệt khác nhau nhưng đều có chung một số phận và ao ước được sống như một người bình thường vì thế rất đáng được trân trọng” – anh chia sẻ. Khi ghé vào phòng máy vi tính anh đã kể câu chuyện của em Nguyễn Ngọc Đỉnh bị mù hai mắt do bị sét đánh nhiều lần đòi về nhà để tự tử nhưng nhờ sự thuyết phục của thầy Phong và tình yêu thương nơi đây, bây giờ em đã là chủ một cơ sở vật lý trị liệu chữa bệnh Đông y và hạnh phúc cùng vợ con ở TP.Biên Hòa. Trước đó tôi còn biết các em Nguyễn Thị Hảo (huy chương vàng Para Games), Nguyễn Viết Trường, Nguyễn Minh Tuấn, Nguyễn Thị Kiều Oanh (cựu sinh viên Trường ĐHSP TP.HCM) nay trở thành giáo viên quay trở lại gắn bó với mái ấm đúng như mong mỏi của anh: “Thế hệ chúng tôi góp công nhiều nhưng già rồi cần phải đào tạo đội ngũ kế thừa để cho mái ấm ngày càng nâng cao hơn về chất lượng chăm sóc và giáo dục”.
Bài, ảnh: Chu Lễ
Bình luận (0)